Về tuyên bố “tạm dừng chương trình âm nhạc có yếu tố DJ”:

Không có quy định nào cho phép từ chối cấp phép hay tạm dừng chương trình đã cấp phép khi nó không vi phạm pháp luật

VietTimes – “Nếu nhận thấy nguy cơ lớn từ việc sử dụng ma túy tại những buổi biểu diễn ca nhạc thì cơ quan nhà nước có thể bổ sung quy định về điều kiện cấp phép, điều kiện tổ chức biểu diễn, nhưng phải làm việc này thông qua sửa đổi pháp luật, chứ không phải một tuyên bố miệng của lãnh đạo”- chuyên gia Nguyễn Minh Đức (VCCI) nói.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Sở VHTT Hà Nội sẽ tạm dừng tất cả những chương trình âm nhạc có yếu tố DJ, âm nhạc điện tử mạnh kể cả chương trình đã cấp phép” – tờ Vietnamnet cho biết như vậy, trong một bản tin vào cuối giờ chiều nay (18/9).

Tờ báo này dẫn lời ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao (VHTT) Hà Nội, nói: “Chúng tôi tạm dừng những chương trình có yếu tố DJ, những chương trình có âm nhạc điện tử mạnh chứ không phải tạm dừng tất cả các lễ hội âm nhạc. Dùng từ tạm dừng lễ hội âm nhạc là chưa đúng”.

Cũng theo bản tin: Ông Tô Văn Động khẳng định không cấp phép cho đại tiệc âm nhạc diễn ra vào ngày 29/9 tới với loạt DJ nước ngoài đình đám tại Sân vận động Bách Khoa Hà Nội.

“Có thể đơn vị tổ chức có trụ sở tại TP.HCM nên người ta xin cấp phép ở đó. Tuy nhiên, nếu biểu diễn tại Hà Nội thì cũng phải làm một thông báo gửi Sở VHTT Hà Nội. Nhưng tôi chưa nhận được thông báo nào. Và nếu có nhận thì tôi cũng không ký. Tạm dừng là tạm dừng, cho tới khi cơ quan điều tra làm việc xong và có kết luận rõ ràng”- người đứng đầu Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội tuyên bố.

Việc “tạm dừng tất cả những chương trình âm nhạc có yếu tố DJ, âm nhạc điện tử mạnh kể cả chương trình đã cấp phép” mà ông Tô Văn Động mới nêu có thể được xem là một động thái “có trách nhiệm” của Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội, sau sự cố đáng tiếc khiến 7 người chết tại lễ hội âm nhạc “VEW 2018 - Trip To The Moon” diễn ra vào tối 16/9/2018, ở Công viên nước Hồ Tây.

Tuy nhiên, nhìn nhận tuyên bố này dưới giác độ pháp lý, có chuyên gia lại cho rằng nó chưa phù hợp và cảm tính.

Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ ra một số vấn đề trong phát ngôn “tạm dừng” mà ông Tô Văn Động đã đưa ra.

Chuyên gia Nguyễn Minh Đức. (Ảnh: M.Đ)
Chuyên gia Nguyễn Minh Đức. (Ảnh: M.Đ)

Theo ông Đức, cơ quan Nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Không có quy định nào cho phép từ chối cấp phép hay tạm dừng chương trình đã cấp phép khi không chứng minh được chương trình đó vi phạm pháp luật.

Thứ hai, cơ quan Nhà nước buộc phải làm những gì pháp luật yêu cầu. Nghị định 72/2012 và Nghị định 15/2016 giao cho Sở VHTT Hà Nội trách nhiệm cấp phép và họ phải cấp phép khi người nộp hồ sơ đáp ứng quy định pháp luật.

“Việc Sở VHTT Hà Nội tuyên bố sẽ dừng chương trình đã cấp phép, và dừng cấp phép có thể ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của những người tổ chức các chương trình ca nhạc”, ông Đức đánh giá.

Cũng theo vị chuyên gia trẻ của VCCI, tất cả những thiệt hại của những người tổ chức chương trình bị tạm dừng hoặc từ chối cấp phép vì một lý do không có trong pháp luật này phải được bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Ông Đức phân tích thêm: “Nếu nhận thấy nguy cơ lớn từ việc sử dụng ma túy tại những buổi biểu diễn ca nhạc thì cơ quan nhà nước có thể bổ sung quy định về điều kiện cấp phép, điều kiện tổ chức biểu diễn, nhưng phải làm việc này thông qua sửa đổi pháp luật, chứ không phải một tuyên bố miệng của lãnh đạo”.