Kỳ 2 - Đến khi nào người dân Đà Nẵng có bệnh án điện tử?

VietTimes – Đến hết năm 2020, Đà Nẵng phấn đấu đạt 100% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe bằng phần mềm và dự kiến cuối 2021 sẽ đưa cơ sở dữ liệu công dân vào sử dụng rộng rãi.
Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng đã áp dụng quét mã ID cho bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại bệnh viện
Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng đã áp dụng quét mã ID cho bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại bệnh viện

Liên quan đến tiến độ thực hiện đề án Ứng dụng CNTT trong ngành y tế với mục tiêu đưa ứng dụng bệnh viện thông minh và bệnh án điện tử vào phục vụ chăm sóc sức khỏe người dân, VietTimes đã có cuộc phỏng vấn bác sỹ Nguyễn Tiên Hồng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng - về vấn đề này.

Đã hoàn thành 91% hồ sơ sức khỏe công dân


+ Ông có thể cho biết xuất phát từ đâu mà Đà Nẵng theo đuổi chương trình số hóa ngành y tế thông qua đề án Ứng dụng CNTT vào y tế địa phương?

Bác sỹ Nguyễn Tiên Hồng: Lợi ích của việc đưa ứng dụng CNTT vào ngành y tế có ý nghĩa rất lớn, việc này không chỉ nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân mà còn thể hiện sự minh bạch, công khai tất cả các dịch vụ khám chữa bệnh cho người dân. Ngoài ra, việc này còn là một bước quan trọng trong tiến trình xây dựng TP thông minh của Đà Nẵng.

Chính vì vậy, từ năm 2016, UBND TP Đà Nẵng đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác về xây dựng TP thông minh với Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel. Trong đó, UBND TP và Tập đoàn Viettel thống nhất chọn 2 lĩnh vực: Y tế và giáo dục để xây dựng trở thành 2 lĩnh vực thông minh một cách toàn diện trên cơ sở tích hợp, kế thừa những kết quả đã và đang triển khai, mang lại hiệu quả ứng dụng thực tế, đi vào cuộc sống, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

Đối với lĩnh vực y tế, nội dung và phạm vi triển khai gồm: xây dựng khung kiến trúc ngành Y tế; triển khai hệ thống y tế tuyến xã, phường (quản lý khám chữa bệnh, quản lý dược, liên thông dữ liệu thanh quyết toán bảo hiểm y tế…) tại 56 trạm y tế xã, phường; triển khai hồ sơ y tế điện tử toàn dân; triển khai hệ thống quản lý bệnh viện tại TTYT quận Liên Chiểu và TTYT quận Ngũ Hành Sơn; thí điểm hồ sơ y tế điện tử

Từ năm 2018, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Quyết định xây dựng TP thông minh tại TP Đà Nẵng giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở đó, ngành y tế đã chủ trì triển khai các chương trình gồm:cơ sở dữ liệu hồ sơ sức khỏe công dân; Bệnh viện điện tử; Bệnh viện thông minh (giai đoạn 1)

+ Đề án Ứng dụng CNTT trong ngành y tế Đà Nẵng đã được xây dựng từ năm 2017, vậy đến nay Đà Nẵng đã thực hiện được những kết quả gì?

Bác sỹ Nguyễn Tiên Hồng: Trong thời gian qua, chúng tôi đã xây dựng, ban hành Kiến trúc ứng dụng CNTT ngành y tế (Quyết định số 3865/QĐ-UBND ngày 14/7/2017 của UBND TP). Khung kiến trúc nhằm làm cơ sở để xây dựng danh mục chương trình, dự án ứng dụng CNTT và kế hoạch triển khai của ngành y tế; hình thành một nền tảng dịch vụ dữ liệu mở để dựa trên đó, các doanh nghiệp CNTT tham gia triển khai đa dạng các dịch vụ, tiện ích ứng dụng CNTT trong lĩnh vực y tế nhằm nâng cao trải nghiệm, mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ y tế tại TP Đà Nẵng.

Hiện Sở Y tế đã triển khai ứng dụng Y tế xã phường điện tử tại 100% xã, phường trên địa bàn TP. Đây cũng là nơi xuất phát của phần lớn số liệu sử dụng trong công tác báo cáo thống kê thuộc lĩnh vực sức khỏe cộng đồng nên các trạm y tế đã thực hiện việc ghi chép ban đầu và theo mẫu báo cáo theo quy định. Và từ năm 2017, Sở Y tế đã đưa vào hệ thống quản lý y tế tuyến xã, phường nhằm tin học hóa hoạt động chuyên môn, quản lý sức khỏe người dân.

Một kết quả nữa đó là đã triển khai ứng dụng quản lý bệnh viện điện tử tại các Trung tâm y tế quận Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn; Sơn Trà; Cẩm Lệ; Hòa Vang; Bệnh viện Da Liễu, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Phổi; Bệnh viện Tâm thần; Bệnh viện Phục hồi chức năng; nâng cấp phần mềm tại Bệnh viện Ung bướu.

Tiếp đó là đã triển khai ứng dụng hồ sơ y tế điện tử và quản lý mã (ID) bệnh nhân toàn TP tại các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn. Tổ chức tập huấn, triển khai phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe công dân cho các trạm y tế trên địa bàn, đồng bộ hóa dữ liệu đến hệ thống hồ sơ sức khỏe công dân tại các cơ sở điều trị trực thuộc Sở Y tế. Và tính đến cuối năm 2019, ngành y tế Đà Nẵng đã lập được gần 91% hồ sơ sức khỏe công dân.

Riêng đối với đề án Bệnh viện thông minh (giai đoạn 1) và cơ sở dữ liệu hồ sơ sức khỏe công dân, hiện nay Sở Y tế đang lấy ý kiến Sở KH&ĐT về báo cáo chủ trương đầu tư để tiếp tục thực hiện.

Từ năm 2018, ngành y tế Đà Nẵng đã áp dụng đăng ký lịch khám bệnh qua mạng
Từ năm 2018, ngành y tế Đà Nẵng đã áp dụng đăng ký lịch khám bệnh qua mạng

+ Với kết quả đó, so với mục tiêu của Đề án đề ra thì chúng ta đã đạt được bao nhiêu % khối lượng công việc và hiệu quả ra sao thưa ông?

Bác sỹ Nguyễn Tiên Hồng: Đối với ứng dụng CNTT tại trạm y tế thì chúng tôi đã hoàn thành 100% các trạm y tế đã sử dụng phần mềm dùng chung cho trạm y tế. Phần mềm sử dụng tại trạm y tế sử dụng quản lý thông tin khám, chữa bệnh cho người dân; quản lý danh mục thuốc; thay thế các sổ ghi chép ban đầu tại trạm y tế; liên thông dữ liệu với Cổng giám định Bảo hiểm y tế; liên thông dữ liệu với hệ thống hồ sơ sức khỏe…

Đối với hồ sơ sức khỏe công dân, tính đến thời điểm hiện nay đã khởi tạo hồ sơ sức khỏe được 91% dân số TP Đà Nẵng. 

Ngoài ra, 100% bệnh viện trực thuộc Sở Y tế đã tổ triển khai phần mềm quản lý bệnh viện. Phần mềm quản lý bệnh viện dùng để quản lý bệnh nhân từ khâu tiếp đón, khám bệnh, chỉ định cận lâm sàng, quản lý bệnh nhân nội trú, quản lý dược, thanh toán viện phí, bảo hiểm y tế, quản lý xét nghiệm, cận lâm sàng, liên thông dữ liệu Bảo hiểm y tế, hồ sơ sức khỏe công dân, tài chính, trang thiết bị… Và việc vận hành hệ thống này tại các bệnh viện đem lại hiệu quả tích cực trong khám và chữa bệnh cho người dân.

Cuối năm 2021 sẽ đưa cơ sở dữ liệu công dân vào sử dụng


+ Ông có thế chia sẻ những khó khăn, cũng như thuận lợi trong quá trình thực hiện Đề án như thế nào?

Bác sỹ Nguyễn Tiên Hồng: Trước tiên, việc thực hiện đề án nhận được sự quan tâm và quyết tâm thực hiện của lãnh đạo TP. Điều này thể hiện việc UBND TP đã thành lập Ban Chỉ đạo ứng dụng và phát triển CNTT, Ban Chỉ đạo xây dựng TP thông minh do Chủ tịch/Phó Chủ tịch UBND TP làm Trưởng ban để chỉ đạo trực tiếp việc triển khai. 

Bên cạnh đó là các cơ chế, chính sách để ứng dụng, phát triển CNTT được ban hành đầy đủ, kịp thời và thường xuyên bổ sung, cập nhật; đặc biệt là các văn bản của Trung ương có nội dung y tế thông minh.

Đó là những thuận lợi, nhưng khó khăn cũng còn rất nhiều.  Khó khăn đầu tiên phải nói đến việc triển khai ứng dụng CNTT trong y tế cần nguồn kinh phí đầu tư rất lớn và cần thời gian lâu dài. Thêm nữa, nguồn nhân lực CNTT trong lĩnh vực y tế đang rất thiế và chưa sẵn sàng cho việc tiếp nhận, vận hành hệ thống y tế thông minh.

Bên cạnh đó, chi phí cho việc ứng dụng CNTT chưa được đưa vào giá thành khám chữa bệnh nên một số đơn vị chưa thật sự chủ động đầu tư cho CNTT để đồng bộ hóa toàn bộ hệ thống.

+ Trong thời gian tới, Sở Y tế Đà Nẵng sẽ tiếp tục làm gì để hoàn thành mục tiêu đề án?

Bác sỹ Nguyễn Tiên Hồng: Hiện tại, Sở Y tế đang tiếp tục tập trung hoàn thành các thủ tục đầu tư để sớm trình UBND phê duyệt. Tiếp tục chủ trì triển khai duy trì, cập nhật, vận hành, chia sẻ dữ liệu các hệ thống, ứng dụng sau khi hoàn thành. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị quán triệt tinh thần đẩy mạnh ứng dụng CNTT để triển khai các vấn đề liên quan đến cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong ngành y tế.

Đối với Trung ương, Sở Y tế sẽ kiến nghị Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội đưa giá thành ứng dụng CNTT trong khám chữa bệnh vào thanh toán Bảo hiểm y tế để khuyến khích các bệnh viện chủ động đầu tư cho CNTT.

Đến cuối năm 2021, ngành y tế Đà Nẵng sẽ đưa cơ sở dữ liệu công dân vào sử dụng rộng rãi phục vụ theo dõi sức khỏe, quá trình khám chữa bệnh cho người dân.
Đến cuối năm 2021, ngành y tế Đà Nẵng sẽ đưa cơ sở dữ liệu công dân vào sử dụng rộng rãi phục vụ theo dõi sức khỏe, quá trình khám chữa bệnh cho người dân.

+ Với kết quả thực tế như vậy thì đến khi nào ngành y tế sẽ đạt được mục tiêu đề ra? Khi nào thì cơ sở dữ liệu bệnh nhân, bệnh án điện tử được sử dụng?

Bác sỹ Nguyễn Tiên Hồng: Theo quyết định của UBND TP Đà Nẵng về Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới trên địa bàn TP Đà Nẵng đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì đến hết năm 2020, Đà Nẵng phấn đấu đạt 100% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe bằng phần mềm.

Ngoài ra, theo lộ trình triển khai bệnh án điện tử tại các bệnh viện theo Thông tư của Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án thì giai đoạn từ 2019-2023 các bệnh viện hạng nhất trở lên sẽ triển khai bệnh án điện tử. Với lộ trình đó, Sở Y tế Đà Nẵng đã chỉ đạo các bệnh viện hạng nhất trên địa bàn (Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ sản - Nhi, Bệnh viện Ung bướu) xây dựng Kế hoạch thực hiện bệnh án điện tử trong năm 2021. Các bệnh viện còn lại sẽ thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025.

Trong năm 2020, Sở Y tế đã ban hành Kế hoạch nhiệm vụ trọng tâm của ngành, trong đó có nhiệm vụ đạt tối thiểu 40% đơn vị khám, chữa bệnh đạt mức 4 về ứng dụng CNTT. Qua đó, từng bước nâng mức ứng dụng CNTT tại tất cả các đơn vị để nâng cao chất lượng bệnh viện đảm bảo đúng kế hoạch của từng đơn vị.

Và dự kiến cuối năm 2021, Sở Y tế đưa cơ sở dữ liệu công dân vào sử dụng rộng rãi trong người dân, để người dân có thể tự quản lý, theo dõi sức khỏe, quá trình khám chữa bệnh của mình.

Xin cảm ơn ông!

Lộ trình xây dựng bệnh viện thông minh và bệnh án điện tử của ngành y tế Đà Nẵng giai đoạn 2020-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt:

Từ 2019-2020: Xây dựng trục tích hợp dữ liệu ngành y tế; xây dựng CSDL toàn ngành về y tế nhằm tích hợp thông tin chi tiết về bệnh án điện tử, hồ sơ y tế điện tử ở tất cả các cơ sở y tế, các cơ quan quản lý nhà nước về y tế trên toàn TP Đà Nẵng; 100% người dân có hồ sơ y tế điện tử, 100% bệnh nhân khi đến khám tại các bệnh viện công lập đều được lập bệnh án điện tử

Triển khai ứng dụng quản lý nhà nước về y tế và quản lý nội bộ trên toàn TP; đưa hệ thống khai thác dữ liệu y tế đã quản lý tập trung vào phục vụ khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe người dân thông qua thí điểm mô hình bệnh viện thông minh;

Triển khai thí điểm dịch vụ Y tế thông minh, thanh toán điện tử phục vụ hành chính công trực tuyến cấp độ 4 và thanh toán viện phí khám chữa bệnh;

Cung cấp 100% các dịch vụ công trực tuyến thuộc lĩnh vực y tế ở mức độ 3, 4 với các hồ sơ điện tử gửi qua mạng đều được ký số.

Từ 2021-2023: Triển khai mở rộng hệ thống hồ sơ y tế điện tử đến toàn bộ các Bệnh viện, phòng khám tư nhân trên địa bàn; Triển khai dịch vụ y tế từ xa (telemedicine), đảm bảo 100% bệnh viện có kết nối Telemedine thực hiện hội chẩn từ xa; Triển khai y tế từ xa trong các lĩnh vực X-Quang từ xa (Teleradiology), bệnh lý học (Telepathology), chẩn đoán hình ảnh (Telemedical Imaging) và khám chữa bệnh từ xa, chăm sóc sức khỏe tại nhà (Tele- home Health Care); Triển khai ứng dụng chăm sóc sức khỏe từ xa (Telehealth) thử nghiệm 2 dịch vụ theo dõi bệnh nhân từ xa (Remote Patient Monitoring) và chăm sóc sức khỏe qua thiết bị di động tại nhà (mHealth) cho bệnh nhân mãn tính.

Từ năm 2024-2025: Triển khai mở rộng mô hình bệnh viện thông minh các bệnh viện chuyên khoa, chuyên khoa tuyến TP; 100% Bệnh viện, Trung tâm y tế sử dụng phần mềm quản lý thông tin khám chữa bệnh. Các phần mềm đều phải có cơ chế đồng bộ danh mục dùng chung và tích hợp với CSDL ngành Y tế; 100% Trạm y tế xã phường xã kết nối, sử dụng hệ thống quản lý y tế xã phường tập trung của TP; 100% các hoạt động nghiệp vụ trong kiểm bệnh truyền nhiễm được triển khai; 100% người bệnh đi khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế được cấp mã số định danh y tế và hồ sơ y tế điện tử; 100% các bệnh viện đều được tích hợp các dịch vụ y tế thông minh mức ở các cấp độ từ 1-4; Triển khai dịch vụ chăm sóc sức khỏe bệnh nhân tại nhà cho các bệnh nhân mãn tính, bệnh nhân mắc bệnh không lây nhiễm, điều trị ngoại trú cho 100% cơ sở y tế.