Khủng bố Al-Qaeda quay trở lại, nguy hiểm hơn cả IS

Theo đánh giá của giới phân tích, chính việc quan tâm thu phục nhân tâm đang khiến Al-Qaeda còn nguy hiểm hơn cả IS.
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang reo rắc nỗi kinh hoàng trên khắp thế giới. (Ảnh: Reuters)
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang reo rắc nỗi kinh hoàng trên khắp thế giới. (Ảnh: Reuters)

Nói về nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, người ta sẽ nghĩ ngay đến một tổ chức cực đoan tàn bạo nhất. Các ngôi mộ tập thể, những vụ hành quyết man rợ và một sự chuyên chế ngột ngạt… chính là những gì ám ảnh người ta khi nghĩ về tổ chức này.

Kể từ khi dấu chân của IS in hằn trên lãnh thổ Iraq, sự tàn ác của tổ chức này đã khiến thành phố Ramadi mất gần 98% dân số và buộc nửa triệu người phải chạy trốn khỏi Mosul. Đương nhiên, với những tội ác tày trời mà IS gây ra, cộng đồng quốc tế không thể ngồi yên.

Chiến dịch truy quét các phần tử IS với sự góp mặt của các “ông lớn” cho đến nay đã thu được kết quả tích cực khi tốc độ bành trướng của IS ở Trung Đông đã bị chặn đứng, thậm chí tổ chức này đã mất quyền kiểm soát nhiều khu vực mà chúng chiếm được trước đây.

Al-Qaeda đang trên đường trở lại

IS thất thế là điều mà bất kể người dân nào ưa chuộng hòa bình trên thế giới đều mong đợi, tuy nhiên, không vì thế mà có thể đưa ra nhận định cho rằng, cuộc chiến chống khủng bố đang tiến nhanh về đích. Thực tế cho thấy rằng, khi IS dường như đang dần suy yếu thì một mối đe dọa cũ lại đang nổi lên.

Bài bình luận của ông Matt Purple, Phó Tổng Biên tập tạp chí Rare Politics được đăng tải trên The National Interest nhận định: “Thậm chí ngay cả khi IS có quay trở lại thì mối đe dọa của chúng cũng không quá đáng ngại. Một tổ chức khủng bố khác đang trên đường trở lại Trung Đông. Đó là một tên tuổi cũ, không ai khác chính là Al-Qaeda”.

Về mặt bản chất, Al-Qaeda và IS chẳng khác nào hai mặt của một đồng tiền, chúng đều mang tư tưởng cực đoan chống lại loài người. Tuy vậy, không phải không có những khác biệt giữa hai tổ chức khủng bố này.

Cùng là khủng bố, IS khác Al-Qaeda ở điểm nào?

Trong khi IS chủ yếu reo rắc nỗi sợ hãi chủ yếu ở Trung Đông, ngay tại những quốc gia Hồi giáo thì Al-Qaeda lại tập trung vào các mục tiêu ở xa như tại Mỹ hoặc các đồng minh phương Tây của nước này. Việc tấn công vào cộng đồng người Hồi giáo luôn bị Al-Qaeda xem nhẹ.

Theo ông Purple, trong khi các chi nhánh của Al-Qaeda đa phần tránh tấn công chống lại người Hồi giáo dòng Sunni tại Iraq thì IS lại không có bất kỳ sự kiêng dè nào đối với thế giới Hồi giáo nói chung.

Mặc dù IS muốn kéo các cường quốc phương Tây vào một cuộc chiến trên bộ, nhưng mối quan tâm hàng đầu trước mắt của chúng là tiêu diệt sạch những người bỏ đạo và ngăn chặn sự gia tăng tầm ảnh hưởng của người Shiite ở các quốc gia trong khu vực.

Khủng bố Al-Qaeda quay trở lại, nguy hiểm hơn cả IS ảnh 1
Tổ chức khủng bố Al-Qaeda đang trên đường trở lại. (Ảnh: epictimes)

Năm 2006, IS khi đó còn là một chi nhánh của Al-Qaeda tại Iraq đã đánh bom đền thờ Al-Askari ở Samarra – một trong những địa điểm linh thiêng nhất của người Hồi giáo dòng Shiite. Mục đích của hành động này là để kích động một cuộc chiến giáo phái dẫn đến sự tuyệt chủng của người Shiite.

Ý đồ phi nhân tính của IS được công khai vào năm 2012 khi tổ chức này thẳng thừng tuyên chiến với toàn bộ người Shiite. Đến năm 2014, IS cũng chính thức trục xuất những thành viên từng đứng trong hàng ngũ Al Qaeda ra khỏi tổ chức.

IS cuối cùng đã làm lu mờ Al-Qaeda nhưng cũng từ đây, tổ chức khủng bố khét tiếng từng là gốc gác của IS được trao cho một cơ hội mới. IS có thể gây chấn động bằng các cuộc tấn công đẫm máu nhưng Al-Qaeda mới chính là người chiến thắng trong trận chiến giành tình cảm của những tâm hồn đã héo úa vì chiến tranh triền miên ở Trung Đông.

Chiến lược thu phục lòng người của Al-Qaeda không phải đến bây giờ mới được nêu cao mà trên thực tế đã luôn là tôn chỉ hoạt động của tổ chức khủng bố này.

Còn nhớ, năm 2005 lãnh đạo Al-Qaeda Ayman al-Zawahiri đã viết một lá thư gửi cho Abu Musab al-Zarqawi, người sau đó trở thành lãnh đạo của Al-Qaeda ở Iraq, trong đó cho rằng: “Vũ khí mạnh nhất mà những chiến binh thánh chiến có trong tay chính là sự ủng hộ mạnh mẽ của thế giới Hồi giáo. Nếu không có sự ủng hộ này, phong trào Thánh chiến sẽ bị nghiền nát trong bóng tối”.

Dù Zarqawi khi đó đã bác bỏ lập luận này, nhưng trên thực tế, tôn chỉ hoạt động của Al-Qaeda cho đến này vẫn đang được định hình trên nền tảng đó. Điều này được minh chứng qua việc Al-Qaeda luôn tìm cách hòa mình vào dân chúng, thu phục nhân tâm qua các tổ chức từ thiện thay vì cố gắng gieo rắc nỗi sợ hãi.

Chiến lược thu phục nhân tâm của Al-Qaeda

Nhận định này là hoàn toàn có cơ sở khi chúng ta nhìn vào cách nhóm Mặt trận Al-Nusra, nhóm có liên kết với Al-Qaeda ở Syria. Khi cuộc nội chiến ở Syria nổ ra, Al-Nusra một mặt chiến đấu chống lại Chính phủ của Tổng thống Bashar Al-Assad, một mặt hỗ trợ người dân địa phương bị bao vây.

Khủng bố Al-Qaeda quay trở lại, nguy hiểm hơn cả IS ảnh 2
Nhóm Mặt trận Al-Nusra, nhóm có liên kết với Al-Qaeda ở Syria đang thực hiện triệt để chiến lược thu hút nhân tâm ở địa phương. (Ảnh: Reuters)

Al-Nusra mở một “Cơ quan cứu trợ” để cung cấp dịch vụ thực phẩm, y tế và sân chơi cho trẻ em. Nhóm này cũng khoe khoang sự sẵn có của các dịch vụ cơ bản như điện nước ở khu vực mà chúng kiểm soát. Chuyên gia Daveed Gartenstein-Ross và Phillip Smyth nói với tạp chí The Atlantic: “Đối với Al-Nusra, dư luận là tối quan trọng”.

Tại Yemen, một liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu đã tiến hành không kích nhằm vào các mục tiêu do phiến quân Houthi kiểm soát trong hơn một năm qua. Tình hình bất ổn ở Yemen đẩy một nửa dân số của nước này đứng trước nguy cơ bị chết đói.

Trong bối cảnh ấy,  các tay súng của nhóm Al-Qaeda trên Bán đảo Arab (AQAP) đã nhanh chóng mở rộng lãnh thổ kiểm soát ở Yemen, trong đó có thành phố cảng quan trọng Al Mukalla – nơi mà AQAP đã đánh cắp được khoảng 100 triệu USD từ ngân hàng trung ương.

Nhưng thay vì đầu tư số tiền này vào các cuộc tấn công khủng bố như IS vẫn thường làm, AQAP đầu tư sửa chữa cơ sở hạ tầng, đào giếng nước cho người dân, hủy bỏ thuế thu nhập. “Tôi thích Al-Qaeda, tôi không thích Al Mukalla được giải phóng”, một người dân Yemen nói với Reuters. Giới quan sát cho rằng, trong hoàn cảnh tuyệt vọng hiện nay, nguyện vọng tưởng chừng như vô lý của người dân Al Mukalla lại là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Theo giới phân tích, thực tế cho thấy, các chiến binh thánh chiến rất khó bị nhổ bỏ tận gốc khi chúng nhận được sự ủng hộ của người Sunni tại địa phương. Bằng việc cung cấp vũ khí cho các nhóm phiến quân thân Al-Qaeda tại Syria cũng như viện trợ cho những kẻ ủng hộ al-Quaeda ở Saudi Arabia và Yemen, Mỹ chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề của họ.

Một lần nữa, Mỹ nhận ra rằng, hậu quả không thể tránh khỏi là Al-Qaeda ngày càng trở thành mối đe dọa chết chóc hiện hữu hơn.

Theo VOV