‘Kiểm soát chặt chẽ việc mua trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng’

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đó là một trong các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới được Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2022, diễn ra sáng nay (29/12).
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2022 (Ảnh: VGP)
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2022 (Ảnh: VGP)

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, mặc dù hệ thống ngân hàng đã có bước phát triển tích cực, tuy nhiên việc điều hành chính sách tiền tệ còn thiếu tính chiến lược dài hạn, có lúc còn chưa bền vững.

Bên cạnh đó, quy mô, mức độ an toàn vốn, năng lực tài chính và sức cạnh tranh của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong nước còn hạn chế so với các nước trong khu vực và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Phó thủ tướng, việc kiểm soát, hướng luồng vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh vẫn còn một số bất cập, còn hiện tượng vốn tín dụng chảy vào các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán...

Lãnh đạo Chính phủ cũng lưu ý, vẫn còn tình trạng vi phạm quy định về huy động vốn và cho vay, gây nguy cơ nợ xấu gia tăng đối với các TCTD.

Phó Thủ tướng yêu cầu NHNN tập trung kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro cao (như bất động sản, chứng khoán), trong đó kiểm soát chặt chẽ việc mua trái phiếu doanh nghiệp của các TCTD, giảm thiểu rủi ro hệ thống.

NHNN cũng được giao lên kế hoạch, lộ trình cụ thể triển khai hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 sau khi được phê duyệt.

Trong đó, chú trọng thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ. Một là, tạo điều kiện cho các ngân hàng có tiềm năng phát triển trở thành các ngân hàng ngang tầm khu vực. Hai là, có giải pháp củng cố, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các ngân hàng yếu kém, đặc biệt là các ngân hàng đang bị giám sát tăng cường và kiểm soát đặc biệt.

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng phấn đấu tiếp tục giảm thêm mặt bằng lãi suất cho vay, nhất là các lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách tiền tệ, tín dụng góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh./.