Kinh tế Việt Nam 2018: GDP tăng trưởng 7,08% - cao nhất kể từ 2011, thu nhập bình quân đầu người 2.587 USD

Viettimes -- Kinh tế Việt Nam đang phục hồi, GDP 2018 tăng 7,08% - cao nhất kể từ 2011 tới nay.
GDP 2018 tăng 7,08% - cao nhất kể từ 2011 tới nay. (Ảnh minh họa: Internet)
GDP 2018 tăng 7,08% - cao nhất kể từ 2011 tới nay. (Ảnh minh họa: Internet)

Những điểm sáng của bức tranh kinh tế Việt Nam

Theo số liệu vừa công bố chiều 27/12 (Tổng cục Thống kê), tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV năm 2018 ước tính tăng 7,31% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,90%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,65% và khu vực dịch vụ tăng 7,61%. Tăng trưởng quý IV/2018 thấp hơn tốc độ tăng trưởng quý IV/2017 nhưng cao hơn tăng trưởng quý IV các năm 2011-2016.

Thông tin đáng mừng là xét về góc độ sử dụng GDP quý IV năm 2018, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,51% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 9,06%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 10,69%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 9,50%. GDP cả năm 2018 tăng 7,08% là mức tăng cao nhất kể từ năm 2011 tới nay.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp năm 2018 duy trì mức tăng trưởng khá với 8,79%. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng của khu vực này và là động lực chính của tăng trưởng với mức tăng cao 12,98%, cao hơn nhiều so với mức tăng các năm 2012-2016. Ngành xây dựng năm nay duy trì được mức tăng trưởng khá với tốc độ 9,16%.

Quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành đạt 5.535,3 nghìn tỷ đồng; GDP bình quân đầu người ước tính đạt 58,5 triệu đồng, tương đương 2.587 USD, tăng 198 USD so với năm 2017.

Chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện rõ rệt. Năm 2018, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP đạt 43,50%, bình quân 3 năm 2016-2018 đạt 43,29%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,58% của giai đoạn 2011-2015”.

Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 102 triệu đồng/lao động (tương đương 4.512 USD/lao động, tăng 346 USD so với năm 2017); năng suất lao động năm 2018 tăng 5,93% so với năm 2017, cao hơn nhiều mức tăng 5,29% của năm 2016 và xấp xỉ mức tăng 6,02% của năm 2017 do lực lượng lao động được bổ sung và số lao động có việc làm năm 2018 tăng cao.

Trao đổi với VietTimes, ông Trần Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đồng thuận với những đánh giá lạc quan từ Tổng cục Thống kê và lưu ý thêm các chỉ số đáng mừng: “Năm 2018, cả nước có 131.275 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.478,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 14,1% về số vốn đăng ký so với năm 2017. Nếu tính cả 2.408,8 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong năm 2018 là 3.886,9 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 34.010 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 28,6% so với năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm nay lên gần 165,3 nghìn doanh nghiệp”.

Lạc quan với đầu tư nước ngoài

Nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dựa chủ yếu vào vốn. Thông tin đáng mừng là vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 1.856,6 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm trước (quý IV đạt 606,9 nghìn tỷ đồng, tăng 12,5%), bằng 33,5% GDP, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 619,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 33,3% tổng vốn và tăng 3,9% so với năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 803,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 43,3% và tăng 18,5%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 434,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 23,4% và tăng 9,6%.

Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/12/2018 thu hút 3.046 dự án cấp phép mới. Bên cạnh đó, có 1.169 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2018 ước tính đạt 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 2017. Trong năm 2018 còn có 6.496 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 9,89 tỷ USD, tăng 59,8% so với cùng kỳ năm 2017.

Tính chung cả năm 2018, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 244,72 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 69,20 tỷ USD, tăng 15,9%, chiếm 28,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 175,52 tỷ USD, tăng 12,9%, chiếm 71,7%. Loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2018 tăng 12,7% so với năm 2017.

Trong năm 2018 có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tới 91,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, trong đó 9 mặt hàng đạt trên 5 tỷ USD và 5 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD (Điện thoại và linh kiện đạt 50 tỷ USD, tăng 10,5%; hàng dệt may đạt 30,4 tỷ USD, tăng 16,6%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 29,4 tỷ USD, tăng 13,4%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 16,5 tỷ USD, tăng 28%; giày dép đạt 16,3 tỷ USD, tăng 11%).

Tuy nhiên, nhìn chung, tỷ trọng xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực chủ yếu vẫn thuộc về khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó: điện thoại và linh kiện chiếm 99,7%; điện tử, máy tính và linh kiện 95,6%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng 89,1%; hàng dệt may 59,9%.

Kim ngạch xuất khẩu dịch vụ năm 2018 ước tính đạt 14,8 tỷ USD, tăng 13,2% so với năm 2017 (quý IV đạt 3,7 tỷ USD, tăng 9,3%), trong đó dịch vụ du lịch đạt 10,1 tỷ USD (chiếm 68,1% tổng kim ngạch), tăng 13,4%; dịch vụ vận tải đạt 2,9 tỷ USD (chiếm 19,5%), tăng 14,6%.

Theo ông Lê Thanh Hải – giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế TP.HCM nhìn nhận một cách thận trọng, trong cuộc trao đổi với VietTimes: “Giai đoạn 2019 - 2020, Việt Nam vẫn còn những rủi ro khi tăng trưởng kinh tế ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI. Nếu xảy ra xung đột thương mại trong khu vực các mặt hàng mà doanh nghiệp FDI của chúng ta đang tập trung sản xuất, thì tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ bị ảnh hưởng rất lớn”./.