Kiểm soát vệ sinh thực phẩm: Bỉ chỉ có 1 cơ quan, Việt Nam cần ít nhất 5 Bộ!

Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), Giám đốc Dự án EU- MUTRAP cho biết, để kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, Bỉ chỉ cần một cơ quan phụ trách, Việt Nam cần tới ít nhất 5 Bộ lớn, đó là chưa kể tới số Cục, Vụ thì rất nhiều.
Kiểm soát vệ sinh thực phẩm: Bỉ chỉ có 1 cơ quan, Việt Nam cần ít nhất 5 Bộ!

Chồng chéo, rắc rối khi nhiều cơ quan cùng tham gia kiểm soát vệ sinh thực phẩm

Tại tọa đàm “Kinh nghiệm tổ chức quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm Vương Quốc Bỉ” diễn ra sáng 13/5, nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đã được đề cập. Theo ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), Giám đốc Dự án EU- MUTRAP, ở Việt Nam hiện đang có quá nhiều cơ quan cùng tham gia vào hoạt động kiểm soát vệ sinh thực phẩm, phần nào gây ra chồng chéo, rắc rối.

Ông Sơn thống kê, Bộ Y tế có Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Cục Thú y, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Khoa học công nghệ có Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, rồi Bộ Công thương có Cục Quản lý thị trường, Cục Xuất nhập khẩu, Vụ thị trường trong nước. Cuối cùng là Bộ Công an.

“Như vậy ở Việt Nam có 5 Bộ lớn trong Chính phủ phụ trách vấn đề này, chưa kể đến số Cục, Vụ thì rất nhiều. Trong khi đó, ở Bỉ chỉ xây dựng một cơ quan tập trung nhưng vẫn đảm bảo mọi hoạt động thông suốt”, ông Sơn cho biết.

Ông Sơn cũng nhận định, hiện nay, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đang trở nên rất cấp bách và nóng bỏng, gắn với mọi đối tượng xã hội. Nó không chỉ gắn với sự phát triển của thị trường trong nước mà còn quyết định sự phát triển công nghiệp thực phẩm Việt Nam. Chính vì vậy, mô hình của Bỉ dù còn nhiều khác biệt so với Việt Nam nhưng cũng cần xem xét và học tập.

Bài học từ nước Bỉ

Chia sẻ kinh nghiệm của Bỉ về mô hình tổ chức và hoạt động điều phối của Cơ quan an toàn thực phẩm Bỉ, ông Leslie Lambregts, Trưởng ban Hợp tác Quốc tế, Cơ quan Liên bang Bỉ về an toàn thực phẩm (FASFC) cho biết, trước khi thành lập Cơ quan quản lý an toàn thực phẩm, Bỉ từng gánh chịu khủng hoảng chất độc dioxin năm 1999.

Khủng hoảng này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế nước Bỉ cũng như hình ảnh của sản phẩm quốc gia này. Theo đó, hàng trăm nông trại bị ảnh hưởng, tiêu hủy các sản phẩm sơ cấp với giá trị khoảng 250 triệu euro, tiêu hủy hàng nghìn tấn thịt, thiệt hại tài chính khoảng 437,5 triệu euro, Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp đã phải từ chức.

Tọa đàm “Kinh nghiệm tổ chức quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm Vương Quốc Bỉ” diễn ra sáng 13/5. Ảnh: T.Nhung.

Ông Leslie Lambregts cũng cho hay, sau sự kiện này, Bỉ bắt đầu xem xét lại hoạt động về vệ sinh thực phẩm và tiến tới các hành động quyết liệt nhằm cải thiện vấn đề. Thay vì có 2 Bộ và 6 Cục khác nhau chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm, Chính phủ nước này đã tiến hành sáp nhập lại thành 1 cơ quan để dễ dàng kiểm soát chuỗi an toàn thực phẩm, gọi là Cơ quan an toàn thực phẩm Bỉ.

Cơ quan này được thành lập tập trung xây dựng các tiêu chuẩn, mức độ kiểm soát, chính sách, đánh giá khoa học sản phẩm. Để xây dựng thực phẩm an toàn theo chuỗi khép kín, cơ quan này lấy người tiêu dùng làm trung tâm. Ngoài ra, các tiêu chuẩn sản phẩm tới con người, thực vật, động vật đều được quan tâm.

Đặc biệt, những doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm phải là đơn vị thực hiện tốt các quy định chung, chịu sự thanh kiểm tra hàng năm. Các cơ sở kinh doanh phải đảm bảo an toàn thực phẩm ra thị trường, sản phẩm không đạt sẽ bị thu hồi. Về mặt tài chính, khoảng 60% hoạt động của cơ quan này đến từ ngân sách quốc gia, tiếp đó là do cơ sở kinh doanh đóng góp, ông Leslie Lambregts nói.

Lắng nghe những ý kiến từ phía mô hình an toàn vệ sinh thực phẩm của Bỉ, ông Trần Việt Cường, Phó Giám đốc văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhìn nhận, Việt Nam may mắn chưa gặp phải khủng hoảng lớn về thực phẩm như Bỉ. Tuy nhiên, ông Cường cũng cho rằng vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay là tương đối bức thiết, và Việt Nam cũng đang nỗ lực chuyển biến trong vấn đề này.

“Trước năm 2010, Việt Nam kiểm soát thực phẩm theo từng chặng sản xuất, tiếp cận theo chiều ngang. Hiện nay, Việt Nam đã kiểm soát theo chiều dọc, các Bộ được kiểm soát theo chuỗi”, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.

Cũng theo ông Cường, trước vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang ngày càng nóng, một số cơ quan địa phương ở Việt Nam như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đang dự kiến nhập lại thành một cơ quan để dễ dàng kiểm soát tình hình thực phẩm.

Từ đây, ông Cường hy vọng sẽ học hỏi từ phía Bỉ nhiều kinh nghiệm để áp dụng hiệu quả ở Việt Nam trong vấn đề kiểm soát chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo nguồn thực phẩm sạch theo chuỗi giá trị bền vững.

Theo BizLIVE