Không “quản” được người nước ngoài do dữ liệu nhập cảnh thiếu liên thông

VietTimes – Nhiều ĐBQH nêu thực trạng cơ quan chức năng Việt Nam khó kiểm soát hoạt động của người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam chính bởi dữ liệu nhập cảnh thiếu liên thông, gây nhiều nguy cơ đe dọa, xâm phạm an ninh quốc gia, gây mất trật tự, toàn xã hội.
Người nước ngoài làm việc trong một trường học tại Hà Nội.
Người nước ngoài làm việc trong một trường học tại Hà Nội.

Đây là một trong những vấn đề được đặt lên bàn nghị sự chiều nay (29/10) khi Quốc hội bàn về nội dung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (gọi tắt là Luật số 47).

Nguy cơ "lạm phát" người nước ngoài

Thảo luận về việc cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, các ĐBQH đều thống nhất rằng, việc cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam là chính sách mới, thể hiện quyết tâm cải cách hành chính triệt để của Chính phủ, phù hợp chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Tuy nhiên, một số ĐBQH lưu ý phải rà soát dự thảo Luật kỹ càng hơn, phòng trường hợp các đối tượng xấu lợi dụng để nhập cảnh Việt Nam, tiến hành các hoạt động xâm phạm, đe dọa xâm phạm an ninh quốc gia, gây mất trật tự, toàn xã hội.

ĐBQH Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) nêu quan điểm: “Người nước ngoài vào Việt Nam bằng nhiều loại thị thực, từ thị thực đầu tư, thị thực doanh nghiệp, thị thực lao động, thị thực luật sư đến nhiều loại thị thực khác nữa. Thế nhưng, khi họ đã vào nội địa thì những dữ liệu đó không được thông tin, liên thông với các cơ sở dữ liệu quản lý khác.

Vì thế khi xảy ra vấn đề vi phạm pháp luật, thì cơ quan chức năng phải lục hồ sơ xem người được nhập cảnh này có được Việt Nam cấp phép làm việc đó không. Vì không liên thông nên việc này rất khó khăn, nhất là trong việc quản lý giữa đối tượng nhập cảnh thông thường và đối tượng cấp phép lao động”.

Đồng thuận với quan điểm này, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng chỉ ra những sơ hở trong quản lý người nước ngoài vào Việt Nam bằng nhiều hình thức như làm ăn, đầu tư kinh doanh. Do đó, cần làm rõ giá pháp lý của việc đầu tư kinh doanh, cần bịt “lỗ hổng” về luật pháp trong việc cấp thị thực cho người nước ngoài.

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)

“Chúng ta quản lý không chặt chẽ dẫn đến tình trạng “lạm phát” người nước ngoài vào Việt Nam làm ăn phi pháp không quản lý được. Về việc cấp thị thực của người nước ngoài qua hộ chiếu điện tử là vấn đề cần thiết. Tuy một số người nước ngoài không hài lòng cấp thị thực qua điện tử, cho rằng bị ràng buộc an ninh, nhưng đây là quan hệ quốc tế mà thế giới thực hiện được thì Việt Nam cũng thực hiện được” - ĐBQH Phạm Văn Hòa nói.

Không miễn thị thực cho người nước ngoài vào 16 khu kinh tế ven biển

Trình bày Tờ trình của Chính phủ tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết: “Quan điểm chỉ đạo xây dựng luật là: Tiếp tục thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật của Nhà nước và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tiếp tục bảo đảm công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, tăng cường áp dụng khoa học công nghệ trong giải quyết cho người nước ngoài vào Việt Nam, góp phần thu hút đầu tư, du lịch nước ngoài nhưng vẫn bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội,...” 

Về giá trị sử dụng của thị thực, dự thảo Luật đã bổ sung các trường hợp được chuyển đổi mục đích của thị thực. Tuy nhiên, theo ông Võ Trọng Việt, có ý kiến đề nghị giữ nguyên như quy định cũ là: “Thị thực có giá trị một lần hoặc nhiều lần và không được chuyển đổi mục đích” nhằm tránh tình trạng người nước ngoài vào Việt Nam với danh nghĩa tham quan, du lịch, sau đó xin chuyển đổi thực hiện các mục đích khác, gây phức tạp về an ninh, trật tự.

Bàn về việc bổ sung trường hợp được miễn thị thực “vào khu kinh tế ven biển theo quyết định của Chính phủ”, một số ĐBQH đề nghị đối với 16 khu kinh tế ven biển ở trong đất liền cần được áp dụng chính sách miễn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh, tương tự như với các khu kinh tế cửa khẩu (đã được quy định tại Khoản 3 Điều 12 của Luật số 47) mà không phải kèm theo điều kiện, còn các khu kinh tế ven biển thuộc huyện đảo thì quy định rõ điều kiện như dự thảo Luật đã quy định.

Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho rằng không nên thực hiện mễn thị thực 30 ngày cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển.
Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho rằng không nên thực hiện mễn thị thực 30 ngày cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển.

Phản hồi lại ý kiến này, Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội cho rằng, nước ta có nhiều khu kinh tế ven biển trong đất liền, có diện tích rộng, trải dài theo chiều dọc của đất nước, cách xa sân bay và nhiều nơi có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh. Nếu tất cả đều miễn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh sẽ tiềm ẩn nguy cơ về quốc phòng, an ninh, khó khăn trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự và quản lý hoạt động của người nước ngoài.

Còn đối với các khu kinh tế cửa khẩu, do có vị trí giáp biên giới, phạm vi hẹp, gần cửa khẩu nên sẽ thuận lợi hơn trong việc quản lý người nước ngoài nhập cảnh vào khu vực này.

Do đó, Ủy ban Quốc phòng – An ninh tán thành với dự thảo Luật về việc bổ sung trường hợp được miễn thị thực có điều kiện đối với các khu kinh tế ven biển và giao Chính phủ quyết định.