Khu kinh tế Nghi Sơn - động lực tăng trưởng của Thanh Hóa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Vươn lên từ một vùng cát trắng, nghèo khó, Khu kinh tế Nghi Sơn đã và đang trỗi dậy với một loạt dự án tầm cỡ, tạo động lực đưa Thanh Hóa 'cất cánh'.
Khu kinh tế Nghi Sơn - động lực tăng trưởng của Thanh Hóa
Khu kinh tế Nghi Sơn - động lực tăng trưởng của Thanh Hóa

"Nhất Xương, nhì Gia, thứ ba Hậu Lộc", không biết từ bao giờ mà câu nói này được truyền khẩu ở Thanh Hóa, rồi len lỏi vào tâm trí nhiều người xứ Thanh. Đó là những huyện từng được xem là 'đói' nhất của tỉnh: Quảng Xương, Tĩnh Gia và Hậu Lộc.

Vùng đất phía Nam Thanh Hóa với "đặc sản" gió Lào, cát trắng, khiến người dân nơi đây biết bao đời chỉ biết ra khơi vào lộng mưu sinh, chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản.

Thế nhưng, năm 1996, báo cáo khảo sát của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) lại đem đến một góc nhìn khác, đầy triển vọng về tiềm năng phát triển kinh tế nơi đây.

"Nằm ở cuối phía Nam bờ biển Thanh Hóa, Nghi Sơn có tiềm năng về xây dựng một cảng nước sâu từ 15 - 18 mét, sau khi xây dựng một nhà máy xi măng lớn, một cảng chuyên dụng và tuyến kỹ thuật hạ tầng vào khu công nghiệp, đồng thời với sự đầu tư tổng hợp cho phép vùng Nghi Sơn trở thành một trong các trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Bắc Trung bộ và cả nước, sẽ là cửa ngõ chính của tam giác kinh tế phía Bắc", báo cáo viết.

Đến năm 1997, công trình đầu tiên của Khu Công nghiệp Nghi Sơn (tiền thân của Khu kinh tế Nghi Sơn) được khởi công xây dựng: Nhà máy xi măng Nghi Sơn với công suất 4 triệu tấn/năm. Tiếp đến, một số nhà đầu tư đã đến Nghi Sơn khảo sát rồi quyết định đầu tư vào khu công nghiệp này biến vùng đất khó khăn bắt đầu chuyển động với xu hướng phát triển thành khu vực trọng điểm sản xuất công nghiệp.

Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Khu kinh tế Nghi Sơn với diện tích 18.611,8ha, trải rộng trên địa bàn 12 xã phía Nam của huyện Tĩnh Gia.

Tới năm 2015, khu kinh tế này tiếp tục được điều chỉnh mở rộng lên 106.000 ha, bao gồm toàn bộ diện tích của huyện Tĩnh Gia và 6 xã thuộc huyện Nông Cống và Như Thanh.

Các khu công nghiệp của tỉnh Thanh Hóa cũng được sắp xếp về chung 'đầu mối': Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa.

Quy hoạch chung Khu kinh tế Nghi Sơn

Quy hoạch chung Khu kinh tế Nghi Sơn

Tính tới cuối tháng 10/2022, Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được 701 dự án.

Trong đó có 636 dự án đầu tư trong nước, với tổng số vốn đăng ký đầu tư 169.711 tỉ đồng; 65 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đầu tư 13.523 triệu USD.

Riêng khu kinh tế Nghi Sơn có 295 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký đầu tư 149.335 tỉ đồng; và 23 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đầu tư 12.809 triệu USD.

Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa vẫn đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, bao gồm:

Giá trị sản xuất đạt 176.124 tỉ đồng đạt 85% kế hoạch và bằng 101% năm so với năm 2020; nộp ngân sách 16.694 tỉ đồng, đạt 101% kế hoạch và bằng 111% so với năm 2020; giá trị xuất khẩu 3.969 triệu USD đạt 148% kế hoạch và bắng 148% so với năm 2020; giá trị nhập khẩu 6.468 triệu USD đạt 127% kế hoạch và bằng 145% so với năm 2020; giải quyết việc làm cho 103.000 lao động.

Bước vào năm 2022 với tinh thần thi đua sôi nổi quyết tâm lao động sản xuất kinh doanh để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Tính đến cuối tháng 10/2022, giá trị sản xuất kinh doanh tại Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa ước đạt 268.299 tỉ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2021. Cùng với đó, nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 25.884 tỉ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2021; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4.376 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021; nhập khẩu ước đạt 9.170 triệu USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2021; giải quyết việc làm cho 102.000 lao động...

Những con số biết nói rất có ý nghĩa từ Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã góp phần to lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong 10 tháng qua./.