Khủng hoảng 'gõ cửa' Credit Suisse

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Chưa kịp phục hồi sau hàng loạt vấn đề tài chính từ năm 2022, Credit Suisse tiếp tục đối mặt với thách thức mới và phải cậy nhờ tới Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ.

Credit Suisse nhận "phao cứu sinh" từ Ngân hàng Trung ương Thuỵ Sĩ (Ảnh: Skynews)
Credit Suisse nhận "phao cứu sinh" từ Ngân hàng Trung ương Thuỵ Sĩ (Ảnh: Skynews)

Credit Suisse cho biết sẽ vay tới 50 tỉ france Thụy Sĩ (53,7 tỉ USD) từ Ngân hàng Quốc gia Thuỵ Sĩ nhằm trấn an các nhà đầu tư đang hoảng loạn. Ngân hàng lớn thứ 2 Thụy Sĩ gọi khoản tiền vay này là "một quyết định đón đầu nhằm tăng cường thanh khoản".

Quyết định được đưa ra sau khi cổ phiếu của Credit Suisse giảm mạnh trong phiên giao dịch hôm 15/3 sau khi phí hợp đồng hoán đổi rủi ro vỡ nợ (CDS) kỳ hạn 5 năm của nhà băng này tăng lên mức kỷ lục 5,74%.

Credit Suisse được thành lập vào năm 1856, là một trong số những tổ chức tài chính lớn nhất trên thế giới và được mệnh danh là một “ngân hàng quan trọng có tầm ảnh hưởng toàn cầu,” bên cạnh 30 ngân hàng khác, trong đó có JPMorgan Chase, Bank of America và Bank of China.

Sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) ở Mỹ tuần trước, các nhà đầu tư đã bán tháo cổ phiếu của Credit Suisse, đẩy giá cổ phiếu của ngân hàng này xuống mức thấp kỷ lục, sau khi bên hậu thuẫn lớn nhất của ngân hàng này, Ngân hàng Quốc gia Arab Saudi, gạt bỏ khả năng cung cấp thêm vốn.

Trong một tuyên bố đưa ra vào ngày 15/3, các cơ quan chức năng của Thuỵ Sĩ trấn an dư luận rằng những vấn đề của “một số ngân hàng ở Mỹ không gây ra rủi ro trực tiếp về sự lan rộng sang các thị trường tài chính Thuỵ Sĩ.”

Giá cổ phiếu của Credit Suisse giảm tới 30% trong hôm 15/3 (Ảnh: Getty)

Giá cổ phiếu của Credit Suisse giảm tới 30% trong hôm 15/3 (Ảnh: Getty)

Chủ tịch của Ngân hàng Quốc gia Ả Rập Saudi – cổ đông lớn nhất của Credit Suisse – trước đó cho hay họ sẽ không tăng cổ phần của mình tại Credit Suisse.

“Câu trả lời chắc chắn là không, vì nhiều lý do,” Ammar Al Khudairy nói với Bloomberg, bên lề một hội nghị ở Arab Saudi. “Tôi sẽ chỉ ra một nguyên nhân đơn giản, đó là quy chế và quy định. Chúng tôi hiện sở hữu 9,8% cổ phần của ngân hàng – nếu tăng lên trên 10% thì sẽ chịu thêm nhiều quy định mới, của cả cơ quan điều hành châu Âu hay của Thuỵ Sĩ.”

Điều gì dẫn Credit Suisse tới khủng hoảng?

Từng là một 'tay chơi' lớn trên Phố Wall, nhưng Credit Suisse đã hứng chịu nhiều tổn thất về danh tiếng đối với khách hàng và nhà đầu tư, sau hàng loạt các bước đi sai lầm trong vài năm gần đây. Điều này cũng khiến một số lãnh đạo chóp bu của họ mất việc.

Trong năm 2022, khách hàng đã rút khoảng 123 tỉ france Thuỵ Sĩ (133 tỉ USD) từ Credit Suisse, chủ yếu là trong quý 4, và ngân hàng này báo cáo khoản lỗ gần 7,3 tỉ USD france (7,9 tỉ USD), mức cao nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Trong tháng 10 năm ngoái, ngân hàng này đã đưa ra một kế hoạch tái cơ cấu “toàn diện” trong đó bao gồm cắt giảm 9.000 vị trí công việc, huỷ nhánh đầu tư để tập trung vào mảng quản lý tài sản. Ông Al Khudairy nói rằng ông vui mừng với kế hoạch tái cơ cấu, nhưng không cho rằng ngân hàng Thuỵ Sĩ này cần thêm tiền. Những người khác lại không tin như vậy.

Johann Scholtz, chuyên gia phân tích ngân hàng đến từ Morningstar, nói rằng Credit Suisse có thể không có đủ vốn để hấp thụ khoản lỗ trong năm 2023 do chi phí rót vốn ngày càng cao.

Vấn đề của Credit Suisse đã được cảnh báo từ sớm (Ảnh: NBC)

Vấn đề của Credit Suisse đã được cảnh báo từ sớm (Ảnh: NBC)

Vấn đề của Credit Suisse đã từng được cảnh báo. Trong một bài viết đăng tải vào tháng 10/2022, tờ The Economist ghi nhận giá cổ phiếu của Credit Suisse đã giảm tới 55% kể từ đầu năm, trong khi hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng của ngân hàng này tăng.

Đây là 2 tín hiệu cảnh báo khá quen thuộc với bất cứ ai từng chứng kiến những công ty ở Phố Wall đang gặp vấn đề trong giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008-2009.

Suy nghĩ cho rằng một ngân hàng 'khủng' như Credit Suisse gặp vấn đề là có thể hiểu được. Hệ thống tài chính đã quen thuộc với 15 năm lãi suất cực thấp. Cuộc săn lùng lợi tức đã khiến các hãng bảo hiểm và quỹ đầu tư nhồi đầy các tài sản dài hạn vốn nhạy cảm với lãi suất vào danh mục đầu tư của họ.

Các ngân hàng Mỹ đã ngừng đi vay mượn khi các quy định trở nên chặt chẽ hơn, thay vào đó một hệ thống tín dụng thị trường đã xuất hiện với các thoả thuận nợ chất lượng thấp trị giá hàng nghìn tỉ USD.

Credit Suisse vốn đã phải hứng chịu một số tổn thất tại Archegos và Greensill. Credit Suisse không phải tổ chức đầu tư duy nhất cho Archegos Capital Management (do Bill Hwang thành lập) vay tiền, nhưng ngân hàng này đã mất tới 5,5 tỉ USD sau khi scandal với Bill Hwang diễn ra và Archegos Capital Management phá sản.

Thêm nữa, việc Greensill Capital, một công ty dịch vụ tài chính có trụ sở tại Anh và Australia, phá sản cũng đẩy Credit Suisse phải đóng băng hàng loạt quỹ đầu tư, đồng thời phải theo đuổi vụ kiện có thể mất thời gian tới 5 năm. Credit Suisse sở hữu hàng loạt quỹ trị giá 10 tỉ USD để mua các khoản vay thế chấp chứng khoán từ Greensill, chưa kể các khoản cho vay trị giá 140 triệu USD.

Theo The Economist, thay vì đạt được đà tăng trưởng, bản cân đối kế toán của Credit Suisse liên tục bị thu hẹp trong suốt thập kỷ qua, khiến nó bị đẩy xuống hạng 2 trong hệ thống tài chính toàn cầu, và bị xem là "mắt xích yếu nhất" trong hệ thống tài chính toàn cầu trong bối cảnh lãi suất tăng./.

Nguồn tham khảo: Bloomberg, CNN, The Economist