Khủng hoảng ngân hàng nhỏ ở Trung Quốc: 'Bom nợ' dường như sắp phát nổ!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nếu như một số lượng lớn ngân hàng nhỏ cùng lúc sụp đổ, nó có thể tạo ra một chuỗi phản ứng đe dọa tới sự ổn định của ngành tài chính Trung Quốc, theo nhận định của chuyên gia Minxin Pei.

Ít tháng trước, một số ngân hàng nông thôn ở Trung Quốc bất ngờ 'đóng băng' tài khoản tiền gửi của khách hàng do gặp vấn đề về thanh khoản. Diễn biến này làm dấy lên những lo ngại về sức khoẻ hệ thống ngân hàng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Bài dịch dưới đây của VietTimes sẽ giới thiệu tới độc giả quan điểm của Minxin Pei - giáo sư chuyên ngành quản lý đến từ Đại học Claremont McKenna và là học giả không lưu trú tại Quỹ German Marshall của Mỹ - về tình trạng của các ngân hàng vừa và nhỏ ở Trung Quốc, tác động của chúng tới hệ thống ngân hàng và nền kinh tế nói chung, được đăng tải trên Nikkei Asia ngày 17/7.

Nhiều người biểu tình trước cửa trụ sở Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc chi nhánh Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam ngày 10/7 (Ảnh: Reuters)

Nhiều người biểu tình trước cửa trụ sở Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc chi nhánh Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam ngày 10/7 (Ảnh: Reuters)

Niềm tin vào sự an toàn của hệ thống ngân hàng Trung Quốc đã bị lung lay dữ dội bởi vụ ồn ào của một số ngân hàng nhỏ của tỉnh Hà Nam vào tháng Tư năm nay.

Nếu xét về tài sản trị giá khoảng 40 tỉ NDT (6 tỉ USD) và xấp xỉ 400.000 khách hàng, những ngân hàng địa phương này chỉ là “những gã tí hon” trong hệ thống tài chính của Trung Quốc.

Sự sụp đổ của những tổ chức tài chính cấp địa phương ít bị quản lý và có khả năng tham nhũng này không có gì là bất ngờ. Nhưng cách mà chính quyền địa phương xử lý vụ việc lại gây sốc ngay cả với những nhà quan sát uy tín nhất của Trung Quốc.

Thay vì bồi thường cho những khách hàng gửi tiền theo các quy định của chính phủ, giới chức tỉnh Hà Nam lại đưa ra những biện pháp khó tin. Chi tiết về sự sụp đổ của các ngân hàng cỡ nhỏ cũng chưa được tiết lộ.

Kể từ khi Trung Quốc bắt đầu tăng vay nợ để thúc đẩy đà tăng trưởng vào năm 2009, nhiều người đã tỏ ra hoài nghi. Đối với một số nhà quan sát, những dự đoán về khủng hoảng tài chính là không có cơ sở. Hệ thống ngân hàng Trung Quốc vẫn trụ vững bất chấp tỷ lệ nợ/GDP lên tới 264%.

Có lẽ bởi Bắc Kinh dường như có đủ khả năng để vượt qua lực hút tài chính, nên ngày nay rất ít người lo lắng về việc khoản nợ đang tăng có thể gây ra một cuộc khủng hoảng hệ thống. Nhưng có rất nhiều tín hiệu cảnh báo cho thấy rằng Trung Quốc có thể sớm đối mặt với một cuộc khủng hoảng nợ.

Quản lý yếu kém, quản lý rủi ro yếu kém và tham nhũng đã đẩy những ngân hàng cỡ nhỏ ở tỉnh Hà Nam vào chỗ không trả được nợ. Và tình trạng này mang tính hệ thống đối với gần 4.000 ngân hàng vừa và nhỏ - với tổng tài sản 14 nghìn tỉ USD – của Trung Quốc.

Có khả năng cao là sẽ có thêm nhiều ngân hàng nhỏ rơi vào tình trạng thiếu thanh khoản. Có một sự trùng hợp là, khi chính quyền Hà Nam đang cố gắng che đậy vụ việc của các ngân hàng nhỏ trong tỉnh, chính quyền ở Thượng Hải đã tổ chức một phiên tòa kín đối với một cựu tỉ phú, người bị cáo buộc đứng đằng sau điều hành một ngân hàng cỡ vừa ở Nội Mông để phục vụ cho các hoạt động trái phép. Khi chính quyền tịch biên ngân hàng này vào năm 2019, mức tiền bảo lãnh vị này lên tới vài tỉ USD.

Hiệu ứng 'domino'

Nếu như một số lượng lớn ngân hàng nhỏ cùng lúc sụp đổ, nó có thể tạo ra một chuỗi phản ứng đe dọa tới sự ổn định của hệ thống tài chính. Các bên đối tác và cho vay của chúng, đặc biệt là các ngân hàng lớn hơn, có thể hứng chịu tổn thất lớn. Niềm tin đối với hệ thống ngân hàng của Trung Quốc – trong đó các ngân hàng nhỏ huy động vốn nhờ đưa ra mức lãi suất cao hơn – có khả năng bốc hơi.

Nguy cơ xảy ra tình trạng khủng hoảng tài chính như vậy giờ cao hơn so với trước đây. Một trong những lý do mà Trung Quốc đã né được một cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra trong thập kỷ trước là nhờ nền kinh tế của họ đã duy trì được đà tăng trưởng khá cao, 6,8%/năm trong giai đoạn 2011-2020. Một nền kinh tế tăng trưởng nhanh thường dễ kiểm soát hay thậm chí là che giấu được gánh nặng về nợ.

Nhưng giờ nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, một phần là do chính sách zero-COVID của Bắc Kinh, “trái bom” nợ giờ đang kêu dồn dập.

Tín hiệu cảnh báo đáng sợ nhất rõ ràng là ngành bất động sản đang ngập nợ của Trung Quốc. Tập đoàn China Evergrande Group, nhà phát triển bất động sản lớn nhất nước này, đã vay hơn 300 tỉ USD, và giờ vỡ nợ trái phiếu. Có khả năng sẽ còn nhiều vụ vỡ nợ xảy ra, bởi các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc sẽ phải thanh toán lãi đối với khoản nợ trái phiếu bằng đồng đôla trị giá 13 tỉ USD trong nửa sau của năm nay.

Chính quyền địa phương đang có khoản nợ cũng sẽ đối mặt với viễn cảnh ảm đạm. Thu nhập từ bán đất giảm do khủng hoảng ngành bất động sản, cùng với biên lai thuế giảm sẽ khiến họ mất 6 nghìn tỉ NDT, tương đương 900 tỉ USD, thu nhập trong năm nay. Các phương tiện tài chính của chính quyền địa phương, vốn đã vay rất nhiều tiền từ các ngân hàng hay phát hành trái phiếu, sẽ gặp khó khăn lớn khi trả nợ.

Các ngân hàng lớn ở Trung Quốc cũng đang gặp vấn đề. Họ cho vay các quốc gia nghèo vay hàng chục tỉ USD, một phần trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) đầy tham vọng của Trung Quốc. Một khoản lớn trong danh mục vốn của họ rất có thể trở thành nợ khó đòi, bởi những nước mà họ cho vay không đủ khả năng thanh toán nợ do đà suy giảm của nền kinh tế toàn cầu.

Cuộc khủng hoảng kinh tế kéo theo sự sụp đổ của chính phủ Sri Lanka xảy ra mới đây có thể buộc các ngân hàng cho vay của Trung Quốc phải xóa một khoản nợ lớn. Nếu các ngân hàng lớn của Trung Quốc đối mặt với các khoản nợ xấu nước ngoài, họ sẽ không đủ khả năng để giải cứu các ngân hàng cỡ vừa và nhỏ ở trong nước.

Lần này, Trung Quốc vẫn có thể né được một cuộc khủng hoảng tài chính khác. Nhưng nếu các quan chức địa phương vẫn tìm cách thuê nhóm người hung hăng tấn công khách hàng đang cố gắng lấy lại tiền của họ, giới đầu tư chắc chắn sẽ phải trả qua giai đoạn còn tồi tệ hơn của ngành ngân hàng Trung Quốc./.

Theo Nikkei Asia