Kinh tế thế giới suy thoái, doanh số bán vũ khí của Mỹ, Trung Quốc tăng, Nga giảm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Năm 2020, đại dịch COVID-19 tàn phá thế giới, bất chấp nền kinh tế toàn cầu bị suy giảm, hoạt động buôn bán vũ khí vẫn tăng mạnh, tổng doanh số bán hàng của top 100 công ty vũ khí đã tăng lên tới 531 tỉ USD.
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga - loại vũ khí được nhiều nước ưa thích (Ảnh: Getty).
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga - loại vũ khí được nhiều nước ưa thích (Ảnh: Getty).

Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) ở Thụy Điển hôm 6/12 đã đưa ra một báo cáo cho biết mặc dù đại dịch COVID-19 khiến nền kinh tế toàn cầu suy giảm, 100 nhà sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới vẫn tiếp tục tăng mạnh doanh số bán hàng của họ trong năm 2020, đạt mức 531 tỉ USD. Trong số đó, Mỹ tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu, Trung Quốc đứng ở vị trí thứ hai, trong khi Nga giảm mạnh.

Kinh tế toàn cầu giảm nhưng doanh số của 100 công ty vũ khí tăng

Báo cáo của SIPRI chỉ ra rằng nền kinh tế toàn cầu đã bị giảm 3,1% trong năm ngoái, nhưng lợi nhuận của 100 công ty sản xuất vũ khí hàng đầu vẫn tăng năm thứ sáu liên tiếp với mức tăng 1,3% so với năm 2019. Có 41 công ty Mỹ lọt vào danh sách 100 công ty hàng đầu với doanh số bán vũ khí lên tới 285 tỉ USD, chiếm 54% tổng doanh số của top 100 công ty thế giới.

Trong số 10 công ty vũ khí hàng đầu thế giới, Mỹ có 6, Trung Quốc 3 và Anh 1 (Ảnh: AFP).

Trong số 10 công ty vũ khí hàng đầu thế giới, Mỹ có 6, Trung Quốc 3 và Anh 1 (Ảnh: AFP).

Trung Quốc có 5 công ty lọt vào top 100 với doanh thu 66,8 tỉ euro, chiếm 13% tổng doanh thu của 100 công ty hàng đầu; Anh Quốc đứng thứ 3. Báo cáo cho rằng các Công ty Trung Quốc đã được hưởng lợi từ kế hoạch hiện đại hóa quân đội Trung Quốc, thúc đẩy sự kết hợp quân-dân sự.

Các công ty vũ khí khác được xếp hạng trong số 100 công ty hàng đầu bao gồm của Israel, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc. Chỉ có các công ty của Pháp và Nga sụt giảm doanh số bán hàng. Các công ty vũ khí Nga có mức sụt giảm lớn nhất về doanh số, được cho là có liên quan đến sự phát triển của các nhà máy sản xuất vũ khí ở Trung Quốc và Ấn Độ. Theo báo cáo, các nhà sản xuất quân sự phần lớn được bảo vệ do nhu cầu liên tục của các chính phủ đối với các vật tư và dịch vụ quân sự; chính phủ nhiều nước đã gia tăng chi tiêu quân sự để triệt tiêu ảnh hưởng của dịch bệnh.

Máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của hãng Lockheed Martin (Ảnh: AFP).

Máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của hãng Lockheed Martin (Ảnh: AFP).

Theo trang tin Deutsche Welle, ngừng sản xuất, gián đoạn chuỗi cung ứng, người tiêu dùng lo lắng… đại dịch COVID-19 đã khiến nền kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh. Tuy nhiên, có một ngành công nghiệp dường như không sợ SARS-CoV-2, đó là ngành công nghiệp vũ khí. Điều này được khẳng định qua báo cáo mới nhất về 100 nhà sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới do Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm (SIPRI) công bố. Alexandra Marksteiner, một chuyên gia của viện, nói: năm 2020 là năm đầu tiên của đại dịch. "Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế thế giới đã suy giảm 3,1%, nhưng doanh thu của 100 công ty vũ khí hàng đầu vẫn tăng 1,3%, điều này làm tôi ngạc nhiên."

Năm 2020, tổng doanh số của 100 công ty vũ khí lớn nhất thế giới đạt 531 tỉ USD, vượt tổng sản lượng kinh tế của Bỉ. Những người khổng lồ quan trọng nhất trong ngành công nghiệp chết người này đều nằm ở Mỹ. 41 công ty Mỹ chiếm hơn một nửa (54%) tổng doanh số của 100 công ty hàng đầu. Riêng Lockheed Martin đã bán được các hệ thống vũ khí khoảng 58 tỉ USD, nhiều hơn tổng GDP của Lithuania.

Vận động hành lang mang lại lợi nhuận khủng

Markus Bayer, một nhà khoa học chính trị tại Trung tâm Nghiên cứu Xung đột Quốc tế Bonn (BICC) trích dẫn một Báo cáo của tổ chức phi chính phủ Mỹ “ Open Secrets ” chỉ ra rằng: các hãng sản xuất vũ khí có sức ảnh hưởng Chính trị trực tiếp rất mạnh, "Trong 20 năm qua, các công ty vũ khí của Mỹ đã bỏ 285 triệu USD tài trợ cho các chiến dịch tranh cử và 2,5 tỉ USD cho các hoạt động vận động hành lang."

Tập đoàn vũ khí NORINCO lớn nhất Trung Quốc đã đứng thứ 7 thế giới về doanh số bán vũ khí năm 2020 (Ảnh: Sohu).

Tập đoàn vũ khí NORINCO lớn nhất Trung Quốc đã đứng thứ 7 thế giới về doanh số bán vũ khí năm 2020 (Ảnh: Sohu).

Đối với các đại gia vũ khí, khoản chi này có vẻ rất đáng giá. Chuyên gia về vũ khí Marksteiner chỉ ra rằng Lầu Năm Góc đã hỗ trợ có mục tiêu cho ngành công nghiệp vũ khí của Mỹ trong thời kỳ đại dịch: "Ví dụ, nó đảm bảo rằng nhân viên của các nhà thầu quốc phòng về cơ bản không bị cấm túc ở nhà; các hợp đồng đặc biệt được ký kết để tiền vốn được rót về sớm hơn so với kế hoạch ban đầu, tạo cơ hội cho việc quay vòng."

Các số liệu mới do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cung cấp cũng thu hút sự chú ý của Simone Wisotzki, chuyên gia kiểm soát vũ khí tại Quỹ Nghiên cứu Hòa bình và Xung đột Hessen của Đức (PRIF). Bà đặc biệt chú ý đến hiện tượng "thị phần ngày càng tăng của các công ty vũ khí từ Nam bán cầu" được chỉ ra trong báo cáo. Trong số đó, Ấn Độ là quốc gia đi đầu với 3 công ty nằm trong top 100 thế giới, chiếm 1,2% tổng doanh thu, tương đương với Hàn Quốc.

Tuy nhiên, số lượng vũ khí được bán nhiều hơn từ Trung Quốc, nước láng giềng phía bắc của Ấn Độ. Từ năm 2015, Viện SIPRI đã đưa Trung Quốc vào đối tượng nghiên cứu của họ. Theo báo cáo mới nhất này, 5 công ty Trung Quốc đã lọt vào top 100 toàn cầu và doanh số bán vũ khí chiếm tới 13% tổng doanh thu toàn cầu. Theo báo cáo, cả 5 công ty này đều được hưởng lợi từ kế hoạch hiện đại hóa quân đội Trung Quốc.

Khi đề cập đến các doanh nghiệp Trung Quốc, chuyên gia vũ khí Marksteiner đã lấy ví dụ về doanh nghiệp sản xuất vũ khí số một của nước này là Tập đoàn Công nghiệp Phương Bắc (NORINCO), chỉ ra rằng các doanh nghiệp quân sự-công nghiệp của Trung Quốc được hưởng lợi từ cái gọi là chính sách "hội nhập quân sự-dân sự": NORINCO đã giúp phát triển một hệ thống vệ tinh quân sự-dân sự lưỡng dụng và kiếm được rất nhiều tiền.

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc được cải tạo từ một tàu cũ mua của Ukraine, nay Trung Quốc đang đóng chiếc thứ 3 (Ảnh: Sina).

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc được cải tạo từ một tàu cũ mua của Ukraine, nay Trung Quốc đang đóng chiếc thứ 3 (Ảnh: Sina).

Quân sự hóa công nghệ thông tin

Chuyên gia về vũ khí của Đức Simone Wisotzki chỉ ra rằng nhìn chung, ranh giới giữa công nghệ dân sự và quân sự ngày càng trở nên mờ nhạt, và "công nghệ thông tin từ lâu đã không thể tách rời công nghệ vũ khí". Trong báo cáo mới nhất của mình, Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm đặc biệt chú ý đến vai trò ngày càng mở rộng của các công ty công nghệ trong lĩnh vực kinh doanh vũ khí.

Là một trong những tác giả của báo cáo, bà Simone Wisotzki nhấn mạnh rằng “Nếu muốn hệ thống hóa khái niệm về ngành công nghiệp vũ khí, không thể chỉ nói về những tay chơi truyền thống như Lockheed Martin”. SIPRI đã chỉ ra trong báo cáo của mình rằng trong những năm gần đây, những gã khổng lồ của Thung lũng Silicon như Google, Microsoft và Oracle đều can dự mạnh vào lĩnh vực kinh doanh vũ khí và đã giành được một số lượng lớn hợp đồng. Ví dụ, Microsoft đã ký hợp đồng trị giá 22 tỉ USD với Lầu Năm Góc để cung cấp cho quân đội loại "siêu kính" có tên "Hệ thống tăng cường thị lực tích hợp" (Integrated Visual Augmentation System, IVAS) nhằm cung cấp cho binh lính các thông tin chiến lược thời gian thực có liên quan đến chiến trường.

Hệ thống "siêu kính" IVAS do Microsoft sản xuất cho Quân đội Mỹ có giá trị hợp đồng 22 tỉ USD (Ảnh: Deutsche Welle).

Hệ thống "siêu kính" IVAS do Microsoft sản xuất cho Quân đội Mỹ có giá trị hợp đồng 22 tỉ USD (Ảnh: Deutsche Welle).

Không khó giải thích về sự quan tâm của quân đội Mỹ đối với Thung lũng Silicon. Marksteiner cho rằng quân đội Mỹ nhận thức được rằng các công ty công nghệ này có chuyên môn nhất định về công nghệ mới, cho dù đó là trí tuệ nhân tạo, dụng cụ học tập hay điện toán đám mây, họ đều vượt xa các công ty truyền thống trong ngành công nghiệp quốc phòng. Chuyên gia về vũ khí này dự đoán rằng một số công ty này trong tương lai có thể được đứng trong Danh sách 100 Công ty sản xuất vũ khí toàn cầu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm (SIPRI).

Ngành công nghiệp quân sự Nga thụt lùi?

Ngoài Pháp ra, doanh số bán vũ khí của Nga bị giảm nhiều nhất: Doanh số bán vũ khí của 9 công ty Nga trong danh sách top 100 đã giảm 6,5% so với năm 2019. Markus Bayer, một chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Xung đột Quốc tế Bonn, cho rằng việc các công ty Nga trong 100 doanh nghiệp bán vũ khí hàng đầu bị giảm mạnh doanh số có liên quan trực tiếp đến việc phát triển và mở rộng ngành công nghiệp vũ khí của Ấn Độ và Trung Quốc. Hai quốc gia này từng là những khách hàng mua vũ khí lớn của Nga.

Tiêm kích đa năng Su-30 của Nga được nhiều nước ưa chuộng (Ảnh:Dwnews)

Tiêm kích đa năng Su-30 của Nga được nhiều nước ưa chuộng (Ảnh:Dwnews)

Markus Bayer lấy tàu sân bay làm ví dụ và chỉ ra rằng tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc dựa trên một tàu cũ của Liên Xô được Bắc Kinh mua năm 1998 và đưa vào biên chế PLA với tên là "Liêu Ninh" vào năm 2012. Kể từ đó, Trung Quốc đã có những bước phát triển vượt bậc: "Trong 20 năm qua, Trung Quốc đã vượt qua Nga về năng lực chế tạo tàu sân bay. Trong giai đoạn này, Nga chưa có thêm tàu sân bay mới nào. Ấn Độ cũng đã phát triển được tàu sân bay của riêng mình dựa trên công nghệ của Liên Xô cũ."

Châu Âu nằm ở đâu?

Trong số 100 công ty doanh thu hàng đầu vào năm 2020, ngành công nghiệp vũ khí châu Âu chiếm 21% với 26 công ty trong danh sách và tổng doanh thu là 109 tỉ USD. Trong số đó, tổng doanh thu của 4 công ty vũ khí thuần Đức lên tới gần 9 tỉ USD.

Doanh số bán vũ khí của các công ty đa quốc gia châu Âu như Airbus đạt gần 12 tỷ euro, tăng 5% so với năm 2019. Châu Âu ngày càng phụ thuộc vào các công ty đa quốc gia như vậy. Markus Bayer giải thích, "Châu Âu đang cố gắng thúc đẩy hợp tác thông qua các kênh chính trị để phát triển các 'hệ thống vũ khí thế hệ tiếp theo', 'hệ thống không quân chiến đấu trong tương lai' hoặc 'hệ thống chiến đấu mặt đất', để có thể chịu được chi phí phát triển của các hệ thống vũ khí mới này."

Máy bay chiến đấu Typhoon của châu Âu do Đức, Anh, Italy và Tây Ban Nha cùng phát triển (Ảnh: Fengye).

Máy bay chiến đấu Typhoon của châu Âu do Đức, Anh, Italy và Tây Ban Nha cùng phát triển (Ảnh: Fengye).

Bà Simone Wisotzki, chuyên gia về vấn đề vũ khí ở Hessen, chỉ ra rằng, về mặt cắt giảm chi phí, chính sách phát triển chung này chắc chắn có ý nghĩa, nhưng khi liên quan đến kiểm soát xuất khẩu vũ khí, thường nảy sinh các vấn đề. Bà đề cập đến máy bay chiến đấu Typhoon của châu Âu do Đức, Anh, Italy và Tây Ban Nha cùng phát triển. Bà chỉ ra rằng máy bay cũng được cung cấp cho các quốc gia thứ ba có vấn đề nghiêm trọng, chẳng hạn như Ả Rập Xê-út, quốc gia phát động cuộc chiến ở Yemen. Bà nhấn mạnh rằng trong trường hợp đồng sản xuất, các quy định về xuất khẩu của từng quốc gia cụ thể thường vô tác dụng. Tuy nhiên, châu Âu dường như còn một chặng đường dài trước khi đạt được các biện pháp kiểm soát xuất khẩu vũ khí chung có hiệu quả.