Không chỉ Mỹ, Trung Quốc cũng đang dòm ngó Greenland

VietTimes -- Tổng thống Mỹ Donald Trump từng rất nhiều lần nêu ý tưởng mua lại Greenland. Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đã gọi ý tưởng này là "ngớ ngẩn", và làm dấy lên căng thẳng ngoại giao với Mỹ. Nhưng việc ông Trump hứng thú với Greenland chỉ là diễn biến mới nhất cho thấy tầm quan trọng địa chính của hòn đảo này. Nó thậm chí còn khiến Trung Quốc dòm ngó.
Greenland đã và đang bị nhiều quốc gia trên thế giới nhòm ngó do các lợi ích kinh tế và chiến lược (Ảnh: CNBC)
Greenland đã và đang bị nhiều quốc gia trên thế giới nhòm ngó do các lợi ích kinh tế và chiến lược (Ảnh: CNBC)

Giá trị chiến lược của Greenland có liên hệ chặt chẽ với các tuyến hàng hải mới ở Bắc Đại Tây Dương, được mở ra do các tảng băng lớn ở Cực Bắc tan chảy. Các tuyến hàng hải mới này đã giúp giảm rất nhiều thời gian di chuyển của tàu thuyền, đáng kể nhất là di chuyển qua kênh đào Panama hay Suez tỏa đi toàn thế giới.

Greenland, có dân số 58.000 người, là hòn đảo lớn nhất thế giới và 80% trong tổng diện tích 811.000 dặm vuông của nó bị bao phủ bởi băng tuyết. Cư dân sống trên đảo chủ yếu là người Đan Mạch, nhưng nó vẫn duy trì quyền tự trị kể từ năm 1979.

Cột trụ của nền kinh tế Greenland là ngư nghiệp và du lịch, nhưng hòn đảo này đã gây sự chú ý nhờ vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào - bao gồm than đá, kẽm, đồng, sắt và các khoáng sản quý hiếm. Đã có rất nhiều cuộc thám hiểm nơi đây để đánh giá về các nguồn tài nguyên quốc gia, nhưng số lượng cụ thể đến nay vẫn chưa được ước tính.

Trung Quốc, hiện đang trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, trước kia cũng từng muốn phát triển một "Con đường tơ lụa vùng Cực" đi qua các tuyến hàng hải ở Bắc Đại Tây Dương. Trung Quốc từng đề xuất xây dựng nhiều sân bay và cơ sở khai khoáng mới ở Greenland trong năm 2018, nhưng cuối cùng lại rút.

"Nếu Trung Quốc dồn lực đầu tư vào một quốc gia có tầm chiến lược quá quan trọng với các nước khác, họ sẽ có tầm ảnh hưởng ở đó" - Michael Sfraga, Giám đốc Viện vùng Cực tại Trung tâm Wilson, nói - "Nếu bạn đầu tư rất nhiều tiền vào một quốc đảo nhỏ, bạn có thể có tầm ảnh hưởng rất lớn ở đó".

Đan Mạch đã "công khai thể hiện quan ngại về lợi ích của Trung Quốc ở Greenland" - một báo cáo của Lầu Năm Góc đưa ra hồi đầu năm nay từng cảnh báo.

"Các cuộc nghiên cứu dân sự có thể giúp tăng cường hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Bắc Băng Dương, trong đó họ có thể triển khai các tàu ngầm trong khu vực nhằm ngăn chặn các đòn tấn công hạt nhân" - báo cáo có đoạn.

Greenland cũng là một vị trí đầy lợi thế đối với quân đội Mỹ. Mỹ và Greenland vốn đã có một thỏa thuận ký kết từ sau Thế chiến II cho phép Mỹ thiết lập các cơ sở quân sự trên hòn đảo này.

Căn cứ không quân Thule, căn cứ quân sự Mỹ ở vùng cực Bắc, đã đi vào hoạt động ở Greenland kể từ năm 1943 và sở hữu một hệ thống cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo cùng hệ thống theo dõi bằng vệ tinh.

Chính quyền Trump không phải chính quyền đầu tiên của Mỹ ngỏ ý muốn mua lại Greenland. Tổng thống Harry Truman vào năm 1946 từng đề xuất mua lại hòn đảo này với giá 100 triệu USD, trả bằng vàng. Năm 1867, Mỹ cũng từng đưa ra đề xuất tương tự.

Trong bối cảnh các siêu cường trên thế giới đang tìm cách đặt chân lên khu vực Bắc Đại Tây Dương và cùng Cực, giới chuyên gia cảnh báo rằng khu vực này có thể chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.

"Có nhiều cơ hội về kinh tế tương tự như Greenland trên khắp vùng Cực" - Heather A. Conley, người đứng đầu chương trình châu Âu tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (IISS), nói - "Khu vực này là nơi có các mỏ quặng sắt và kẽm lớn nhất thế giới, tuy nhiên việc khai thác luôn có giá của nó, đó là cái giá xét về môi trường và những người sinh sống ở đó".

Theo CNBC