Bị loại khỏi “danh sách quyền lực” tại Eximbank, Thắng Phương là ai? |
Cổ đông lớn rút lui, Gelex nâng sở hữu lên mức tối đa
Theo cập nhật danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ cập nhật đến ngày 6/8 của Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HoSE: EIB), Công ty Cổ phần Thắng Phương đã biến mất.
Trước đó, trong danh sách công bố ngày 1/7, Thắng Phương là một trong những cổ đông lớn nhất tại Eximbank khi sở hữu 3,07% vốn ngân hàng, tương đương hơn 53 triệu cổ phiếu EIB.
Theo quy định của Luật Các Tổ chức tín dụng 2024 sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7 thì cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên phải cung cấp cho tổ chức tín dụng thông tin để công bố ra thị trường. Do đó, việc Thắng Phương không nằm trong danh sách sở hữu trên 1% vốn Eximbank có hai khả năng xảy ra.
Một là cổ đông này đã bán bớt cổ phần hoặc toàn bộ số cổ phần sở hữu tại ngân hàng. Hai là không loại trừ việc cổ đông này chia nhỏ cổ phần cho người có liên quan để không còn nắm trên 1% vốn ngân hàng để không thuộc diện phải công bố thông tin sở hữu.
Ngoài sự biến mất của Thắng Phương, 4 cổ đông còn lại của Eximbank không có sự thay đổi về tỷ lệ sở hữu so với báo cáo trước đó.
Trong đó cổ đông lớn nhất là Tập đoàn Gelex (HoSE: GEX) sở hữu gần 86 triệu cổ phiếu EIB, tương ứng 4,9% vốn điều lệ. Cổ đông tổ chức còn lại là CTCP Chứng khoán VIX (HoSE: VIX) sở hữu hơn 62 triệu cổ phiếu EIB (3,58% vốn).
Hai cổ đông cá nhân nắm giữ trên 1% vốn của ngân hàng này là bà Lê Thị Minh Loan sở hữu gần 18 triệu cổ phiếu EIB (1,03% vốn) và bà Lương Thị Cẩm Tú sở hữu gần 20 triệu cổ phiếu EIB (1,12% vốn).
Trong đó, bà Lương Thị Cẩm Tú hiện là Phó chủ tịch HĐQT Eximbank, còn bà Lê Thị Minh Loan là cựu Thành viên HĐQT Eximbank. Riêng bà Mai Loan hiện có người liên quan cũng đang nắm cổ phiếu của nhà băng này, nhưng lượng nắm giữ rất ít, chỉ gần 20.000 cổ phiếu EIB.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã đồng ý để Gelex mua cổ phần của Eximbank thông qua phương thức giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận qua hệ thống giao dịch chứng khoán của HoSE trong năm 2024.
Như vậy, nếu giao dịch mua thành công, Gelex sẽ nâng tỷ lệ sở hữu dự kiến đến mức 10% vốn điều lệ và trở thành cổ đông lớn của ngân hàng này. Đây cũng là mức tỷ lệ tối đa mà một cổ đông tổ chức được sở hữu tại một tổ chức tín dụng theo quy định của Luật Các Tổ chức tín dụng 2024.
Bóng dáng Bamboo Capital sau Thắng Phương
Về Thắng Phương, theo tìm hiểu của VietTimes, doanh nghiệp này được thành lập năm 2006, có trụ sở chính tại tầng 19, Khu Văn phòng Tòa Nhà Indochina, số 4 Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM.
Hồi tháng 7/2017, công ty đã tăng vốn đột biến từ 600 triệu đồng lên 10 tỷ đồng. Cổ đông Huỳnh Thị Hồng Hạnh sở hữu 70% vốn và Phạm Thị Ngọc Thanh sở hữu 30% vốn.
Một tháng sau đó, công ty tiếp tục màn tăng vốn lên 50 tỷ đồng. Lúc này, cơ cấu cổ đông có sự xuất hiện của Công ty Cổ phần Xuất khẩu Lao động Tracodi (Tracodi Labour) khi nắm giữ 18% vốn. Tracodi Labour trực thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải (Tracodi) - đơn vị thành viên trụ cột của Tập đoàn Bamboo Capital(HoSE: BCG) ở mảng xây dựng - hạ tầng.
Còn hai cổ đông Huỳnh Thị Hồng Hạnh và Phạm Thị Ngọc Thanh giảm tỷ lệ sở hữu lần lượt còn 57,4% và 24,6%.
Sau nhiều lần biến động nhân sự cấp cao, hiện Thắng Phương do bà Huỳnh Thị Kim Tuyến đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.
Ngoài vai trò tại Thắng Phương, bà Huỳnh Thị Kim Tuyến còn giữ vị trí cấp cao tại hai doanh nghiệp khác là Công ty Cổ phần White Magnolia và Công ty TNHH Pegas. Điểm đáng chú ý là hai đơn vị này ít nhiều có sự liên quan với “hệ sinh thái” Bamboo Capital.
Cụ thể, White Magnolia có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, tiền thân là Công ty Cổ phần Tracodi Land, từng do ông Đặng Trung Kiên - chủ tịch HĐQT Tracodi - làm tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.
Còn Pegas được thành lập năm 2012, từng thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần BCG Land, đơn vị phụ trách mảng bất động sản của Bamboo Capital. Trải qua nhiều lần tăng vốn, đến tháng 9/2018, vốn điều lệ được nâng lên 140 tỷ đồng.
Tại thời điểm tháng 7/2022, cơ cấu cổ đông của Pegas gồm BCG Land sở hữu 10%, hai cá nhân Phạm Thị Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Ngọc Hoà lần lượt sở hữu 50% và 40%. Đến tháng 12/2023, BCG Land đã thoái vốn, thay vào đó là bà Nguyễn Như Hường với tỷ lệ sở hữu 10%.
Về tình hình kinh doanh, quý II vừa qua, Eximbank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 813 tỷ đồng, tăng 52,1% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 643 tỷ đồng, tăng hơn 52%.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Eximbank ở mức 1.474 tỷ đồng, tăng 4,9%, lợi nhuận sau thuế đạt 1.170 tỷ đồng, tăng 4,6%.
Năm 2024, Eximbank đặt mục tiêu tương đối tham vọng, trong đó lợi nhuận trước thuế là 5.180 tỷ đồng, cao hơn 90,5% so với kết quả năm 2023. Như vậy, so với kế hoạch năm, Eximbank mới chỉ thực hiện được gần 28,5%.
Tính đến hết quý II/2024, tổng tài sản Eximbank tăng 5% so với đầu năm, lên 211,999 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại NHNN tăng 38% lên 5.599 tỷ đồng, cho vay khách hàng tăng 8% lên 151.327 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng tăng 4% so với đầu năm, lên 163.051 tỷ đồng.
Tổng nợ xấu tính đến 30/6/2024 là 4.002 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ giảm nhẹ từ 2,65% đầu năm xuống còn 2,64%.