Trong nội dung của dự thảo nghị quyết mới, Quảng Ninh sẽ không thu Phí sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiệc ích công cộng trong khu vực cửa khẩu không có khu vực cửa khẩu cảng biển (hay còn gọi là phí sử dụng hạ tầng cảng biển). Nghĩa là, các doanh nghiệp kinh doanh tạm nhập - tái xuất, hàng chuyển khẩu, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu qua khu vực các cảng biển trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh sẽ không phải nộp phí sử dụng hạ tầng cảng biển.
Thay vào đó, dự thảo Nghị quyết mới đã xuất hiện một số loại phí mới được ban hành hoặc quy định thêm mức phí đối với danh mục các loại hàng hóa.
Ví dụ như phí hàng hóa tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, hàng quá cảnh, hàng qua kho ngoại quan đối với mặt hàng lá thuốc lá và nguyên liệu để sản xuất thuốc lá chuyển từ 150 nghìn đồng/m3 sang áp dụng mức phí tính theo container với mức thu không dưới 1,5 triệu/container 20feet; và 3 triệu đồng/container 40feet; từ 01/9/2018 trở đi, thì mức phí sẽ tăng mạnh và ở mức lần lượt là 2 triệu đồng và 4 triệu đồng.
Đặc biệt, dự thảo đề ra loại phí hoàn toàn mới là phí hàng hóa nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu, nhập khẩu để gia công xuất khẩu qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, từ ngày 01/9/2017, Quảng Ninh sẽ chính thức thu loại phí này với mức 2 triệu đồng với container 20’ và 4 triệu đồng với container từ 40’ trở lên với hàng thuộc dạng đông lạnh và 20 nghìn đồng với hàng thuộc dạng khác. Đối với hàng quả, hạt khô các loại là hàng hóa tạm nhập tái xuất/chuyển khẩu/hàng hóa quá cảnh/hàng qua kho ngoại quan thì sẽ được áp dụng mức phí riêng từ ngày 01/9/2017 là 1,5 triệu đồng/container 20’ và 3 triệu đồng/container 40’ trở lên.
Hải Phòng là địa phương đầu tiên trên cả nước thực hiện thu loại phí này. Sau đó, Tp. HCM cũng có văn bản "nghiên cứu" thực hiện việc thu phí sử dụng hạ tầng càng biển.
Lý do được Hải Phòng đưa ra là thành phố đã đầu tư "hàng trăm nghìn tỷ đồng" cho hệ thống giao thông kết nối giữa cảng biển với hệ thống đường quốc lộ 5, quốc lộ 10, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; kết nối khu vực cảng biển với các khu dịch vụ logistics, khu công nghiệp, cụm công nghiệp...Đồng thời, do nguồn thu ngân sách thành phố rất hạn hẹp, không đủ để duy tu, bảo trì" nên Hải Phòng buộc phải thực hiện thu phí theo Luật Phí " để có kinh phí phục vụ cho việc xây dựng và bảo trì các tuyến đường trên".
Tuy nhiên, theo Danh mục các dự án trọng điểm năm 2016 Ban hành kèm theo Nghị quyết số 23/NQ-HĐND ngày 18/12/2015 của Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng cho thấy nguồn để xây dựng các dự án chủ yếu là vốn trung ương rót về, hoặc vốn vay của Chính phủ.
Các doanh nghiệp đã có những phản ứng tiêu cực đối với loại thuế này của Hải Phòng. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã có văn bản hỏa tốc yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì tiến hành rà soát việc thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cảng biển Hải Phòng.
Trước đó, ngày 06/6/2017, tại buổi lễ chính thức khai trương tuyến dịch vụ hàng hải ACS Cái Lân – tuyến hàng hải đi 6 nước gồm Ấn Độ, tới Malaysia, Singapore, Việt Nam, Trung Quốc và Hàn Quốc, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã khẳng định tỉnh Quảng Ninh sẽ không tiến hành thu bất kỳ loại phí hạ tầng cảng biển nào thuộc thẩm quyền của tỉnh. Đây cũng là chính sách mà tỉnh Quảng Ninh áp dụng để thực hiện đúng tinh thần đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh.