Kiểm soát hạt nhân có thể trở thành “chiến trường mới” trong đối đầu Mỹ-Trung

VietTimes – Giải giáp hạt nhân có thể trở thành một mặt trận mới trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung trở nên căng thẳng, sau khi Bắc Kinh từ chối tham gia đàm phán mở rộng một hiệp ước quan trọng với Washington và Moscow.
Tên lửa hạt nhân liên lục địa chiến lược Dongfeng-41 của Trung Quốc trong cuộc diễu binh năm ngoài (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Tên lửa hạt nhân liên lục địa chiến lược Dongfeng-41 của Trung Quốc trong cuộc diễu binh năm ngoài (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Đặc phái viên về kiểm soát vũ trang của Mỹ, Marshall Billingslea, trong hôm 10/6 vừa qua đã hối thúc Bắc Kinh suy nghĩ lại về quyết định của mình, trước khi các vòng đàm phán bắt đầu được tổ chức vào cuối tháng này.

Ông Billingslea sẽ gặp gỡ Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ở Vienna (Áo) vào ngày 22/6 để thảo luận về việc gia hạn hiệp ước New START, một hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân từng được đàm phán và ký kết dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama và sẽ hết hiệu lực trong tháng 2/2021.

“Trung Quốc vừa nói rằng họ không có ý định tham gia các cuộc đàm phán ba bên. Họ nên cân nhắc lại điều này” – ông Billingslea viết trên Twitter.

“Muốn đạt được sức mạnh to lớn, thì cần phải hành động với trách nhiệm to lớn. Không còn bức tường bí mật về việc họ xây dựng hạt nhân. Tôi sẽ ngồi đợi Trung Quốc ở Vienna” – ông viết thêm, chỉ một ngày sau khi xác nhận rằng đã gửi lời mời Bắc Kinh tham gia đàm phán.

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh tăng đột biến, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hối thúc Trung Quốc tham gia vào một thỏa thuận tương lai nhằm thay thế hiệp ước New START ký năm 2010. Ông Trump cho rằng khả năng tên lửa và hạt nhân của Trung Quốc – đang được tăng cường và hiện đại hóa – gây ra mối đe dọa ngày càng tăng với Mỹ và các đồng minh. Hiệp nước New START đặt ra hạn chế là Nga và Mỹ mỗi bên chỉ được có 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược.

Tuy nhiên, Bắc Kinh thẳng thừng từ chối lời đề nghị. Một tuyên bố được đăng tải trên website chính thức của Bộ Ngoại giao nước này nói rằng Washington và Moscow, hai nước có kho dự trữ vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, có “trách nhiệm và ưu tiên đặc biệt về việc giải giáp hạt nhân”.

Tháng 12 năm ngoái, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng Mỹ đang cố gắng “đổ trách nhiệm cho người khác”.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Song Zhongping, một chuyên gia phân tích quân sự ở Hong Kong, nói rằng Trung Quốc đang cố bị lôi kéo vào các vòng đàm phán này là bởi kho vũ khí hạt nhân của họ nhỏ hơn nhiều so với Nga và Mỹ.

“Cho tới khi Mỹ và Nga cắt giảm kho vũ khí (hạt nhân) xuống mức tương đồng với Trung Quốc – hoặc Trung Quốc xây dựng khả năng hạt nhân tới mức tương đồng với Nga, Mỹ - thì Trung Quốc sẽ không chịu ngồi vào bàn đàm phán với Nga và Mỹ” – ông Song nhận định.

Việc ông Trump hối thúc Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán hạt nhân cùng với Mỹ và Nga cũng có thể được xem như một phần nỗ lực của Washington nhằm đối phó với Trung Quốc, trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước căng thẳng chưa từng thấy trên nhiều phương diện: từ thương mại, công nghệ, an ninh cho đến tư tưởng hệ. Nhưng ông Song nói rằng Trung Quốc khó có thể tham gia vào hiệp ước kiểm soát vũ trang sớm.

“Đây là một mặt trận mới (trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung), trong đó Mỹ đang cố kéo Trung Quốc vào một trật tự quốc tế mà Mỹ dẫn đầu về vũ khí hạt nhân” – ông Song nói – “Nhưng khả năng hạt nhân của Trung Quốc khá nhỏ, bởi vậy điều mà Trung Quốc cần là tăng cường, chứ không phải giảm bớt, khả năng hạt nhân của họ”.

Được biết, hiệp ước New START quy định Mỹ và Nga giảm một nửa số dàn phóng tên lửa hạt nhân chiến lược và cho phép việc kiểm tra từ xa và qua vệ tinh việc thực thi. Nó cũng bao gồm 18 cuộc kiểm tra thực địa mỗi năm để xác nhận các bên tuân thủ các điều khoản hay không. Một số nhà quan sát cho rằng Bắc Kinh sẽ không sẵn lòng tuân theo những cam kết này.

Trung Quốc, lần đầu tiên thử nghiệm bom hạt nhân vào năm 1964, là 1 trong 5 siêu cường hạt nhân được công nhận theo Hiệp ước Chống phổ biến vũ khí hạt nhân. Nhưng chương trình hạt nhân của nước này luôn được giữ kín.

Theo một báo cáo gần đây nhất do Trung tâm Tiêu hủy Vũ khí hạt nhân (RECNA), ĐH Nagasaki, Nhật Bản; Trung Quốc hiện sở hữu khoảng 320 đầu đạn hạt nhân. Con số này lớn hơn của Pháp (290), nhưng chỉ là một phần nhỏ so với của Nga (6.370) và của Mỹ (5.800).