"Khủng" như đại cự phú Tân Hiệp Phát

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Một đại gia hàng đầu trong giới bất động sản Sài Gòn từng thừa nhận với VietTimes rằng ông không có cửa nếu so sánh với nhà Tân Hiệp Phát về "tiền tươi". Một vị khác thì nói ngắn gọn: "Họ rất giàu".
"Khủng" như đại cự phú Tân Hiệp Phát
"Khủng" như đại cự phú Tân Hiệp Phát

Khởi nghiệp từ một cơ sở sản xuất nước giải khát nhỏ vào năm 1994, ông Trần Quí Thanh đã xây dựng Tân Hiệp Phát trở thành một trong những công ty hàng đầu trong ngành FMCG tại Việt Nam, với 3 sản phẩm chủ lực là trà thảo mộc Dr Thanh, trà xanh không độ và nước tăng lực Number1.

Tập đoàn này sở hữu 4 nhà máy sản xuất tại Bình Dương, Hà Nam, Chu Lai (Quảng Nam) và Hậu Giang, cùng các pháp nhân thành viên như Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tân Hiệp Phát, Công ty TNHH Number One Hà Nam, Công ty TNHH Number One Chu Lai.

Theo dữ liệu của VietTimes, năm 2019, riêng doanh nghiệp vận hành nhà máy tại Bình Dương của Tân Hiệp Phát ghi nhận doanh thu đạt 5.850,7 tỉ đồng, lãi sau thuế ở mức 1.554,4 tỉ đồng, tương đương biên lợi nhuận ròng ở mức 26,57%.

Nhà máy Number One Hà Nam của Tân Hiệp Phát trong năm 2019 cũng ghi nhận doanh thu lên tới 1.998,5 tỉ đồng, lãi thuần đạt 784,4 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận đạt mức 39,2%.

Thu được khoản lợi nhuận lên tới hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm, song như VietTimes từng phân tích, phần lớn trong số đó được phân phối lại cho gia đình ông Trần Quí Thanh.

Với “núi tiền” tích lũy được sau nhiều năm từ mảng đồ uống, giới chủ Tân Hiệp phát đã mở rộng kinh doanh sang nhiều lĩnh vực khác như truyền thông, công nghệ, mua bán nợ, và nổi bật nhất là bất động sản.

Năm 2019, gia đình ông Trần Quí Thanh gây bất ngờ khi thành lập tới cả chục công ty có hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực địa ốc, với tổng vốn điều lệ lên tới gần 19.000 tỉ đồng.

Bà Trần Ngọc Bích – con gái thứ của ông Thanh – cũng đã chi cả trăm tỉ đồng để tham gia đấu giá các khu đất lớn tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Đáng chú ý, hình ảnh tại buổi đấu giá 4 lô 'đất vàng' gây rúng động ở Thủ Thiêm (TP. HCM) hồi tháng 12/2022 cũng ghi nhận sự tham gia của ông Trần Quí Thanh. Dù nhiều tiền, song kết quả phiên đấu giá cho thấy, nhà Tân Hiệp Phát cũng phải tay trắng ra về.

Một đại gia hàng đầu trong giới bất động sản Sài Gòn thừa nhận với VietTimes rằng ông không có cửa nếu so sánh với nhà Tân Hiệp Phát về "tiền tươi". Một vị khác, từng tiếp xúc với nhà Tân Hiệp Phát để tìm hiểu cơ hội hợp tác, thì nói ngắn gọn: "Họ rất giàu".

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, các thành viên trong gia đình ông Trần Quí Thanh sở hữu rất nhiều sổ tiết kiệm và chứng chỉ tiền gửi với giá trị lớn tại hàng loạt nhà băng; cũng như lượng "sổ đỏ" đáng kể với các khu đất lớn và đắc địa.

Ngoài ra, độ giàu của ông Trần Quí Thanh và các thành viên trong gia đình cũng phần nào được phát lộ trong vụ án liên quan đến Phạm Công Danh và Ngân hàng Xây dựng với những khoản tiền gửi tiết kiệm lên đến gần 6.000 tỉ đồng.

Như VietTimes đã đưa tin, chiều 10/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra cho biết đã thi hành lệnh bắt tạm giam đối với ông Trần Quí Thanh - nhà sáng lập Tập đoàn Tân Hiệp Phát - và con gái Trần Uyên Phương.

Trước đó, Bộ Công an giao Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) điều tra, xác minh, giải quyết nội dung đơn của một số công dân trên địa bàn TP.HCM và tỉnh Đồng Nai tố cáo ông Trần Quí Thanh cùng các con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích và một số cá nhân khác đã thực hiện hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “Trốn thuế”, “Cưỡng đoạt tài sản” là các dự án, bất động sản có giá trị đặc biệt lớn tại tỉnh Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh từ tháng 11/2020.

Theo nhà chức trách, quá trình điều tra đến nay có đủ căn cứ xác định hành vi của ông Trần Quí Thanh cùng các con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích đủ yếu tố cấu thành tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản./.