Kiều hối về nước giảm mạnh, vì đâu?

VietTimes – Năm 2020, lượng kiều hối chảy về Việt nam sẽ sụt giảm 18,1% so với kịch bản thông thường khi không có đại dịch Covid-19.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Theo báo cáo của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) về ảnh hưởng của Covid-19 tới di cư quốc tế, kiều hối và hộ gia đình nhận kiều hối tại khu vực châu Á đang phát triển, Việt Nam được dự báo là một trong ba quốc gia Đông Nam Á có dòng kiều hối sụt giảm mạnh nhất trong năm 2020, cùng với Indonesia và Philippines.

Cụ thể, theo tính toán của ADB, trong kịch bản xấu nhất (với giả sử các nền kinh tế mất khoảng một năm để kiểm soát dịch bệnh nội địa và đưa hoạt động kinh tế quay trở lại), lượng kiều hồi chảy về Việt Nam sẽ sụt giảm 18,1% so với kịch bản thông thường khi không có đại dịch.

Như vậy, năm 2020 sẽ là năm thứ hai trong vòng hai thập kỷ qua Việt Nam ghi nhận mức kiều hối sụt giảm dưới tác động của đại dịch Covid-19. Trước đó, mức sụt giảm được ghi nhận trong năm 2009 do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Những thị trường có lượng kiều hối sụt giảm nhiều nhất năm 2020
Indonesia, Philippines và Việt Nam là 3 quốc gia tại Đông Nam Á có dòng kiều hối sụt giảm mạnh nhất trong năm 2020 (Nguồn: ADB)

Theo ADB, suy thoái kinh tế từ đại dịch Covid-19 sẽ đe dọa an ninh và phúc lợi nghề nghiệp của hơn 91 triệu người di cư quốc tế từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nhiều hộ gia đình phụ thuộc vào kiều hối quốc tế, việc dừng chuyển tiền đột ngột đến các khu vực này có thể đẩy người dân vào tình trạng nghèo đói.

ADB dự báo, năm 2020, lượng kiều hối chảy về châu Á sẽ giảm từ 31,4 - 54,3 tỷ USD, tương ứng với mức giảm từ 11,5% - 19,8% so với lượng kiều hối cơ bản khi không có đại dịch

Trước đó, vào cuối năm 2019, Ngân hàng Thế giới (World Bank) công bố dữ liệu cho thấy, nguồn kiều hối chảy về Việt Nam ước đạt 16,68 tỷ USD, chiếm khoảng 6,4% GDP. Việt Nam cũng là thị trường nhận kiều hối lớn thứ 6 của khu vực châu Á đang phát triển./.