'Kinh tế Việt Nam tăng trưởng trễ nhịp nhưng không chệch hướng'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đó là nhận định của ông Kyle F.Kelhofer - Giám đốc Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tại Diễn đàn thường niên về Quản trị Công ty 2021 do Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) tổ chức chiều qua (10/12).
Ông Kyle F.Kelhofer - Giám đốc Khu vực, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC)
Ông Kyle F.Kelhofer - Giám đốc Khu vực, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC)

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Kyle F.Kelhofer - Giám đốc Khu vực, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cho biết các tổ chức quốc tế dự báo kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng mạnh trong năm 2022.

“Rủi ro suy thoái còn lớn, áp lực lạm phát, giá cả vẫn đầy thách thức qua hai năm 2020-2021, tuy nhiên các chỉ số vẫn chỉ ra Việt Nam là quốc gia có cơ hội tăng trưởng, có thặng dư tài khóa. Vấn đề là làm thế nào để duy trì cải thiện nền kinh tế từ các yếu tố thuận lợi và đặc thù của Việt Nam ngay trong đầu năm 2022 tới”, đại diện IFC nói.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là một câu chuyện thành công bất chấp những thách thức chưa từng có từ đại dịch COVID-19. Trong 3 năm qua, xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam vẫn được cải thiện, FDI vẫn có dòng chảy, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, sản xuất.

Ông Kyle F.Kelhofer cho rằng thực tế là Chính phủ Việt Nam có khả năng tiếp cận thị trường vốn tốt, và đây là những dấu hiệu tích cực.

Bên cạnh góc nhìn kinh tế, ông Gareth Ward, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam đã mang đến diễn đàn những thông tin về kết quả của Hội nghị COP26 và tầm quan trọng của kết quả này đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Theo vị Đại sứ, các cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26 có thể là động lực phát triển của Việt Nam trong 20 năm tới. Đây sẽ là thông điệp khẳng định tính cấp thiết của việc cân bằng ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mọi thành phần tham gia thị trường, trong đó HĐQT với chức năng định hướng chiến lược trong các doanh nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Đưa ESG vào thực tiễn

Cũng tại diễn đàn này, ông Dominic Scriven - Phó Chủ tịch VIOD, Chủ tịch Dragon Capital - cho biết, các nhà quản trị công ty hiện không chỉ còn quan tâm tới lợi nhuận nữa.

“Đây là thời điểm chúng ta phải thay đổi, phải nghĩ tới những người cần được quan tâm, cần chúng ta chịu trách nhiệm và cả các khía cạnh khác liên quan tới ESG”, ông Dominic Scriven nói.

Chủ tịch Dragon Capital cho biết biến đổi khí hậu có thể gây ra các rủi ro vật chất (tổn hại tới GDP) và rủi ro chuyển đổi. Rủi ro tổn hại về tiền bạc từ biến đổi khí hậu trong giai đoạn 2030 - 2050 ước tính sẽ lớn gấp 6 lần giai đoạn 2010 - 2030.

Trả lời câu hỏi "Làm thế nào để đưa ESG và tính bền vững vào thực tế?", ông Dominic cho rằng các nhà quản trị doanh nghiệp cần xem xét những kịch bản có thể xảy ra, những thiệt hại tính bằng tiền, tính toán lại tỉ lệ rủi ro hàng năm để xem mức độ cải thiện tới đâu và có biện pháp tiếp theo.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý của Việt Nam cũng cần tăng cường các quy định, biện pháp để đảm bảo mục tiêu môi trường - xã hội, ví dụ như Anh Quốc đã sửa lại cách tính GDP trong đó có vấn đề sử dụng vốn tự nhiên, xây dựng những ủy ban về chuẩn mực bền vững.

“Chúng ta mong muốn làm người tốt, người thiện tâm thì từng doanh nhân cần tìm hiểu, biết về những rủi ro khí hậu, rủi ro vật chất và rủi ro chuyển đổi để rồi biết mình cần phải bắt tay vào làm gì. Từ nhìn nhận vấn đề đến xử lý nó bằng phương pháp nào, từng việc làm cụ thể ra sao”, ông Dominic khẳng định.

Ông Patrick Tay - Chuyên gia kinh tế của PwC

Ông Patrick Tay - Chuyên gia kinh tế của PwC

Dẫn số liệu tháng 8/2021, ông Patrick Tay - Chuyên gia kinh tế của PwC cho biết các nước ASEAN đã chi ra khoảng 350 tỉ USD để phục hồi kinh tế sau đại dịch, tương đương 11% GDP.

Các ưu tiên để xây dựng nền tảng tốt hơn gồm tăng cường kết nối chuỗi cung ứng và khả năng phục hồi; tăng cường vốn (vật chất và trí tuệ) để nâng cao năng suất và đổi mới; tăng cường cạnh tranh, xóa bỏ độc quyền; nâng cao năng lực của các dịch vụ y tế công cộng; tăng cường kết nối khu vực, thương mại xuyên biên giới và đầu tư.

Để xây dựng nền tảng công bằng hơn, ông Tay nhận định Việt Nam cần tăng cường và mở rộng bảo trợ, phúc lợi xã hội, đặc biệt là đối với các nhóm dễ bị tổn thương; đảm bảo các chính sách lao động và nhập cư; thúc đẩy chuyển đổi số; truyền thông những lợi ích của sự phát triển đến khu vực nông thôn và ít phát triển hơn.

Cùng với đó là xây dựng môi trường xanh hơn để thúc đẩy phát triển bền vững trên mọi phương diện; tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi sang năng lượng bền vững; xây dựng khung giảm thiểu carbon; thúc đẩy tính bền vững về môi trường.

Ông Patrick Tay cũng cho biết để đạt được các cam kết trong Hiệp định Khí hậu Paris thì các nước ASEAN cần nâng mức năng lượng tái tạo hiện tại từ 27% tổng năng lượng lên 52% vào năm 2030, với chi phí bổ sung là 70 tỉ USD.

Ông Tay cũng kêu gọi các doanh nghiệp, cá nhân chung tay hành động, để tạo ra tác động lớn hơn bằng sức mạnh tập thể và tăng sự hiện diện của ESG vào các hoạt động kinh tế./.