Không “chơi chung” với Trung Quốc và Pakistan, Ấn Độ rút khỏi cuộc tập trận ở Nga

VietTimes – Ấn Độ quyết định rút khỏi cuộc tập trận chỉ huy chiến lược “Kavkaz-2020, sẽ được tổ chức ở miền nam nước Nga vào tháng 9 tới. Các quan chức New Dehli cho biết họ đưa ra quyết định này sau khi cân nhắc nhiều yếu tố, trong đó có việc không muốn “chơi chung” với Bắc Kinh và Islamabad.
Ấn Độ đã thông báo rút khỏi cuộc tập trận chung của 20 nước ở Nga vào nửa cuối tháng 9 (Ảnh: Đa Chiều).
Ấn Độ đã thông báo rút khỏi cuộc tập trận chung của 20 nước ở Nga vào nửa cuối tháng 9 (Ảnh: Đa Chiều).

Theo báo Ấn Độ Hindustan Times ngày 30/8, khoảng 20 quốc gia bao gồm Trung Quốc và Pakistan dự kiến sẽ tham gia cuộc tập trận này. Hiện tại, các cuộc đàm phán giữa Ấn Độ và Trung Quốc nhằm tháo gỡ tình hình căng thẳng ở biên giới phía đông Ladakh đang lâm vào bế tắc. Quyết định rút lui của Ấn Độ được đưa ra dù Trung Quốc chưa chính thức tuyên bố tham gia cuộc tập trận này.

Cuộc tập trận này sẽ được tổ chức từ ngày 15 đến ngày 27/9 tại vùng Astrakhan, miền nam nước Nga. Quân đội Pakistan cũng có thể tham gia cuộc tập trận chung này. Đây là một phần trong chu kỳ tập trận 4 năm một lần của quân đội Nga.

Lính Nga và Trung Quốc tham gia tập trận chung "Liên hợp trên biển-2019" (Ảnh; Tân Hoa xã).
Lính Nga và Trung Quốc tham gia tập trận chung "Liên hợp trên biển-2019" (Ảnh; Tân Hoa xã).

Theo thông tin mới nhất từ hãng Nga Sputnik ngày 30/8, Bộ Quốc phòng Ấn Độ xác nhận đã từ bỏ việc tham gia cuộc tập trận chung "Kavkaz-2020" dự kiến tổ chức tại Nga vào tháng 9 năm nay.

Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết: "Nga và Ấn Độ là đối tác chiến lược thân thiết và có đặc quyền. Theo lời mời của Nga, Ấn Độ đã tham gia nhiều hoạt động quốc tế. Tuy nhiên, do dịch bệnh COVID-19 và những khó khăn trong việc đảm bảo hậu cần cho cuộc tập trận, Ấn Độ đã quyết định không cử lực lượng quân đội tới tham gia cuộc tập trận “Kavkaz-2020” năm nay và đã thông báo cho Nga”.

Một quan chức Ấn Độ đề nghị giấu tên cho biết quyết định không tham gia cuộc tập trận đa phương "Kavkaz-2020" được đưa ra sau khi Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Ấn Độ xem xét một số yếu tố.

Quan chức Ấn Độ nói rằng một yếu tố là dịch COVID-19. Việc không tham gia  cuộc tập trận mang tính tiếp xúc là để đảm bảo an toàn cho quân đội Ấn Độ. Thứ hai, dự kiến các quân đội Nam Ossetia và cũng  tham gia cuộc tập trận trong khi hai quốc gia này không được Ấn Độ công nhận, đây cũng là một nhân tố trong quyết định của Ấn Độ

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh thị sát các đơn vị ở biên giới Trung-Ấn (Ảnh: Twitter).
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh thị sát các đơn vị ở biên giới Trung-Ấn (Ảnh: Twitter).

Tháng 8/2008, Chính phủ Nga tuyên bố công nhận nền độc lập của Nam Ossetia và Abkhazia. Đại đa số các quốc gia thành viên Liên hợp quốc coi Abkhazia và Nam Ossetia là một phần của Gruzia. Các quan chức Ấn Độ cho rằng việc Ấn Độ tham gia các cuộc tập trận như vậy có thể làm nảy sinh một số vấn đề tế nhị về ngoại giao.

Ngoài ra, kể từ khi có thông tin đầu tiên nói Ấn Độ sẽ được mời cử một lực lượng đặc nhiệm ba quân chủng tham gia cuộc tập trận "Kapkaz-2020", ngày càng có nhiều chỉ trích về việc Ấn Độ có thể tham gia cuộc tập trận cùng với quân đội Trung Quốc và Pakistan.

Trang mạng The Print của Ấn Độ ngày 25/8 đưa tin, một nguồn tin quân sự Ấn Độ tiết lộ, quân đội Ấn Độ sẽ cử một đội quân khoảng 200 người tới Nga vào tháng 9 để tham gia cuộc tập trận chung "Kapkaz-2020". Ông này cũng nêu rõ, ngoài Ấn Độ, quân đội Trung Quốc và Pakistan cũng sẽ cử quân đội tham gia cuộc tập trận này.

Quân khu Tây Tạng (Trung Quốc) diễn tập thực binh ở gần biên giới với Ấn Độ hồi đầu tháng 8 (Ảnh: Tân Hoa xã).
Quân khu Tây Tạng (Trung Quốc) diễn tập thực binh ở gần biên giới với Ấn Độ hồi đầu tháng 8 (Ảnh: Tân Hoa xã).

Tờ Hindustan Times viết, Ấn Độ đã đối đầu với Trung Quốc dọc theo tuyến kiểm soát thực tế kéo dài trong suốt mấy tháng qua và các cuộc xung đột bạo lực ở Thung lũng Galwan vào ngày 15/6 đã dẫn đến cái chết của 20 binh sĩ Ấn Độ. Việc quân đội Ấn Độ tham gia cuộc tập trận có sự tham gia của quân đội Trung Quốc khiến dư luận đặt ra nhiều nghi ngại

Hiện tại, các cuộc đàm phán Trung-Ấn để giải quyết tranh chấp biên giới đang đi vào bế tắc và không đạt được bất cứ tiến triển nào. Tờ Hindustan Times ngày 20/8 đưa tin, trong các cuộc đàm phán ngoại giao gần đây, Ấn Độ và Trung Quốc đã không thể thu hẹp sự khác biệt của họ về quy trình cách ly tiếp xúc các lực lượng trên tuyến trước và hạ nhiệt tình hình căng thẳng trên đường kiểm soát thực tế (LAC).