Không bỏ lỡ cơ hội từ “cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư“

VietTimes -- Với cuộc cách mạng số, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các nền kinh tế sẽ không thể tăng trưởng chủ yếu dựa vào yếu tố truyền thống trước. Cách mạng số mang lại cơ hội, thách thức cho các quốc gia nên Việt Nam càng cần nhận thức đầy đủ những thách thức lớn sẽ phải đối mặt trong thời gian tới. 

Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển hạ tầng đồng bộ và phát triển nguồn nhân lực được xác định là giải pháp đột phá cho phát triển.
Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển hạ tầng đồng bộ và phát triển nguồn nhân lực được xác định là giải pháp đột phá cho phát triển.

Diễn đàn cấp cao CNTT – TT Việt Nam (Vietnam ICT Summit 2016) năm nay tập trung thảo luận  4 chủ đề chính gồm: Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp quốc gia; Phát triển hạ tầng CNTT; Xu hướng Internet kết nối vạn vật và thành phố thông minh; Phát triển nguồn nhân lực.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đây đều là những vấn đề Chính phủ đang rất quan tâm, trong đó phát triển hạ tầng đồng bộ và phát triển nguồn nhân lực được xác định là giải pháp đột phá cho phát triển.

Thủ tướng cho biết, nhân loại đang đứng trước cuộc cách mạng được dự báo sẽ thay đổi cơ bản cách thức chúng ta sống, làm việc và tương tác với nhau. Hàng loạt công nghệ mới mang tính đột phá đang xóa đi những ranh giới truyền thống của không gian vật lý, không gian sinh học, tạo tiền đề cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Sự phát triển bùng nổ của nền kinh tế số và xã hội thông tin sẽ làm biến đổi sâu sắc, nhanh chóng các hệ thống kết cấu hạ tầng xã hội và nền kinh tế toàn cầu; tác động mạnh mẽ, toàn diện lên mọi mặt đời sống của con người, từ hoạt động sản xuất đến lối sống, sinh hoạt, văn hóa ở tất cả các góc độ từ phạm vi toàn cầu đến mỗi quốc gia, từng tổ chức và từng cá nhân.

Nhanh hơn, quyết liệt hơn

Trong phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn cấp cao CNTT – TT Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2016 , Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: Cần phải hành động nhanh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa; tạo cuộc cách mạng trong ứng dụng công nghệ thông tin, tạo phương thức phát triển mới, nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia với 6 nội dung trọng tâm:

Một là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ cao và các công nghệ số trong mọi lĩnh vực kinh tế xã hội. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới thể chế pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; nâng nhanh cấp độ ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng Chính phủ điện tử, tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, tạo tiện lợi, văn minh cho người dân trong giao dịch với cơ quan Nhà nước và tiếp cận dịch vụ công; xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

 Hai là thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ trong mọi ngành, lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội; đầu tư nâng cao năng lực tiếp thu và làm chủ công nghệ nhất là các công nghệ mới theo xu hướng của cuộc cách mạng số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam thành trung tâm công nghiệp phần mềm, ứng dụng di động và Trung tâm dịch vụ an toàn bảo mật thông tin của thế giới.

Ba là thúc đẩy khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo, đưa Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp là con đường nhanh nhất để phát triển lực lượng doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ cao và tạo những nhân tố phát triển đột phá trong nền kinh tế số. Xóa bỏ mọi rào cản, khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân trở thành một động lực tăng trưởng quan trọng bậc nhất của nền kinh tế.

Bốn là phát triển nguồn nhân lực số, biến lợi thế “dân số vàng” thành lợi thế về năng lực số trong hội nhập và phân công lao động quốc tế. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ, tăng nhanh về số lượng và chất lượng đạt chuẩn quốc tế, bắt kịp với các xu hướng công nghệ. Việt Nam phải trở thành một trung tâm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế số thế giới.

Năm là từng bước xây dựng và phát triển các thành phố thông minh, đi đầu là các đô thị lớn Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ giải quyết những bức xúc xã hội về giao thông, y tế, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, môi trường,… đem lại môi trường sống văn minh, hiện đại, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Sáu là các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội cần nâng cao nhận thức về cuộc cách mạng số, đồng thời quyết liệt đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản trị hoạt động của mình. Đây phải được coi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu và là trách nhiệm cao nhất của người đứng đầu trong các cơ quan tổ chức của Nhà nước, từ Trung ương xuống địa phương.

Đóng góp thiết thực

Trong ngày làm việc Diễn đàn đã được nghe các các báo cáo chính của Diễn đàn về các cơ hội và thách thức của cuộc Cách mạng Số do Nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển trình bày, các báo cáo về xu hướng công nghệ của tập đoàn IBM, Microsoft, Amazon. Đặc biệt 4 phiên tọạ đàm của Diễn đàn về các chủ đề rất ra rất sôi nổi với nhiều ý kiến đóng góp rất thiết thực.

Quy trình sản xuất lý tưởng với sự kết hợp giữa con người và robot là mục tiêu của cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.
Quy trình sản xuất lý tưởng với sự kết hợp giữa con người và robot là một trong những mục tiêu của cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.

Tại cuộc tọa đàm đầu tiên với chủ đề “Cách mạng Số và Quốc gia khởi nghiệp” do PGS.TS Trương Gia Bình điều hành, các đại biểu đã chia sẻ nhiều ý kiến và đều khẳng định, để tận dụng được thời cơ từ Cách mạng Số, Việt Nam cần phải thay đổi tư duy về quản trị quốc gia phù hợp với xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Bên cạnh đó phải phát triển nền kinh tế số và xã hội thông tin; Thúc đẩy đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ; gắn kết nghiên cứu khoa học với đào tạo ĐH và trên ĐH. Đưa các Viện nghiên cứu phát triển về các trường Đại học. Cơ chế PPP trong đầu tư R&D; Đặc biệt, phải xây dựng Quốc gia khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo, đặt các vườn ươm khởi nghiệp tại trường đại học và hình thành Quỹ khởi nghiệp.

Cuộc tọa đàm thứ hai với chủ đề: “Cách mạng số và phát triển hạ tầng CNTT, đảm bảo an ninh mạng” do TS.Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông điều hành, các diễn giả đã thống nhất, muốn tận dụng tốt Cách mạng số, Việt Nam phải hiện đại hóa hạ tầng truyền thông (4G, 5G); Tiếp tục giảm khoảng cách số, bình đẳng cơ hội số. Về mặt an ninh mạng, phải xây dựng lực lượng chuyên trách xử lý khủng hoảng, trở thành lực lượng chuyên nghiệp (hacker mũ trắng) trong công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia.

Tại cuộc tọa đàm thứ 3 do GS.TSKH Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước điều hành với chủ đề “Phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh làn sóng công nghiệp lần thứ IV”, các diễn giả cũng thống nhất cần coi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai tại Việt Nam, sau tiếng Việt và đưa ra công thức: IT + English + Good Brain = All (Every things).

Đặc biệt, tại cuộc tọa đàm thứ 4 mang tên “Xu hướng IoT và Smart City”, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đã chia sẻ về kế hoạch xây dựng và phát triển thành phố thông minh, phục vụ người dân tốt hơn.  và nêu bật ý nghĩa của TPTM đối với phát triển kinh tế xã hội của UBND Tp. HCMC. UBND tp. Hà Nội cũng cho biết kế hoạch xây dựng thành phố thong minh song song cùng với chính quyền điện tử. Hà Nội sẽ có những trọng tâm và ưu tiên phát triển cho từng giai đoạn.

Diễn đàn Cấp cao công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit) - diễn đàn chính sách, công nghệ và hợp tác doanh nghiệp, do Hiệp hội phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức thường niên từ năm 2011, nhằm mục đích nâng cao nhận thức, chia sẻ tầm nhìn, định hướng phát triển và đề xuất các sáng kiến chính sách, giải pháp để phát triển, ứng dụng CNTT tạo lập phương thức phát triển mới, nâng năng lực cạnh tranh và hiện đại hóa đất nước trên mọi ngành, lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội.

Theo khẳng định của Chủ tịch Trương Gia Bình, sau khi Diễn đàn kết thúc, VINASA sẽ tổng hợp các ý kiến đóng góp, thảo luận tại Diễn đàn và tổng hợp thành báo cáo gửi Chính phủ cùng các bộ, ngành, cơ quan hữu quan theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.