Kinh hoàng số tiền bị thu giữ trong vụ án cháu rể ông Đặng Tiểu Bình

VietTimes -- Ông Ngô Tiểu Huy (Wu Xiaohui) là nhân vật nổi tiếng ở Trung Quốc không chỉ vì giữ các chức Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Tập đoàn Bảo hiểm An Bang, Chủ tịch Tập đoàn đầu tư Cao Thịnh Quốc Thông, Bắc Kinh mà còn bởi là cháu rể của nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình, với các mối quan hệ phức tạp. Việc Ngô Tiểu Huy bị bắt, truy tố, đưa ra xét xử rồi bị kết án đã trở thành một sự kiện lớn được dư luận trong, ngoài Trung Quốc quan tâm.
Tin Tòa án Thượng Hải phán quyết buộc Ngô Tiểu Huy phải giao nộp hơn 75,2 tỷ NDT ngoài 10,5 tỷ NDT tài sản bị tịch thu gây rúng động dư luận.Ảnh: Đa Chiều
Tin Tòa án Thượng Hải phán quyết buộc Ngô Tiểu Huy phải giao nộp hơn 75,2 tỷ NDT ngoài 10,5 tỷ NDT tài sản bị tịch thu gây rúng động dư luận.Ảnh: Đa Chiều

Vụ án Ngô Tiểu Huy bất ngờ được xới lại

Ngày 28 tháng 3 năm 2018, Tòa án Nhân dân Trung cấp số 1 Thượng Hải đã công khai xét xử Ngô Tiểu Huy phạm tội lừa đảo huy động vốn và lợi dụng chức vụ để tham ô, Huy bị tuyên phạt 18 năm tù giam và tịch thu 10,5 tỷ Nhân dân tệ tài sản.

Kể từ sau đó, dư luận về vụ án Ngô Tiểu Huy dần lắng xuống, tuy nhiên theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 20/9, mấy ngày nay một bản phán quyết công khai của Tòa án Trung cấp số 1 Thượng Hải đã được đưa lên mạng, cho thấy Ngô Tiểu Huy ngoài việc bị tịch thu tài sản 10.5 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 1,5 tỷ USD) còn phải giao nộp khoản thu nhập bất hợp pháp 75 tỷ 248 triệu 510 ngàn Nhân dân tệ (10,75 tỷ USD).

Phán quyết của Tòa án về việc thi hành thu hồi khoản thu nhập bất hợp pháp 75 tỷ 245 triệu 510 ngàn NDT của ông Ngô Tiểu Huy
Phán quyết của Tòa án về việc thi hành thu hồi khoản thu nhập bất hợp pháp 75 tỷ 245 triệu 510 ngàn NDT của ông Ngô Tiểu Huy

Ông Tào Sơn Thạch (Caoshan Shi), một bloger nổi tiếng trên mạng xã hội Trung Quốc hôm 18 tháng 9 đã công bố một bức ảnh trên mạng xã hội Twitter cho thấy, Tòa án Trung cấp số 1 Thượng Hải ngày 29 tháng 7 năm 2019 đã đưa ra phán quyết về việc thi hành vụ án Ngô Tiểu Huy. Ngoài việc ghi đầy đủ các nội dung trên đây, phán quyết còn cho thấy cảnh sát Thượng Hải đã thu giữ, niêm phong nhiều bất động sản của cá nhân Ngô Tiểu Huy và công ty của ông ta ở Thượng Hải, Bắc Kinh, Hàng Châu và những nơi khác.

Do Ngô Tiểu Huy không chấp hành nghĩa vụ của mình theo các văn bản pháp lý có hiệu lực, nên Tòa hình sự của Tòa án Trung cấp số 1 Thượng Hải đã được chuyển giao hồ sơ thi hành án ngày 20 tháng 8 năm 2018. Căn cứ theo quy định pháp luật, tòa án đã thực hiện việc bán đấu giá và bán toàn bộ bất động sản được đăng ký sở hữu dưới tên Ngô Tiểu Huy và đăng ký dưới danh nghĩa các đơn vị và cá nhân khác.

Số tài sản của Ngô Tiểu Huy đã bị tịch thu và thu được qua phát mại tổng cộng lên tới hơn 85 tỷ NDT  (12,15 tỷ USD) khiến người ta kinh hoàng. Chả trách Tào Sơn Thạch đưa ra lời cảm thán “đây là bản phán quyết của tòa án có số tiền kỷ lục trong lịch sử”.

Ông Ngô Tiểu Huy là người đứng đầu Tập đoàn Bảo hiểm hàng đầu Trung Quốc An Bang
Ông Ngô Tiểu Huy là người đứng đầu Tập đoàn Bảo hiểm hàng đầu Trung Quốc An Bang

Như đã nói ở trên, ngày 28 tháng 3 năm 2018, Tòa án Nhân dân Trung cấp số 1 Thượng Hải đã công khai xét xử Ngô Tiểu Huy phạm tội lừa đảo huy động vốn và lợi dụng chức vụ để tham ô, và bị tuyên phạt ông ta 18 năm tù giam và tịch thu 10,5 tỷ Nhân dân tệ tài sản. Ngoài con số 10,5 tỷ NDT đó, con số 75.248.510.000 tệ tuy ít được nói đến, nhưng cũng không phải được biết đến lần đầu tiên. Vào cuối tháng 6 năm 2019, bà Lâm Hương Mỹ ( Lin Xiangmei), người tự xưng là mẹ của Ngô Tiểu Huy, đã công bố một bức thư ngỏ trên mạng Internet, trong đó có đề cập đến việc tòa án đã thu hồi tài sản 75 tỷ 245 triệu 510 ngàn NDT của con trai.

Trong thư ngỏ, bà Lâm Hương Mỹ bày tỏ kiên quyết không chấp nhận phán quyết của Tòa án Trung cấp số 1 Thượng Hải và nhấn mạnh bà nhiều lần muốn gặp Ngô Tiểu Huy đang thụ án tại Nhà tù Bảo Sơn Thượng Hải, nhưng đều bị từ chối.

 Sau khi Ngô Tiểu Huy ngã ngựa, Tập đoàn An Bang đã được Ủy ban Giám sát tài chính Trung Quốc tiếp quản vào tháng 2 năm 2018 trong khoảng thời gian một năm. Đến tháng 7 năm 2019, Bảo hiểm An Bang đã được đổi tên thành Bảo hiểm Đại Gia.

Ngô Tiểu Huy bị đưa ra xét xử tại Tòa án trung cấp Thượng Hải
Ngô Tiểu Huy bị đưa ra xét xử tại Tòa án trung cấp Thượng Hải

Thảo dân lọt “gia tộc đỏ”

Ngô Tiểu Huy sinh năm 1966, quê ở huyện ngoại ô Bình Dương thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang. Sinh ra trong một làng quê, lúc đầu Huy công tác ở Cục Công thương huyện Bình Dương, rồi theo phụng sự ông Lưu Tích Vinh, thị trưởng Ôn Châu – người sau này là Phó Bí thư tỉnh ủy Chiết Giang. Được ông Lưu Tích Vinh quan tâm, Huy rời bỏ chính trường quay sang kinh doanh, buôn bán xe hơi ở Chiết Giang, trở thành đại lý lớn nhất của Tập đoàn xe hơi Thượng Hải, nhờ đó thân quen với Hồ Mậu Nguyên, Chủ tịch tập đoàn rồi kết giao với Trần Tiểu Lỗ, con trai cố Nguyên soái Trần Nghị. Nhờ Trần Tiểu Lỗ, Ngô Tiểu Huy làm quen, yêu rồi bỏ vợ để kết hôn với Đặng Trác Nhuế, cháu gái ông Đặng Tiểu Bình. Từ mối quan hệ thân thiết Lỗ - Huy, họ đã kéo thêm được Chu Vân Lai (con trai Thủ tướng Chu Dung Cơ) và Long Vĩnh Đồ (nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại thương, Tổng thư ký Diễn đàn Bác Ngao) tham gia hội đồng quản trị để năm 2004 Huy thành lập và làm Chủ tịch, Tổng giám đốc của Công ty bảo hiểm An Bang.

Ngô Tiểu Huy và người vợ thứ ba Đặng Trác Nhuế, cháu gái ông Đặng Tiểu Bình
Ngô Tiểu Huy và người vợ thứ ba Đặng Trác Nhuế, cháu gái ông Đặng Tiểu Bình

Ngô Tiểu Huy rất ít tiếp xúc với giới truyền thông. Báo chí Trung Quốc cho biết: xuất thân từ giai tầng “thảo dân”, Huy đã “phất lên nhanh như tên lửa” trong giới thương gia là nhờ vào các cuộc hôn nhân đầy thực dụng. Khi là quan chức ở Cục Công thương Bình Dương, Huy cưới con gái một quan chức lãnh đạo huyện; sau khi “bỏ chính tòng thương”, kinh doanh buôn bán xe hơi, trở thành đại lý tiêu thụ có cổ phần lớn nhất trong Tập đoàn xe hơi Thượng Hải. Do quan hệ làm ăn, Huy kết giao với ông Lô Văn Kha, Thị trưởng Hàng Châu (sau lên làm Phó tỉnh trưởng Chiết Giang), Huy liền bỏ vợ rồi cưới con gái ông này. Đến khi tham gia công ty của Trần Tiểu Lỗ, con trai Trần Nghị với vai trò phụ trách một công ty internet trực thuộc công ty của Trần Tiểu Lỗ tại Bắc Kinh, Huy lại có quan hệ với Đặng Trác Nhuế, người kém Huy 6 tuổi, cháu ngoại ông Đặng Tiểu Bình (con bà Đặng Nam, Thứ trưởng Bộ Khoa học kỹ thuật - trưởng nữ nhà họ Đặng) rồi ly dị người vợ thứ hai, kết hôn lần thứ 3 vào năm 2004 và trở thành “phò mã” gia tộc Đặng Tiểu Bình, để rồi sau đó bằng các mối quan hệ đã thành lập và làm Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn bảo hiểm An Bang. Trần Bình, người bạn thân của Trần Tiểu Lỗ có lần nói với các nhà báo: “Nếu không có Trần Tiểu Lỗ thì Ngô Tiểu Huy không bao giờ quen và lấy được Đặng Trác Nhuế”.

Đặng Trác Nhuế bên ông ngoại Đặng Tiểu Bình và chồng Ngô Tiểu Huy (trái)
Đặng Trác Nhuế bên ông ngoại Đặng Tiểu Bình và chồng Ngô Tiểu Huy (trái)

Đặng Trác Nhuế đã sinh một con trai với Ngô Tiểu Huy. Theo báo chí, lúc đầu gia đình ông Đặng Tiểu Bình kịch liệt phản đối việc gả cháu gái cho Huy, vì họ biết rõ Huy “có động cơ không trong sáng” trong cuộc hôn nhân này, cũng chính vì thế Đặng gia không tham gia vào bất cứ hoạt động kinh doanh nào của Huy. Theo mạng Tài Tân, quan hệ vợ chồng giữa Ngô Tiểu Huy và Đặng Trác Nhuế đã chấm dứt ngay sau khi Huy bị bắt, nhưng báo này không viết là họ đã ly hôn bởi hai người vẫn chưa làm thủ tục ly dị về mặt pháp luật.  

Ngày 26/4/2017 xuất hiện thông tin lan truyền Ngô Tiểu Huy bị điều tra do liên quan đến khoản tiền vay hàng trăm tỷ tệ của Ngân hàng Dân Sinh, gây xôn xao dư luận; tập đoàn An Bang một mặt ra tuyên bố bác bỏ tin đồn, mặt khác cho Huy xuất hiện trong một cuộc họp báo tuyên bố về chiến lược 2.0 của An Bang, trực tiếp bác bỏ tin bị điều tra. Ngày 9/6/2017, Ngô Tiểu Huy bị bắt để điều tra, Ủy ban Giám sát bảo hiểm quốc gia (CIRC) cử người về An Bang thông báo trong phạm vi hẹp tin Huy đã bị bắt, nhưng không nói nguyên nhân cụ thể và cũng không giải thích thêm điều gì; 5 ngày sau (14/6/2017), trang web của Tập đoàn An Bang đột nhiên đăng thông báo: “Do nguyên nhân cá nhân, Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn bảo hiểm An Bang không thể đảm đương chức vụ”, nhiều quan chức quản lý cấp cao của An Bang sau đó cũng bị tạm giữ. Tháng 9/2017, sau khi Chủ tịch CIRC Hạng Tuấn Ba bị khai trừ đảng và chức vụ, mạng Tài Tân đã đăng bài vạch rõ: trong thời gian giữ chức, Hạng Tuấn Ba đã lạm dụng quyền phê duyệt và giám sát quản lý để buộc các xí nghiệp dân doanh đổ vốn vào ngành bảo hiểm, các “cá sấu tài chính” như Tiêu Kiến Hoa, Ngô Tiểu Huy đều đổ xô vào ngành này, hô phong hoán vũ, làm loạn thị trường tiền vốn.

Ngô Tiểu Huy và Trần Tiểu Lỗ (phải), con trai cố nguyên soái Trần Nghị cùng nhau lập ra Tập đoàn An Bang
Ngô Tiểu Huy và Trần Tiểu Lỗ (phải), con trai cố nguyên soái Trần Nghị cùng nhau lập ra Tập đoàn An Bang

 An Bang – từ công ty bảo hiểm trở thành “Cá mập tài chính”

Giới quan sát thời sự Trung Quốc cho rằng: trong mấy năm gần đây, một số tổ chức quỹ tư nhân, tiêu biểu là An Bang chỉ trong thời gian rất ngắn đã nhanh chóng trở thành các “Cá mập tài chính”. Quá trình phất lên của họ rất bí hiểm, người ngoài không thể biết, nhưng luôn “ẩn hiện” bóng dáng của những nhóm lợi ích mà truyền thông Trung Quốc gọi là “bối cảnh gia tộc đỏ”. An Bang có một tốc độ phát triển đáng nể: ngày 13/9/2014, 7 cổ đông trong đó cốt cán là Công ty TNHH Tập đoàn xe hơi Thượng Hải cùng nhau thành lập Công ty bảo hiểm tài sản An Bang, vốn đăng ký 500 triệu NDT, trong số các cổ đông còn lại thì Trần Tiểu Lỗ (con cố nguyên soái Trần Nghị, Thị trưởng Thượng Hải) kiểm soát thực tế 2, Ngô Tiểu Huy kiểm soát 3. Đến năm 2005, thu nhập bảo hiểm đột phá mức 1 tỷ NDT; năm 2007 lũy kế phí bảo hiểm đột phá 10 tỷ NDT; 2009, lũy kế phí bảo hiểm vượt 20 tỷ NDT; năm 2011 An Bang nâng mức vốn điều lệ lên thành 12 tỷ NDT, nhảy vọt lên vị trí thứ 2 trong hệ thống các công ty bảo hiểm toàn quốc; năm 2012, Công ty TNHH Tập đoàn bảo hiểm An Bang thành lập; năm 2014, An Bang tuyên bố thu mua trên toàn cầu Công ty bảo hiểm FIDEA của Hà Lan (đây là lần đầu tiên một hãng bảo hiểm Trung Quốc thu mua 100% cổ phần của một công ty bảo hiểm châu Âu) và khách sạn Waldorf Astoria New York của Mỹ; năm 2015 tổng tài sản của An Bang lên tới 1.900 tỷ NDT, bắt đầu thu mua hàng loạt công ty nước ngoài…khiến người ta sửng sốt.

Ngô Tiểu Huy và Tiêu Kiến Hoa - 2 "Cá Sấu tài chính" một thời ở Trung Quốc
Ngô Tiểu Huy và Tiêu Kiến Hoa - 2 "Cá Sấu tài chính" một thời ở Trung Quốc

Quá trình tăng vốn, mở rộng quy mô của An Bang khiến người ta đi từ ngạc nhiên tới kinh hãi: từ số vốn 500 triệu tệ (NDT) ban đầu khi thành lập năm 2004, An Bang tăng vốn lần 1 ngày 18/6/2005 lên 1,69 tỷ tệ; tăng vốn lần 2 ngày 15/5/2006 lên 3,79 tỷ; ngày 25/5/2007 tăng vốn lần 3 lên 4,6 tỷ; ngày 5/6/2007 tăng vốn lần 4 lên 5,1 tỷ; ngày 30/11/2006 tăng vốn lần 5 lên 12 tỷ tệ rồi cải tổ thành tập đoàn; năm 2014, Tập đoàn An Bang hai lần tăng vốn vào tháng 4 và tháng 12, lần lượt thành 30 tỷ và 61,9 tỷ tệ. Sau 7 lần tăng vốn, Tập đoàn An Bang đã nhanh chóng vươn lên trở thành công ty bảo hiểm có số vốn lớn nhất Trung Quốc. Nhưng đó chưa phải là vấn đề quan trọng nhất. Đối với một công ty, điều quan trọng hơn cả vốn là giấy phép kinh doanh, được gọi là “Kim bài chiếu”; ai có được trong tay 7 loại giấy phép kinh doanh ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, quỹ, cho thuê, tín thác và hợp đồng tương lai (futures) là có bảo bối trong tay. Ở Trung Quốc, giấy phép kinh doanh tài chính tiền tệ bị quản chế rất chặt, người trong giới lan truyền câu “ngàn vàng dễ có, giấy phép khó tìm”, thế nhưng An Bang chỉ mới thành lập mấy năm đã có trong tay mọi loại giấy phép, trở thành một người khổng lồ sánh ngang với các đại gia như Tập đoàn Trung Tín, Ngân hàng Giao thông, Tập đoàn công nghiệp Hàng không (AVIC), Petro China, Tập đoàn Điện lực Trung Quốc…

Trước khi Ngô Tiểu Huy bị bắt, một trong những vấn đề lớn nhất của An Bang là chuyển tiền ồ ạt ra nước ngoài để thực hiện liên tiếp các vụ mua lại với giá đắt cổ phần của 7 công ty nước ngoài, trong đó có 4 công ty bảo hiểm bao gồm FIDEA của Bỉ, VIVAT và Delta Lloyd của Hà Lan, Tung Yang của Hàn Quốc với quy mô vượt quá tài sản trong nước, bất chấp những cảnh báo về giới hạn 15% của CIRC; Ngô Tiểu Huy thậm chí còn ngạo mạn rêu rao: “Ngán gì CIRC, từ chủ tịch đến người gác cổng ủy ban này, ai tôi chả quen”.

Hạng Tuấn Ba, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Bảo hiểm Trung Quốc (CIRC) khi bị bắt đã khai ra Ngô Tiểu Huy
Hạng Tuấn Ba, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Bảo hiểm Trung Quốc (CIRC) khi bị bắt đã khai ra Ngô Tiểu Huy

An Bang là một tập đoàn công ty bảo hiểm lớn thành lập năm 2004 với nhiều công ty con (6 công ty nắm toàn bộ cổ phần và 8 công ty tham gia cổ phần) kinh doanh các nghiệp vụ bảo hiểm tài sản, nhân thọ, y tế, quản lý tài sản, bảo hiểm đại lý kinh doanh…có hơn 3 ngàn chi nhánh ở khắp 31 tỉnh, thành, khu tự trị với hơn 35 triệu khách hàng và các công ty quản lý tài sản ở nước ngoài. Từ trước đến nay An Bang được coi là một trong số các công ty bảo hiểm có doanh thu lớn nhất Trung Quốc. Theo trang web An Bang thì tổng số tài sản của tập đoàn có tới trên 310 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số các công ty bảo hiểm lớn nhất Trung Quốc. Một số thông tin cho biết An Bang đã nắm giữ 91,96% cổ phần của Công ty chứng khoán Thế Kỷ, 57,5% Bảo hiểm nhân thọ TongYang (Hàn Quốc), 7,01% Tập đoàn Vạn Khoa, 22,51% Ngân hàng Dân Sinh Trung Quốc, 10% Tập đoàn Đại Thương, 20,49% Tập đoàn Kim Địa, 25% Công ty Kim Xúc Nhai, 10,72% Ngân hàng Chiêu Thương, 15,73% Công ty KHKT Kim Phụng…Sự phát triển bất thường của An Bang từng gây xôn xao giới kinh doanh và dư luận. Tờ “Nam Phương cuối tuần” hồi tháng 1/2015 đã đăng bài “Chân tướng An Bang” nêu rõ: chỉ trong vòng hơn 10 năm, An Bang đã “mượn” được nguồn vốn khổng lồ từ giới chính trị và kinh doanh, từ một công ty bảo hiểm đơn thuần trở thành một “Cá Sấu tài chính” có quy mô hàng ngàn tỷ Nhân dân tệ, là “được sinh ra với cái muôi Vàng”.

Ngô Tiểu Huy có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều chính khách nước ngoài. Trong ảnh ông chụp cùng với Phó Thủ tướng Bỉ tại một cuộc hội thảo
Ngô Tiểu Huy có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều chính khách nước ngoài. Trong ảnh ông chụp cùng với Phó Thủ tướng Bỉ tại một cuộc hội thảo

Thái tử Đỏ “chết” do đâu?

Dư luận cho rằng việc Ngô Tiểu Huy bị đưa ra xét xử ngoài lý do phạm tội kinh tế, còn mang sắc thái chính trị, dằn mặt những thế lực “không giữ nhất trí” với trung ương kiểu như Tập đoàn Tomorrow của Tiêu Kiến Hoa. Cụ thể, Huy đã phạm phải 4 sai lầm chết người:

Thứ nhất, bơi ngược dòng, điên cuồng bành trướng. Để “đả Hổ, chống tham nhũng”, có tin ông Tập Cận Bình đã yêu cầu người chị gái bán toàn bộ cổ phần nắm giữ trong tay, rút khỏi thương trường để làm gương cho các “gia tộc đỏ” noi theo. Một số người đã hưởng ứng, nhưng nhóm Ngô Tiểu Huy khống chế An Bang lại “bơi ngược dòng”, tranh thủ thời cơ bành trướng, huy động số vốn lớn rồi thông qua việc thu mua các công ty ở nước ngoài để chuyển tài sản ra khỏi Trung Quốc.

Thứ hai, gây ra khủng hoảng chứng khoán, “đảo chính tiền tệ”. Đầu năm 2017, sau khi bị bắt, Chủ tịch Ủy ban giám sát chứng khoán Hạng Tuấn Ba đã khai Chu Tiểu Huy cùng ông ta và Tiêu Kiến Hoa đều tham gia việc gây ra cuộc khủng hoảng chứng khoán năm 2015, được coi là “cuộc đảo chính tiền tệ” chống lại ông Tập Cận Bình.

Thứ ba, rửa tiền ở nước ngoài, tích lũy nguy cơ khủng hoảng tiền tệ. Thời kỳ trước khi Huy bị bắt, Trung Quốc thắt chặt việc các công ty thu mua cổ phần và công ty nước ngoài. Việc huy động vốn, vay ngân hàng để thu mua tài sản ở nước ngoài là hành vi đẩy nợ cho các ngân hàng, đem lại nguy cơ rất cao về tài chính, tiền tệ. Hành vi của An Bang đã đi ngược lại chủ trương của chính phủ. Sau khi Huy bị bắt, Bắc Kinh đã bán tháo các tài sản của An Bang ở nước ngoài để thu hồi vốn.

Ngô Tiểu Huy và Jared Kushner, con rể ông Donald Trump có mối quan hệ thân mật
Ngô Tiểu Huy và Jared Kushner, con rể ông Donald Trump có mối quan hệ thân mật

Thứ tư, định thu mua tài sản của gia đình Donald Trump, phạm phải “cấm địa chính trị”. Tháng 11/2016, một tuần sau khi Donald Trump trúng cử Tổng thống Mỹ, Ngô Tiểu Huy đã mở tiệc mời Jared Kushner, con rể Donald Trump tới khách sạn Waldorf Astoria New York và đề xuất đầu tư mua một phần quyền sở hữu tòa nhà văn phòng của gia tộc Donald Trump ở số 666 Đại lộ số 5 Manhattan, nhưng vụ giao dịch này không thành sau khi bị báo chí tiết lộ. Tháng 1/2017, tại bữa tiệc tất niên của Hội Công thương người Hoa ở Mỹ, Huy lại lớn tiếng tuyên bố: “An Bang tạo ra 10 ngàn việc làm cho nước Mỹ”, vi phạm “lằn ranh đỏ” trong lĩnh vực ngoại giao.

Việc Ngô Tiểu Huy bị đưa ra xét xử vào dịp diễn ra hai kỳ họp Quốc hội và Chính Hiệp Trung Quốc năm 2018, cộng thêm bối cảnh “phò mã đỏ” của Huy khiến người ta cho rằng: đây chính là đòn của ông Tập Cận Bình nhằm vào thế lực “các gia tộc đỏ”. Hơn nữa, việc chọn Thượng Hải làm nơi xét xử cũng khiến người ta liên tưởng đến một vấn đề khác còn lớn hơn…

(Theo Đa Chiều, Tài Tân)