Kinh tế Trung Quốc trì trệ: Nhật Bản lao đao, Thái Lan méo mặt

Le Figaro của Pháp vừa có bài viết nhận định về mối ràng buộc lẫn nhau ngày càng lớn cả về công nghiệp lẫn thương mại giữa hai cường quốc Châu Á, Nhật Bản và Trung Quốc, bất chấp những căng thẳng chính trị.
Kinh tế Trung Quốc trì trệ: Nhật Bản lao đao, Thái Lan méo mặt

Le Figaro của Pháp vừa có bài viết nhận định về mối ràng buộc lẫn nhau ngày càng lớn cả về công nghiệp lẫn thương mại giữa hai cường quốc Châu Á, Nhật Bản và Trung Quốc, bất chấp những căng thẳng chính trị, RFI cho biết.

Bài viết đề tựa "Cú hãm Trung Quốc làm suy yếu kinh tế Nhật Bản". Quan sát đầu tiên Regis Arnaud, tác giả bài viết nhận thấy người Trung Quốc làm khách hàng chính tại hầu hết các trung tâm thương mại lớn. Đến mức các thông báo tại những cửa hiệu sang trọng đều được viết hay nói bằng tiếng Hoa. Ngay cả trên sàn chứng khoán Tokyo, chính các nhà đầu tư Trung Quốc cũng đã nhấn chìm bầu không khí tại đây: chỉ số Nikkei đã bị sụt đến 14% trong vòng một tháng.

Thế nhưng, đối với Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, nếu những biến động chứng khoán tại Trung Quốc không mấy tác động đến nền tài chính của Nhật, do các nhà đầu tư nhỏ Trung Quốc chỉ chiếm có 2%, thì việc này lại làm trì trệ nền kinh tế Nhật.

Bởi lẽ Trung Quốc chiếm đến 18% nguồn xuất khẩu và 9% nguồn vốn đầu tư của Nhật Bản. Một tỷ lệ đủ để tạo ra một cú sốc đáng kể trong trường hợp có khủng hoảng chứng khoán. Hơn nữa, bất chấp những bất đồng chính trị giữa đôi bên, Nhật Bản cũng không được lợi gì nếu Trung Quốc thất bại, theo như nhận xét của ông Hiromichi Shirakawa, chuyên gia kinh tế tại Credit Suisse.

Thế nhưng, đối với Tokyo, tiêu thụ và sản xuất công nghiệp tại Trung Quốc sụt giảm mới là vấn đề chính. Bắc Kinh lệ thuộc vào Nhật Bản trong nhiều ngành công nghiệp linh kiện. Nhiều loại linh kiện bán dẫn chiến lược được cài đặt trong nhiều sản phẩm được xuất xưởng dưới nhãn mác "Made in China".

Nhật Bản vẫn luôn đứng đầu một số ít nhà sản xuất độc quyền cho nhiều loại linh kiện quan trọng, mà Trung Quốc rất cần để có thể vận hành các nhà máy : động cơ pin cho máy tính, chất màu hóa học, lốp xe, cáp dẫn cho xe ô tô…

Ông Hiromichi Shirakawa nhận xét: "Trung Quốc là một thị trường quan trọng đặc biệt cho các nhà sản xuất hóa chất, may mặc, các dụng cụ quang học và các thiết bị khoa học…".

Theo tính toán của vị chuyên gia này, giả như sản xuất công nghiệp Trung Quốc dừng tăng trưởng hoàn toàn trong năm 2016, tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản sẽ bị mất đến 0,4%.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, khó có thể đánh giá được việc kinh tế Trung Quốc trì trệ có những tác động gián tiếp nào lên nền kinh tế Nhật Bản: chẳng hạn doanh số doanh nghiệp Nhật sụt giảm, cũng đồng nghĩa với việc giảm đầu tư. Giá chứng khoán giảm, thì ảnh hưởng đến niềm tin, dẫn đến giảm tiêu thụ…

Vị trí của Trung Quốc ám ảnh Nhật Bản đến mức chỉ cần Trung Quốc hơi sụt sùi là sẽ dẫn đến một tác động quan trọng về tâm lý hơn là trên trao đổi thương mại giữa đôi bên. Bởi vì theo ước tính của Ngân hàng CLSA, trong giai đoạn 2013-2020, lượng du khách Trung Quốc đến xứ sở hoa Anh đào sẽ tăng từ 1,3 lên 9 triệu người.

Các chủ hãng lớn đang vò đầu bứt tóc làm sao cho khách Trung Quốc quay lại các gian hàng của họ. Vì một lẽ rất dễ hiểu là du khách Trung Quốc rất phóng tay. Trong năm 2014, tuy chỉ chiếm có 17% lượng khách viếng thăm, nhưng mức mua sắm của khách Trung Quốc chiếm đến 40% tại Nhật Bản.

1/3 doanh số hàng tháng của các thương hiệu sang trọng lớn là đến từ khách Trung Quốc, tập trung chủ yếu vào các loại sản phẩm chăm sóc sắc đẹp, dầu gội, tả quần (được ấn định 2 gói/ du khách), những thứ sản phẩm còn khan hiếm trong nước.

Bangkok cũng "méo mặt"

Le Figaro tiếp tục dẫn độc giả xuống vùng Đông Nam Á với bài viết "Bắc Kinh bị bầm làm Thái Lan cười không nổi".

Khó khăn kinh tế tại Trung Quốc là một vố đau cho chính phủ của tướng Prayuth Chan o-Cha, tại Thái Lan, Le Figaro nhận xét. Vị lãnh đạo quân sự này đã nhắm vào việc xích lại gần Trung Quốc để khôi phục nền kinh tế đất nước, bị nhấn chìm sau nhiều năm bất ổn chính trị. Đối với Bangkok, Trung Quốc là một thị trường khá lớn cho ngành xuất khẩu gạo và cao su.

Thế nhưng, trong sáu tháng đầu năm, lượng gạo xuất sang Trung Quốc đã bị giảm đến 6,3% và cao su giảm 26,9%. Nhu cầu nguyên nhiên liệu thế giới uể oải kèm theo hai vụ nổ bom khủng bố mới đây gây thiệt hại nhân mạng cho phần đông du khách Trung Quốc đã làm cho ngành xuất khẩu các loại sản phẩm từ dầu khí giảm đến 22,5%.

Sự dồn dập các số liệu xấu trong một đất nước mà xuất khẩu chiếm đến 70% tổng sản phẩm quốc nội đang gây khó khăn cho nhà hoạch định chính sách.

MINH ANH theo BizLive