Kịch bản nào cho kinh tế Đà Nẵng đến cuối năm 2021?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đà Nẵng đưa ra 3 kịch bản cho kinh tế Đà Nẵng đến cuối năm 2021, khả quan nhất là dịch bệnh COVID-19 được khống chế vào đầu tháng 7/2021 và xấu nhất là đến quý 4/2021 vẫn chưa kiểm soát được dịch bệnh.
Toàn cảnh TP Đà Nẵng
Toàn cảnh TP Đà Nẵng

Ba kịch bản kinh tế đến cuối năm 2021

Sau những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 và những nỗ lực duy trì mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch, vừa tăng trưởng kinh tế”, UBND TP Đà Nẵng vừa đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2021 và những kỳ vọng trong thời gian từ nay đến hết năm 2021.

Cụ thể, kịch bản khả quan nhất được Đà Nẵng đưa ra là dịch COVID-19 được kiểm soát tốt từ cuối tháng 6 và đầu tháng 7/2021. Khi đó, tốc độ tăng GRDP 6 tháng cuối năm 2021 dự kiến đạt mức tăng khoảng 7,0% (quy mô GRDP tương đương khoảng 92% của 6 tháng cuối năm 2019, ngang mức bình quân của 2 năm 2018 và 2019). Trong đó, các khu vực dịch vụ; công nghiệp - xây dựng; nông-lâm nghiệp và thủy sản có tốc độ tăng trưởng lần lượt là 7,2%, 5,8% và 2,6%.

Với kịch bản này, tốc độ tăng GRDP năm 2021 sẽ đạt mức 6,0%, các khu vực các khu vực dịch vụ; công nghiệp - xây dựng; nông-lâm nghiệp và thủy sản lần lượt đạt là 6,3%, 4,4% và 1,2%. Bên cạnh đó, thu nội địa cả năm 2021 ước đạt 18.953,9 tỷ đồng, đạt 104,2% dự toán HĐND TP giao; nếu không kể tiền sử dụng đất (3.304 tỷ đồng) thì ước thu nội địa là 15.649,6 tỷ đồng, đạt 105,1 % dự toán được giao, bằng 100,3% so với cùng kỳ.

Để đạt được kịch bản này, theo UBND TP Đà Nẵng, một số ngành chiếm tỷ trọng lớn trong GRDP phải duy trì phục hồi và tăng trưởng ổn định, mức tăng một số ngành dự kiến như sau: công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 4,5-5%); thương mại (tăng 8,5-9%); thông tin và truyền thông (tăng 6,5-7%); tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (tăng 8,5-9%); kinh doanh bất động sản (tăng 6,5-7%); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 8%.

Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra, khi dịch COVID-19 đang bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp thì kịch bản lạc quan này gần như là khó trở thành hiện thực.

Một kịch bản kém khả quan hơn được UBND TP Đà Nẵng đưa ra đó là dịch COVID-19 sẽ cơ bản được kiểm soát từ cuối quý III/2021. Với kịch bản này, tình hình tăng trưởng GRDP tương đương như 6 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng GRDP 6 tháng cuối năm 2021 dự báo đạt mức tăng gần 5%, (quy mô GRDP tương đương gần 90% của 6 tháng cuối năm 2019). Trong đó, các khu vực dịch vụ; công nghiệp - xây dựng; nông-lâm nghiệp và thủy sản có tốc độ tăng trưởng lần lượt là 5,2%, 3,5% và 2,7%.

Với kịch bản này, tốc độ tăng GRDP năm 2021 sẽ đạt mức 4,5-5,0%, các khu vực dịch vụ; công nghiệp - xây dựng; nông-lâm nghiệp và thủy sản lần lượt đạt là 5,2%, 3,2% và 1,2%. Thu nội địa cả năm 2021 của Đà Nẵng sẽ ước đạt 18.404 tỷ đồng, đạt 101,2% dự toán HĐND TP giao; nếu không kể tiền sử dụng đất (3.304 tỷ đồng) thì ước thu nội địa là 15.100 tỷ đồng, đạt 101,4 % dự toán được giao, bằng 96,8% so với cùng kỳ.

Bãi biển du lịch Đà Nẵng vắng bóng vì dịch COVID-19

Bãi biển du lịch Đà Nẵng vắng bóng vì dịch COVID-19

Theo kịch bản này, 6 tháng cuối năm 2021 sẽ không có đột phá về tăng trưởng GRDP, khi đó cả năm 2021 kinh tế dự kiến tăng trưởng ở gần 5,0%. Kịch bản này xảy ra khi trong 6 tháng cuối năm phần lớn các ngành sẽ duy trì mức tăng tương đương hoặc cao hơn một ít so với 6 tháng đầu năm 2021. Một số ngành kinh tế chiếm tỷ trọng lớn dự kiến có tăng nhưng mức độ thấp hơn kịch bản 1 như: công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 3-3,5%); thương mại (tăng 5,5-6%); thông tin và truyền thông (tăng 3-3,5%); tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (tăng 7-7,5%); kinh doanh bất động sản (tăng 4,5-5%); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6%.

Cuối cùng là kịch bản trong trường hợp xấu nhất, khi đến quý 4/2021, dịch COVID-19 trên địa bàn vẫn chưa được kiểm soát được. Tại kịch bản kinh tế này, tốc độ tăng trưởng GRDP của địa phương có thể thấp hơn 6 tháng đầu năm 2021, 6 tháng cuối năm 2021 sẽ chỉ đạt dưới 3,5% (quy mô GRDP tương đương khoảng 85% của 6 tháng cuối năm 2019).

Khi đó, tốc độ tăng GRDP năm 2021 sẽ ở mức dưới 4,0% (khi đó quy mô GRDP năm 2021 chỉ xấp xỉ năm 2018). Thu nội địa cả năm 2021 ước đạt 17.514 tỷ đồng, đạt 96,27% dự toán HĐND TP giao; nếu không kể tiền sử dụng đất (3.304 tỷ đồng) thì ước thu nội địa là 14.210 tỷ đồng, đạt 95,4% dự toán được giao, bằng 91% so với cùng kỳ; hụt thu so với dự toán là 683 tỷ đồng.

Kỳ vọng GRDP năm 2021 sẽ đạt mức 5,5-6,0%

Cũng theo UBND TP Đà Nẵng, ước tính GRDP 6 tháng đầu năm 2021 của Đà Nẵng tăng gần 5,0% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng nhẹ (1,05%) so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khu vực dịch vụ chiếm trên 60% trong cơ cấu GRDP, sự phục hồi của khu vực này tiếp tục đóng vài trò trụ đỡ chính của nền kinh tế (tăng 5,34% so với cùng kỳ năm 2020); công nghiệp - xây dựng tăng 2,85%; nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,08% và thuế sản phẩm tăng 7,99%.

Đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo trong 6 tháng đầu năm 2021 có giá trị tăng thêm (VA) của 15 trên tổng số 21 ngành kinh tế cấp 1, với quy mô chiếm gần 83% trên tổng VA toàn nền kinh tế TP đều đạt mức tăng trưởng dương, cụ thể: công nghiệp chế biến, chế tạo là 1,96%; thương mại là 8,95%; thông tin và truyền thông là 3,81%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm là 7,45%; kinh doanh bất động sản là 8,69%.

Ngoài ra, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm sau mức giảm mạnh trong 6 tháng cuối năm 2020 do các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Chính phủ nhằm giúp các doanh nghiệp khắc phục hậu quả của đợt dịch lần 2 đã có dấu hiệu tăng mạnh trở lại trong 6 tháng đầu năm 2021 (tăng khoảng 8% so với cùng kỳ năm 2020) đang tạo ra những động lực cho nền kinh tế.

Hàng hoá xếp dỡ qua cảng Tiên Sa (Đà Nẵng)

Hàng hoá xếp dỡ qua cảng Tiên Sa (Đà Nẵng)

Với những kết quả của 6 tháng đầu năm và quyết tâm của hệ thống chính trị, UBND TP Đà Nẵng vẫn mạnh dạn đề xuất phương án và đưa ra mục tiêu phát triển kinh tế trong năm 2021 với tốc độ tăng GRDP năm 2021 sẽ đạt mức 5,5-6,0%. Với mức tăng trưởng này, Đà Nẵng kỳ vọng tăng trưởng ở mức lạc quan, dịch bệnh sẽ khống chế được vào quý 3/2021 cho dù hiện tại vẫn đang diễn biến phức tạp.

Theo đề xuất phương án tăng trưởng này, quy mô GRDP năm 2021 của Đà Nẵng sẽ tương đương với quy mô GRDP năm 2018 và bằng khoảng 95% so với năm 2019. Trong đó, các khu vực dịch vụ; công nghiệp - xây dựng; nông-lâm nghiệp và thủy sản sẽ đạt mức tăng trưởng lần lượt khoảng 5,7%, 3,9% và 1,0%.

Trong 5 tháng đầu năm 2021, Đà Nẵng đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 10 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn 508,822 tỷ đồng; cấp mới 16 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký 147,677 triệu USD; cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 1.729 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 10.081 tỷ đồng, tăng 17,2% về số doanh nghiệp và tăng 20,5% về số vốn so với cùng kỳ 2020; hoàn tất thủ tục giải thể cho 344 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc và có 1.472 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc tạm ngừng hoạt động.

Lũy kế đến ngày 15/5, Đà Nẵng có tổng cộng 711 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư 148.205 tỷ đồng; 902 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư trên 3,862 tỷ USD. Ngoài ra, trong 5 tháng đầu năm, Đà Nẵng phê duyệt tiếp nhận 24 khoản viện trợ Phi Chính phủ nước ngoài (NGO) với tổng giá trị cam kết 33,12 tỷ đồng; (3) có 33.350 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký đạt 224.572 tỷ đồng.