Kinh tế Hàn Quốc đang ở giữa hai gọng kềm?

Dù Nhật bị suy thoái nhưng Hàn Quốc vẫn đang dè chừng đối thủ xuất khẩu của mình vì đồng yen Nhật cũng đang mất giá, tạo lợi thế cạnh tranh đáng gờm với các sản phẩm Hàn Quốc ở một số thị trường chủ chốt.
Kinh tế Hàn Quốc đang ở giữa hai gọng kềm?

Trong hai năm qua, do chính sách kích thích kinh tế "Abenomics", đồng yen đã rớt xuống mức thấp kỉ lục trong nhiều năm, mất giá khoảng 33% so với đồng USD Mỹ, và 35% so với đồng won Hàn Quốc, làm dấy lên những quan ngại từ các nhà công nghiệp, chính trị và hoạch định chính sách tiền tệ ở Seoul.

Đồng yen yếu đi làm cho hàng xuất khẩu Nhật rẻ hơn, gây ảnh hưởng đến các quốc gia như Hàn Quốc, cũng là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Nhật trong một số lĩnh vực chủ chốt.

Thống đốc ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK), Lee Ju-Yeol, đã từng cam kết rằng họ sẽ không “ngồi yên” và sẽ có những biện pháp ngăn chặn những ảnh hưởng do đồng yen rớt giá. Trong cuộc họp thường kì cuối tháng 11 năm ngoái, BOK đã giữ nguyên mức lãi suất 2% nhưng thống đốc Lee cũng nhấn mạnh “tình hình đáng lo ngại” liên quan đến đồng yen Nhật. Ông nói: “Nếu giá xuất khẩu của các công ty Nhật tiếp tục giảm thì các công ty trong lĩnh vực ô tô, thép, máy móc và đóng tàu của Hàn Quốc sẽ gánh chịu hậu quả.”

Dù nguồn dự trữ USD dồi dào của Hàn Quốc cho phép ngân hàng trung ương nước này can thiệp vào thị trường tiền tệ để ngăn chặn những thay đổi liên tục trong tỉ giá won và USD, nhưng tỉ giá này lại được tính toán không phải bằng thương mại trực tiếp mà là bằng giá trị tương đối của họ so với đồng USD, khiến cho ngân hàng trung ương Hàn Quốc gặp khó khăn trong việc điều hành.

Về lý thuyết thì ngân hàng trung ương Hàn Quốc có thể làm cho đồng won yếu đi so với USD, và cuối cùng là đồng yen, nhưng điều đó có thể gây ra một số vấn đề cho những doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu.

“Và khi đồng won yếu đi, nó sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài rút tiền ra khỏi thị trường chứng khoán và trái phiếu, khiến cho các thị trường này bất ổn hơn,” như lời giáo sư kinh tế Shin Se-Don của đại học Sookmyung.

Các đối thủ ngành ô tô

Lợi thế xuất khẩu của Nhật do đồng yen mất giá đang khiến các công ty ô tô Hàn Quốc như Hyundai đang cực kì khó khăn.

Chính giám đốc tài chính của Hyundai, Lee Won-Hee, cũng phải thừa nhận sau khi công ty này công bố giảm 30% lợi nhuận trong quý 3 năm ngoái: “Nguy cơ lớn nhất đối với chúng ta hiện nay là sức cạnh tranh về giá đang bị yếu đi do đồng yen ngày càng mất giá.”

Suốt nhiều năm qua, Hyundai Motor và Kia đã đang chiếm bớt thị phần nước ngoài của các gã khổng lồ ngành ô tô Nhật như Honda và Toyota. Trong khoảng thời 2005 và 2012, họ đã tăng gần gấp đôi thị phần ở Mỹ lên 8,7%, nhưng năm 2013 chỉ còn 8,1%, và vào tháng 10 năm 2014 đã giảm xuống 7,4%, mức thấp nhất từ trước đến nay.

Trong khi đó, các nhà sản xuất ô tô Nhật  đã tận dụng lợi thế đồng yen yếu đi bằng cách tăng doanh số từ những khách hàng mới trên đất Mỹ.

Lee Keun-Tae, nhà kinh tế tại viện nghiên cứu LG, nói rằng nhiều công ty Nhật - do không cảm thấy thuyết phục bởi chiến dịch kích thích kinh tế của Tokyo - vẫn đang chưa cắt giảm mạnh giá xuất khẩu. Nhưng ông cho rằng thông báo đáng ngạc nhiên của ngân hàng trung ương Nhật hồi năm trước nhằm tăng khối lượng gói nới lỏng tiền tệ có thể làm thay đổi suy nghĩ của những người vẫn đang hồ nghi. Ông nói: “Nếu các công ty này bắt đầu giảm giá mạnh hơn thì đó sẽ là ác mộng cho nhiều nhà sản xuất Hàn Quốc.”

Đối với các công ty Hàn Quốc thì đây quả là “cú đấm kép” vào thời điểm mà họ đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng nhiều từ Trung Quốc. Theo giáo sư Lee thì: “Các nhà sản xuất Hàn Quốc không phải là đối thủ của các công ty Trung Quốc về chuyện cạnh tranh giá cả, và giờ đây lại bị Nhật Bản dồn vào chân tường. Chúng ta đang bị kẹp chặt hơn bao giờ hết.”

Các công ty đóng tàu đang cảm nhận sức nóng

Các công ty đóng tàu Hàn Quốc, nhiều năm qua vẫn đang cạnh tranh sát sao với Trung Quốc cho vị trí dẫn đầu đơn đặt hàng toàn cầu, cũng đang cảm nhận được sức nóng.

Hồi tháng 4 năm ngoái, họ bị đẩy tụt xuống vị trí thứ 3 bởi những công ty cạnh tranh đến từ Nhật Bản, lần đầu tiên trong vòng 15 tháng, theo dữ liệu của Clarkson. Vào tháng 6 và tháng 9 Nhật cũng xếp trên họ.

Theo hiệp hội nghề quốc tế của Hàn Quốc, hơn phân nửa hàng xuất khẩu của Hàn Quốc là cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa được làm ở Nhật.

Những quan ngại về đồng yen cũng không được mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước giúp ích gì vì hiện tại mối quan hệ này đang ở mức thấp nhất do những tranh chấp mang tính lịch sử vẫn chưa có dấu hiệu tốt hơn.

Trong hội nghị thượng đỉnh G20 vừa qua, tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye có ngụ ý chỉ trích những nỗ lực của thủ tướng Nhật Shinzo Abe nhằm mang lại sinh khí mới cho nền kinh tế đang suy yếu của quốc gia mình.

Tổng thống Park phát biểu rằng những chính sách tiền tệ của các quốc gia phát triển chỉ xem xét đến tình trạng của nước mình mà không thèm đoái hoài đến tình hình khu vực hay toàn cầu, và điều đó có thể gây ra những tác động tiêu cực đến những quốc gia khác. “Tôi có thể không còn thấy tình hình diễn ra như thế này nữa vì thế tôi quyết định nói ra,” bà nói với các phóng viên sau đó.

                                                                      Theo InfoNet