Thiếu tướng Chu Thành Hổ – cháu ngoại cố Nguyên soái Chu Đức – giải mã cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ:

Kỳ 1: Mỹ sẽ tiến hành chiến tranh toàn diện chống Trung Quốc

VietTimes — Trả lời phỏng vấn của trang tin Hoa ngữ độc lập Đa Chiều, Giáo sư Chu Thành Hổ cho rằng động lực của Donald Trump phát động một cuộc chiến tranh thương mại chống lại Trung Quốc phản ánh quyết tâm của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc, sự phát triển của Trung Quốc đã gây lo ngại ở Mỹ. Mỹ không chỉ đánh chiến tranh thương mại với Trung Quốc, mà đã bắt đầu đánh chiến tranh công nghệ cao và chiến tranh tài chính với Trung Quốc. Trong tương lai sẽ là chiến tranh mạng, chiến tranh tranh giành không gian và cuộc đối đầu về địa chính trị  giữa Trung Quốc và Mỹ e rằng khó có thể tránh khỏi.
Giáo sư Chu Thành Hổ: Mỹ không chỉ đánh chiến tranh thương mại, mà đã bắt đầu đánh chiến tranh công nghệ cao và chiến tranh tài chính với Trung Quốc. Trong tương lai sẽ là chiến tranh mạng, chiến tranh tranh giành không gian và cuộc đối đầu về địa chính t
Giáo sư Chu Thành Hổ: Mỹ không chỉ đánh chiến tranh thương mại, mà đã bắt đầu đánh chiến tranh công nghệ cao và chiến tranh tài chính với Trung Quốc. Trong tương lai sẽ là chiến tranh mạng, chiến tranh tranh giành không gian và cuộc đối đầu về địa chính t

Vào ngày 15 tháng 5, ông Trump đã ký một lệnh hành pháp cấm người khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei mua lại các cấu kiện và công nghệ từ các công ty Mỹ. Là công ty công nghệ cao hàng đầu của Trung Quốc, công nghệ 5G của Huawei đã đi trước thế giới và đã trở thành mắt bão trong ván bài Trung - Mỹ. Mỹ tiếp tục thúc đẩy theo đuổi và đánh chặn Huawei, Trung Quốc cũng đáp trả mạnh mẽ trên mặt dư luận. Trong cuộc trả lời phỏng vấn của Đa Chiều, Thiếu tướng quân đội Trung Quốc, Giáo sư Chu Thành Hổ đã mổ xẻ phân tích sâu sắc động lực của Mỹ khi phát động cuộc chiến tranh thương mại. Ông tin rằng cuộc chiến thương mại chống lại Trung Quốc phản ánh quyết tâm của Mỹ nhằm bao vây kiềm chế Trung Quốc trỗi dậy. Độc bá thế giới là nhu cầu lợi ích căn bản của Mỹ; sự phát triển của Trung Quốc đã gây lo ngại cho Mỹ.

Đa chiều: Chiến tranh thương mại Trung-Mỹ trong thời gian gần đây liên tiếp diễn ra những tình hình mới. Sau khi Trump tăng thuế từ 10% lên 25% vào ngày 10/5 đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc; các cuộc đàm phán vốn đang tiến triển tốt đột nhiên chuyển hướng, phía Trung Quốc đã phản ứng mạnh mẽ, gây nên cao trào dư luận; các loại suy đoán và bình luận liên tục xuất hiện. Theo ông, tại sao Trump cứ khăng khăng muốn đánh cuộc chiến thương mại như thế, nguyên nhân, động lực cơ bản là gì?

Giáo sư Chu Thành Hổ: Về lý do tại sao Mỹ muốn phát động cuộc chiến thương mại này, giới học thuật trong nước đã đưa ra những câu trả lời khác nhau từ những góc nhìn khác nhau. Có thể khái quát có tám nguyên nhân lớn sau đây.

Thứ nhất, Hoa Kỳ muốn loại bỏ thâm hụt thương mại. Nhưng cái gọi là thâm hụt thương mại, theo tôi nghĩ là một ngụy mệnh đề. Số liệu thống kê của Mỹ khác với của Trung Quốc và họ có thể đã bỏ qua một số nhân tố then chốt.

Cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ đã khiến giá cả các mặt hàng tiêu dùng ở Mỹ gia tăng
Cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ đã khiến giá cả các mặt hàng tiêu dùng ở Mỹ gia tăng

Một, phía Mỹ đã tính thương mại trung chuyển cũng là của Trung Quốc. Hồng Kông, Đài Loan, thậm chí cả Hàn Quốc và Nhật Bản đã mua hàng hóa của Trung Quốc rồi bán chúng cho Mỹ cũng bị tính là hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc.

Hai, Mỹ cũng tính cả phí vận chuyển và bảo hiểm vào tổng ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ.

Ba là sản phẩm của các công ty liên doanh. Theo thống kê, sản lượng của các công ty liên doanh tại Trung Quốc năm 2015 đã đạt tới 481,4 tỷ USD. Ví dụ: nếu Công ty Volkswagen của Mỹ sản xuất một số lượng lớn xe hơi ở Trung Quốc và sau đó xuất khẩu sang Mỹ, lợi nhuận được sinh ra chủ yếu là công ty Volkswagen hưởng, nhưng khoản này cũng được ghi nhận cho Trung Quốc, điều này rõ ràng là không hợp lý.

Bốn, thương mại dịch vụ là một phần quan trọng của thương mại Trung-Mỹ. Thặng dư của Mỹ đối với Trung Quốc là gần 100 tỷ USD, nhưng số liệu thống kê của Mỹ lại không đưa nó vào.

Năm, du lịch cũng không được tính. Trước khi mối quan hệ Trung-Mỹ xấu đi, hàng năm có khoảng bảy hoặc tám triệu người Trung Quốc đến Mỹ du lịch. Dữ liệu thương mại cũng có thể được nhìn thấy từ việc quẹt thẻ tín dụng ngân hàng. Theo thống kê năm 2017, khách du lịch Trung Quốc đã chi gần 30 tỷ USD tại Mỹ; đó là chưa bao gồm chi tiêu tiền mặt.

Điều quan trọng hơn, Hoa Kỳ là một quốc gia ký sinh. Trong nhiều năm qua, họ đã tận hưởng hàng hóa giá rẻ của thế giới thông qua việc in tiền và người Mỹ sống một cuộc sống đầy đủ hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Có thể một số người Mỹ cảm thấy rằng những ngày tốt đẹp đã quá lâu, muốn vất vả và họ muốn các công ty Mỹ quay trở về. Vấn đề là, các nhà sản xuất sản phẩm tầm trung và thấp trở về Mỹ có kiếm được tiền không? Có đủ nhân công không? Các công ty có thể trả giá thành lao động cao ngất không?

Cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ đang dần phát triển thành cuộc chiến toàn diện trên nhiều lĩnh vực
Cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ đang dần phát triển thành cuộc chiến toàn diện trên nhiều lĩnh vực

Do đó, thâm hụt thương mại về cơ bản là một ngụy mệnh đề, là sự đánh giá sai lầm của chính quyền Trump. Nếu nghiên cứu sâu hơn, tôi cho rằng một số người ở Mỹ đã cố tình phóng đại thặng dư thương mại Trung Quốc với Mỹ. Tôi nghĩ không phải không ai nhận ra điều này, nhất định có người hiểu rõ.

Thứ hai, sự khác biệt giữa hệ tư tưởng và chế xã hội. Có người cho rằng nếu Trung Quốc thay đổi chế độ xã hội và lựa chọn ý thức hệ giống như Mỹ thì Mỹ có thể không áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt như vậy đối với Trung Quốc. Tôi không phủ nhận ảnh hưởng của ý thức hệ trong quan hệ Trung-Mỹ, nhưng nó không phải là nguyên nhân gốc rễ của cuộc chiến thương mại của Mỹ chống lại Trung Quốc. Có một số ví dụ sinh động có thể trực tiếp chứng minh vấn đề này.

Sau khi Liên Xô tan rã, ở khía cạnh kinh tế, các nhà kinh tế Harvard đã  đưa ra liệu pháp "shock" để đối xử với nền kinh tế Liên Xô. Về mặt ý thức hệ, Liên Xô và sau này là Nga cũng tiến gần hơn đến phương Tây và Mỹ. Thế nhưng, Mỹ cho đến nay vẫn không chấp nhận Nga, tiếp tục giày vò và siết chặt không gian chiến lược của Nga. Nhật Bản và Mỹ có cùng một hệ tư tưởng, nhưng cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với Nhật cũng chỉ kết thúc với “Thỏa thuận quảng trường” (Plaza Accord) mà Nhật phải nhượng bộ rất lớn. Người Nhật đã phải trả giá rất đắt cho việc này.

Trong lịch sử nước Nhật, GDP của Nhật đã từng đạt tới hai phần ba GDP của Mỹ và GDP bình quân đầu người của Nhật gấp 1,5 lần của Mỹ. Nhưng hiện nay, GDP của Nhật chỉ bằng một phần ba của Trung Quốc và không tới một phần tư của Mỹ, không thể lọt vào top 10 trên bảng xếp hạng thế giới. Hai ví dụ này cho thấy sự khác biệt về ý thức hệ giữa Trung Quốc và Mỹ không phải là nguyên nhân chủ yếu. Bởi vì từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Mỹ đến nay, sự khác biệt về ý thức hệ luôn có giữa hai nước, nhưng quan hệ Trung-Mỹ cũng từng có thời kỳ trăng mật.

Thứ ba, hủy hoại kế hoạch “Made in China 2025”. “Made in China 2025” là kế hoạch trong khoảng thời gian 10 năm đưa Trung Quốc từ đại quốc chế tạo trở thành cường quốc chế tạo. Đây là con đường tất yếu để dân tộc Trung Hoa thực hiện được giấc mơ phục hưng vĩ đại. Trong lịch sử, phía sau sự trỗi dậy của các cường quốc đều được hỗ trợ bởi ngành chế tạo hùng mạnh. Vương quốc Anh thay thế Hà Lan, chủ yếu là do ngành công nghiệp chế tạo phát triển mạnh sau cuộc cách mạng công nghiệp. Sự trỗi dậy của Đức, Nhật và Liên Xô đều là do ngành chế tạo cường thịnh. Cũng chính vì ngành công nghiệp chế tạo mạnh mà Nhật và Đức mới có thể phát động Chiến tranh thế giới thứ Hai, với ngành công nghiệp vũ khí mạnh mẽ phía sau. Liên Xô đã đánh bại phát xít Đức cũng nhờ dựa vào ngành chế tạo hùng mạnh trong nước.

Đồng Nhân dân tệ không có được vị thế mạnh như đồng Đô la Mỹ
Đồng Nhân dân tệ không có được vị thế mạnh như đồng Đô la Mỹ

Trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ Hai, sau khi Chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ, Mỹ đã chế tạo hơn 20.000 tàu chiến, cho thấy sức mạnh của ngành chế tạo của họ. Những điều nói trên đều là những kinh nghiệm lịch sử. Trung Quốc không thể mua thế giới và để có được dòng hàng giá rẻ từ thế giới bằng cách in tiền như Mỹ. Thứ nhất, vì Trung Quốc có dân số đông; thứ hai, đồng Nhân dân tệ không mạnh như đồng đô la.

Do đó, Trung Quốc chỉ có thể tự lực cánh sinh xây dựng được ngành chế tạo mạnh của riêng mình. Ngành công nghiệp chế tạo hiện tại của Trung Quốc hiện chỉ có thể nói là lớn, chứ chưa thể nói là mạnh và Trung Quốc đang muốn trở thành cường quốc chế tạo. Đề ra kế hoạch “Made in China 2025”, nhắm mục tiêu vào 10 lĩnh vực lớn là rất quan trọng đối với sự phát triển của Trung Quốc trong tương lai. Tất nhiên đó là một thách thức đối với Mỹ, còn nó có trở thành mối đe dọa hay không lại là một vấn đề khác.

Bởi vì hiện nay quan trọng nhất trong ngành chế tạo của Mỹ là mấy loại lớn: các dụng cụ chính xác, máy bay, ô tô và chip cao cấp. Tổng giá trị sản lượng ngành chế tạo của Trung Quốc hiện nay lớn gấp đôi so với Mỹ và có thể mở rộng hơn trong tương lai, vì vậy đây là một nguyên nhân vì sao Mỹ muốn kiềm chế ngành chế tạo của Trung Quốc.

Thứ tư, sự phát triển của Trung Quốc. Bởi vì sự phát triển của Trung Quốc nằm ngoài dự đoán của Mỹ. Mỹ không nghĩ Trung Quốc lại phát triển nhanh như vậy. Nếu Mỹ nghĩ đến điều đó, họ sẽ không thực sự giúp Trung Quốc phát triển trong suốt 30 năm từ trước khi Trung Quốc tiến hành cải cách mở cửa. Hiện nay, đảng cầm quyền và phe đối lập của Mỹ đã định nghĩa sự phát triển của Trung Quốc là một thách thức, thậm chí là mối đe dọa đối với Mỹ. Bất kể ý chí chủ quan của Trung Quốc có như vậy hay không, nhưng về khách quan nó thực sự tạo thành sự thách thức đối với vị thế bá chủ của Mỹ.

Kể từ sau khi thực hiện chiến lược tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương năm 2011, Mỹ đã thực hiện rất nhiều hành động xung quanh Trung Quốc, họ đã chi bao nhiêu tiền của và tinh lực, nhưng hiệu quả rất ít. Nguyên nhân là sự phát triển của Trung Quốc đã mang lại những thách thức chưa từng có đối với Mỹ. Do đó, muốn bóp chết sự trỗi dậy của Trung Quốc từ trong nôi, Mỹ buộc phải sử dụng mọi biện pháp, thậm chí là các thủ đoạn lưu manh để đối phó với Trung Quốc.

Thứ năm, thay đổi cách hành xử của Trung Quốc. Một số học giả ở Trung Quốc tin rằng Mỹ có thể chấp nhận sự phát triển của Trung Quốc, nhưng phải phát triển theo cách mà Mỹ có thể chấp nhận. Cái gọi là cách chấp nhận được đối với Mỹ có nghĩa là chính phủ Trung Quốc không được trợ cấp cho nông nghiệp và doanh nghiệp nhà nước và không thể can thiệp vào thị trường. Nhưng e rằng người Mỹ phải tự hỏi mình trước, các ông có trợ cấp cho sản xuất nông nghiệp không? Người khác không được can thiệp vào thị trường, các ông có can thiệp không? Lẽ nào huy động cả bộ máy nhà nước chế áp một công ty tư nhân không phải là sự can thiệp vào thị trường? Ngoài ra sự hỗ trợ trá hình của Mỹ cho một số công ty lớn có phải là trợ cấp không?

Công nghệ cao đang trở thành một nội dung quan trọng trong cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ hiện nay và trong tương lai
Công nghệ cao đang trở thành một nội dung quan trọng trong cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ hiện nay và trong tương lai

Tôi không nói rằng cách hành xử của Trung Quốc không thể thay đổi. Trên thực tế, quá trình cải cách mở cửa của Trung Quốc là một quá trình liên tục thay đổi cách hành xử. Một quốc gia, đặc biệt là một quốc gia đang phát triển, trong mỗi giai đoạn nhất định đều cần thiết phải có các biện pháp bảo vệ. Ở giai đoạn này, một số biện pháp phát triển kinh tế là cần thiết.

Thứ sáu, để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Từ một loạt các báo cáo chiến lược và phát biểu của các nhà lãnh đạo Mỹ trong hai năm qua, có thể thấy rõ rằng việc kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc không chỉ là sự đồng thuận của đảng cầm quyền và phe đối lập của Mỹ, mà còn là sự đồng thuận của cả thượng, hạ nghị viện. Vấn đề là nhiều người ở Trung Quốc cho đến nay vẫn không nhận ra điều này và họ vẫn có quá nhiều ảo tưởng phi thực tế đối với Mỹ.

Thứ bảy, sự đánh giá sai giữa hai bên Trung Quốc và Mỹ. Đánh giá sai về ý đồ của đối phương là sự đánh giá sai lầm lớn nhất. Chính vì sự đánh giá sai lầm của hai bên đã dẫn đến sự mất lòng tin lẫn nhau trong một loạt vấn đề; chính vì sự không tin tưởng lẫn nhau đã dẫn đến sự xuất hiện một loạt chính sách và hành động không lý trí ở cả hai bên.

Thứ tám, mâu thuẫn giữa nước lớn đang trỗi dậy và sự bá quyền hiện có sẽ là mâu thuẫn chủ yếu trong quan hệ Trung-Mỹ trong tương lai. Mâu thuẫn này là không thể hòa giải. Mỹ sẽ không bao giờ từ bỏ mục tiêu chiến lược độc quyền bá chủ thế giới; Trung Quốc cũng sẽ không từ bỏ giấc mơ phục hưng dân tộc Trung Hoa vĩ đại. Tuy nhiên, trong một thời gian khá dài, Mỹ sẽ là mâu thuẫn chính trong quan hệ Trung - Mỹ và quyền chủ động cũng sẽ nằm trong tay Mỹ trong một thời gian dài. Cuộc chiến thương mại hiện nay không phải là vấn đề Trung Quốc có muốn đánh hay không. Hiện nay, nó đã đến mức không thể không đánh.

Còn về ra bài thế nào và đánh như thế nào lại là một vấn đề khác. Đó là vì quyền chủ động quan hệ Trung - Mỹ không nằm trong tay chính phủ Trung Quốc. Mỹ không chỉ đánh chiến tranh thương mại với Trung Quốc, mà đã bắt đầu đánh chiến tranh công nghệ cao và chiến tranh tài chính với Trung Quốc. Trong tương lai sẽ là chiến tranh mạng, chiến tranh tranh giành không gian và cuộc đấu về địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ e rằng khó có thể tránh khỏi.

Giáo sư Chu Thành Hổ: Hủy hoại kế hoạch “Made in China 2025” là một nguyên nhân khiến Mỹ gây chiến tranh thương mại với Trung Quốc
Giáo sư Chu Thành Hổ: Hủy hoại kế hoạch “Made in China 2025”  là một nguyên nhân khiến Mỹ gây chiến tranh thương mại với Trung Quốc

“Trò chơi” giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ lâu dài và nó sẽ chỉ kết thúc khi mọi chuyện rạch ròi. Tôi không loại trừ trong quá trình này, hai bên sẽ tiếp tục duy trì liên lạc, đàm phán và đạt được một số thỏa thuận. Tất nhiên, trò chơi chiến tranh thương mại, chiến tranh tài chính, chiến tranh mạng và địa chiến lược phải “địch chết một ngàn, ta mất tám trăm” và khó có bên nào có thể hưởng lợi từ nó.

Đa chiều: Luận điểm chính của cuộc tranh luận về chiến tranh thương mại hiện nay là nếu cứ diễn ra như thế này, cả hai bên đều sẽ tổn thất. Câu hỏi đặt ra là ai bị thiệt hơn, Trung Quốc hay là Mỹ? Một số học giả tin rằng khoảng cách giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn còn rất lớn, vì vậy trong cuộc chiến thương mại, Trung Quốc sẽ bị thiệt nhiều hơn.

Giáo sư Chu Thành Hổ: Thế thì Trung Quốc làm thế nào? Trung Quốc không có cách nào lựa chọn không chiến đấu. Vấn đề hiện nay là trong tay Trung Quốc có bao nhiêu quân bài có thể ngăn cản cuộc chiến thương mại tiếp tục leo thang. Quan điểm của tôi về điều này là không lạc quan.

Đa chiều: Sau khi phân tích khách quan về động cơ phát động một cuộc chiến thương mại của phía Mỹ, điều quan trọng nhất là phải hiểu Mỹ có trong tay bao nhiêu quân bài? Ông cho rằng ưu thế chính của Mỹ là những gì? Và những ưu thế đó có chắc chắn đảm bảo rằng Mỹ là bên chịu ít tổn thất hơn không?

Giáo sư Chu Thành Hổ: Cả Trung Quốc và Mỹ đều có ưu thế riêng, trong tay mỗi bên đều có một số quân bài. Còn về cách xuất chiêu như thế nào, tôi nghĩ đó là một vấn đề khác. Những ưu thế của Mỹ chủ yếu biểu hiện trong các mặt sau:

Thứ nhất, Mỹ chiếm ưu thế cao trong toàn bộ chuỗi công nghiệp thế giới và có lợi thế tuyệt đối trong lĩnh vực chip và dụng cụ chính xác.

Thứ hai, Mỹ có thể lợi dụng thực lực quốc gia với khả năng khá mạnh mẽ. Sức mạnh tổng hợp của Mỹ đứng đầu thế giới. Mặc dù Mỹ là nền kinh tế thị trường, nhưng sự kiểm soát của nhà nước đối với nền kinh tế không yếu hơn Trung Quốc.

Giáo sư Chu Thành Hổ: sự đánh giá sai về nhau giữa hai bên Trung Quốc và Mỹ cũng là một nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến tranh thương mại Trung - Mỹ
Giáo sư Chu Thành Hổ: sự đánh giá sai về nhau giữa hai bên Trung Quốc và Mỹ cũng là một nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến tranh thương mại Trung - Mỹ

Thứ ba, Mỹ có thị trường lớn nhất thế giới.

Thứ tư, vị thế bá quyền của đồng đô la không thể bị lung lay trong thời gian ngắn. Hiện tại, không có loại tiền tệ nào trên thế giới có thể làm lung lay nó. Mỹ có thể lợi dụng sự tăng giá hoặc giảm giá của đồng đô la để đạt được các mục đích khác nhau và sử dụng đô la Mỹ làm đòn bẩy để thao túng nền kinh tế thế giới. Năng lực này chẳng quốc gia nào sánh được Mỹ.

Thứ năm, Mỹ đã “bắt cóc” nền kinh tế Trung Quốc ở một mức độ nhất định. Kể từ khi cải cách mở cửa, nền kinh tế Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng, tạo ra các kỳ tích nối tiếp nhau, nhờ hưởng lợi rất nhiều từ tiền vốn của Mỹ, công nghệ Mỹ, thị trường Mỹ và kinh nghiệm quản lý thành công của Mỹ. Điều này vô hình trung khiến Trung Quốc hình thành sự phụ thuộc vào Mỹ. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã mua một khoản lớn trái phiếu của Mỹ và rất nhiều công ty tư nhân đã đầu tư vào Mỹ. Điều này đã gây thành sự phụ thuộc mức độ nhất định vào Mỹ và rất khó để thoát ra.

Thứ sáu, Mỹ có rất nhiều đồng minh. Một số người nghĩ rằng Mỹ đang huy động các đồng minh và đối tác phát động một cuộc Chiến tranh Lạnh mới chống lại Trung Quốc. Khả năng này Trung Quốc không có được.

Thứ bảy, Mỹ có quyền đưa ra các quy tắc. Các cơ chế vốn có như Ngân hàng Thế giới, WTO và IMF, về cơ bản đều được thành lập dưới sự chủ đạo của Mỹ. Ngày nay, Mỹ vẫn có quyền chủ đạo trong việc định ra các quy tắc.

Thứ tám, Mỹ nắm quyền phát ngôn. Những từ ngữ của Donald Trump nói ra nhiều khi rất lưu manh. Trên thế giới ngày nay, không có quốc gia nào côn đồ hơn Mỹ, nhưng chẳng có mấy quốc gia đứng lên phê phán họ. Ngay cả khi một lời nói dối được nói một vạn lần, nó sẽ trở thành sự thật, bởi vì sức mạnh của tiếng nói của Mỹ rất lớn, mà quyền phát ngôn này không thể được thay đổi trong một vài ngày. Trên thực tế, trò chơi đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ phần lớn là trò chơi về quyền phát ngôn. Vẫn còn một chặng đường dài trước khi Trung Quốc thực sự có thể chủ đạo việc định ra các quy tắc.

Giáo sư Chu Thành Hổ: Mỹ đã bắt đầu tiến hành cuộc chiến tranh tài chính với Trung Quốc
Giáo sư Chu Thành Hổ: Mỹ đã bắt đầu tiến hành cuộc chiến tranh tài chính với Trung Quốc

Trung Quốc vẫn còn nhiều không gian để cải thiện việc tiếp xúc với cộng đồng quốc tế. Việc phổ biến chính sách và cách thức thể hiện chúng đều là những vấn đề cần được xem xét. Công cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc mới chỉ diễn ra mấy chục năm; cho nên, việc thiếu tài năng tầm cỡ quốc tế và thiếu nhân tài biết dùng phương thức để phía bên kia chấp nhận được, thể hiện được quyền phát ngôn cũng là một nguyên nhân chính khiến Trung Quốc không có đầy đủ quyền phát ngôn.

Thứ chín, Mỹ có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh. Luật pháp của Mỹ rất toàn diện và đầy đủ. Quan trọng hơn là Mỹ rất dễ dàng ban hành luật; chỉ cần chúng phù hợp lợi ích quốc gia và thích ứng nhu cầu an ninh quốc gia là họ có thể định ra pháp luật tương ứng trong vài ngày. Chẳng hạn, kể từ cuối năm 2017, Hoa Kỳ đã ban hành mấy đạo luật can thiệp vào Đài Loan. Do Mỹ có thực lực mạnh mẽ, ngay cả khi đó là chuyện bất hợp pháp, nó vẫn có thể biện minh được. Cái gọi là tự do hàng hải là một ví dụ nổi bật. Mỹ thậm chí không tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, nhưng lại áp dụng các điều khoản pháp lý có lợi cho họ. Đem luật trong nước đặt lên trên luật quốc tế là chuyện thường ngày ở Mỹ. Cái gọi là Điều 301, lấy lý do an ninh quốc gia, ngăn cản các công ty Mỹ hợp tác với các công ty khác. Nếu các quốc gia khác cũng làm theo cách của Mỹ, thì trật tự thế giới sẽ không tồn tại.

(Còn nữa)