Không “rắn” với ông Putin, Donald Trump thổi bùng cơn giận dữ tại Mỹ

VietTimes -- Tổng thống Mỹ Donald Trump phớt lờ những lời khuyên của các nhân viên dưới quyền của ông về việc cần giữ thái độ cứng rắn trong cuộc gặp thượng đỉnh với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, The Washington Post dẫn một số nguồn tin cho biết. Điều này đã khơi dậy cơn giận giận dữ tại Mỹ.
Thái độ hòa hoãn với Nga và ông Putin của tổng thống Trump khiến nhiều người ở Mỹ tức giận
Thái độ hòa hoãn với Nga và ông Putin của tổng thống Trump khiến nhiều người ở Mỹ tức giận

Theo Washington Post, trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh, ông Trump được cung cấp một bản tài liệu chừng 100 trang, đề nghị ông giữ lập trường cứng rắn hơn với Tổng thống Putin, nhưng ông đã làm ngơ trước phần lớn các ý kiến này. Một trong những nguồn tin cho biết, những phát biểu của người đứng đầu Nhà Trắng "rất mâu thuẫn với kế hoạch đặt ra ban đầu".

Về phần mình, nguồn tin thứ hai cho biết, trước cuộc gặp thượng đỉnh, các cố vấn đã xem xét vấn đề về Crưm, về  "sự can thiệp" của Nga vào cuộc bầu cử, nhưng ông  Trump "đã theo tình thế trò chơi mà quyết định" hành động theo cách của riêng mình.

Được biết rằng, Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton và Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo cũng kêu gọi ông Trump nên quan sát ông Putin "qua một lăng kính tiêu cực hơn" nhưng ông Trump cũng phớt lờ.

Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Putin kết thúc bằng những cái bắt tay siết chặt, những nụ cười và cả những lời khen dành cho nhau. Cả hai nhà lãnh đạo đều tin rằng cuộc gặp lần này mới chỉ là bước đầu tiên trên con đường cải thiện mối quan hệ vốn luôn thăng trầm, đồng thời bày tỏ mong muốn hợp tác trong việc giải quyết hàng loạt vấn đề toàn cầu nóng hiện nay như cuộc xung đột tại Ukraine, Syria, hạt nhân và quan hệ với Trung Quốc.

Cách tiếp cận của ông Trump đã châm ngòi sự giận dữ tại Mỹ. Theo AP, các nghị sĩ ở cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa cũng như các cựu quan chức tình báo Mỹ dường như đều bị sốc, bất mãn và thất vọng khi Tổng thống Trump cho biết ông tin vào tuyên bố của Tổng thống Putin, rằng Nga không can thiệp cuộc bầu cử Mỹ năm 2016.

Phát biểu của ông Trump tại cuộc gặp đã phá bỏ hoàn toàn những nỗ lực của giới tình báo và Bộ Tư pháp Mỹ. Suốt hơn một năm qua, các cuộc điều tra đã được mở ra tại Mỹ chỉ để làm rõ cáo buộc Nga can thiệp bầu cử, cũng như nghi vấn đội ngũ tranh cử của ông Trump thông đồng với Nga để giúp ông giành chiến thắng.

Chưa dừng lại ở đó, các nghị sĩ Mỹ cũng không đồng tình với việc Tổng thống Trump cho rằng cả Moscow và Washington đều chịu trách nhiệm ngang nhau khi gây ra tình trạng căng thẳng trong quan hệ song phương.

“Chúng ta lẽ ra nên có cuộc đối thoại chân thành này từ lâu rồi. Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều có lỗi. Tôi cho rằng Mỹ đã bắt đầu sánh bước cùng Nga”, Tổng thống Trump nói trong cuộc họp báo, đồng thời nhấn mạnh cuộc gặp thượng đỉnh với ông Putin mới chỉ là “bắt đầu”.

Ngay trong đảng Cộng hòa của ông Trump, Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, gọi cuộc gặp Trump - Putin tại Phần Lan là “một trong những màn thể hiện đáng hổ thẹn nhất của một tổng thống Mỹ” mà ông từng biết. Ông McCain cũng đổ lỗi cho Tổng thống Trump khi không bảo vệ được nước Mỹ.

Thượng nghị sĩ Bob Corker, chủ tịch Cộng hòa tại Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Mỹ, cho rằng đây là “một ngày rất tuyệt vời cho Tổng thống Putin”. Theo ông Corker, việc Tổng thống Trump không công nhận Nga can thiệp bầu cử Mỹ trong cuộc gặp với Tổng thống Putin khiến Washington giống như “một kẻ dễ bị lừa gạt”.

"Tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ có ngày một tổng thống của chúng ta đứng cùng sân khấu với tổng thống Nga và đổ lỗi cho Mỹ về sự gây hấn của Nga. Điều đó thật đáng xấu hổ", Thượng nghị sĩ Cộng hòa Jeff Flake nói.

Thượng nghị sĩ Ben Sasse nhận xét là “kỳ dị” để nói về hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ. Còn Thượng nghị sĩ Jeff Flake gọi đây là cuộc gặp “đáng xấu hổ”, trong khi Thượng nghị sĩ Lindsey Graham phàn nàn về “một ngày tồi tệ cho nước Mỹ”.

Chủ tịch Hạ viện cũng thuộc đảng Cộng hòa Paul Ryan nhấn mạnh, hoàn toàn chắc chắn là có sự can thiệp của Nga vào bầu cử. Ngay cả lãnh đạo đa số Cộng hòa tại Thượng Viện Mitch McConnel, vốn ít có xu hướng phê phán tổng thống, cũng không ngần ngại lên tiếng: Tôi hoàn toàn tin tưởng vào đánh giá của các cơ quan tình báo của chúng ta.

CIA và FBI khẳng định việc Nga can thiệp vào cuộc tranh cử Mỹ năm 2016 là điều không có gì phải nghi ngờ nữa. Trong một thông cáo công bố hôm 16/7, ông Dan Coats, lãnh đạo tình báo Mỹ, đã một lần nữa tái khẳng định điều này. Khi một nhà báo hỏi tổng thống Nga Vladimir Putin là phải chăng ông đã hy vọng Donald Trump đắc cử. Tổng thống Nga trả lời không lưỡng lự: Đúng như vậy và giải thích đó là do ông Trump đã hứa sẽ bình thường hóa quan hệ Nga-Mỹ.

Phe Dân chủ cũng phản ứng mạnh mẽ với những tuyên bố được cho là có phần hòa dịu với Nga của Tổng thống Trump. Nhiều nghị sĩ Dân chủ cho biết họ cảm thấy sốc và gọi phần thể hiện của ông Trump tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Phần Lan là “chưa từng có tiền lệ”, thậm chí làm sụt giảm vị thế của Mỹ trên trường quốc tế.