Khối tài sản khủng của tập đoàn 'bí ẩn' nhất Việt Nam

Là một trong những tập đoàn kín tiếng, Vạn Thịnh Phát luôn khiến nhiều người phải tò mò về mức độ giàu có của tập đoàn này khi sở hữu những dự án "khủng".
Times Square nằm ngay sát tòa nhà Bitexco Finance. Chiều cao của Times Square lên tới gần 165m và là tòa nhà thứ 2 của TPHCM có sân đậu trực thăng trên sân thượng . Ảnh: vietnamnet.
Times Square nằm ngay sát tòa nhà Bitexco Finance. Chiều cao của Times Square lên tới gần 165m và là tòa nhà thứ 2 của TPHCM có sân đậu trực thăng trên sân thượng . Ảnh: vietnamnet.

Mới đây, nhất, tập đoàn này vừa UBND tỉnh tỉnh Long An chấp thuận về chủ trương cho phép đầu tư 16 dự án bất động sản trên địa bàn huyện Cần Giuộc.

Theo đó, các dự án đầu tư này gồm có 3 dự án đầu tư cụm công nghiệp, 7 khu dân cư thương mại dịch vụ và nhiều dự án nhà ở tái định cư, với tổng diện tích trên 1.500ha. Trước mắt để triển khai đầu tư và khai thác dự án, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát còn đề nghị đầu tư 3 tuyến đường chính của dự án: Đường Long Hậu – Tân Kim: đoạn từ KCN Long Hậu đến Quốc lộ 50; Đường Long Hậu – Tân Tập: đoạn từ cầu Rạch Dừa đến Đường tỉnh 830 (hương lộ 19 cũ) và Đường tỉnh 826C (hương lộ 12 cũ).

Dù chưa tiết lộ tổng mức đầu tư cho 16 dự án này nhưng quy mô của dự án này khiến nhiều người phải nể phục.

Không chỉ vậy, mới đây, tờ LATimes của Mỹ đã đăng tải hình ảnh và hết lời khen ngợi về khách sạn 6 sao The Reverie bên trong tòa nhà Time Square (TP.HCM) của Tập đoàn này.

Đây là khách sạn 6 sao duy nhất tại Sài Gòn với nội thất bên trong được thiết kế theo phong cách cổ điển châu Âu vô cùng sang trọng, hút mắt người xem với 286 phòng.

Đặc biệt, điều khiến nhiều người phải choáng ngợp là giá phòng thấp nhất tại khách sạn 6 sao này là 5,7 triệu đồng/đêm và cao nhất là... 320 triệu đồng/đêm.

Ngoài ra, tập đoàn này cũng sở hữu nhiều nhà hàng, khách sạn, cao ốc văn phòng, căn hộ như khách sạn thương mại An Đông, cao ốc căn hộ cao cấp Sherwood Residence,...

Theo website của Tập đoàn này, Vạn Thịnh Phát ra đời vào năm 1992 do Bà Trương Mỹ Lan thành lập với tên gọi Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát hoạt động ban đầu trong lĩnh vực thương mại và kinh doanh nhà hàng – khách sạn. Sau đó, Công ty đã mở rộng hoạt động sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Đến nay, Công ty đã lần lượt khai trương nhiều nhà hàng, khách sạn, cao ốc văn phòng và cao ốc căn hộ - tất cả đều đạt tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ cao, trong đó có hai công trình lớn là Khách sạn Thương mại An Đông - Windsor Plaza Hotel và Cao ốc căn hộ cao cấp Sherwood Residence. Ngoài ra, Công ty còn triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng khu dân cư, khu nghỉ dưỡng-du lịch…trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

Năm 2007 Công ty Vạn Thịnh Phát đã tham gia thành lập các công ty cổ phần có vốn đầu tư lớn là Công ty CP Đầu tư Vạn Thịnh Phát và Công ty CP Đầu tư An Đông, đồng thời hợp tác với Công ty CP Đầu tư Times Square Việt Nam và Công ty CP Tập Đoàn Sài Gòn Peninsula để hình thành nên nhóm các công ty liên kết chuyên đầu tư bất động sản.

Đặc biệt, dù là một đoàn có số vốn điều lệ "khủng" lên đến 12.800 tỷ đồng, cao hơn cả Vingroup của tỷ phú đôla Phạm Nhật Vượng (9.300 tỷ đồng) và Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức với mức lần lượt là 7.200 tỷ đồng, nhưng cái tên Vạn Thịnh Phát rất ít khi được truyền thông nhắc đến.

Một trong những sự kiện đầu tiên khiến cho Vạn Thịnh Phát bắt đầu được dư luận chú ý là vào hồi tháng 6/2013, doanh nghiệp này được cho là có liên quan đến nhóm cổ đông của ngân hàng Sài Gòn (SCB) và tập đoàn VIPD - đơn vị đã bỏ ra số tiền lên tới 10.000 tỷ đồng để mua lại tòa tháp Vincom Centre A (TP.HCM).

Tiếp đó, cái tên Vạn Thịnh Phát một lần nữa được truyền thông chú ý khi ái nữa của Tập đoàn này là Trương Huệ Vân kết hôn cùng nhạc sỹ Thanh Bùi hồi cuối năm 2013. Gia tộc giàu có của vợ chàng nhạc sỹ tài năng đã khiến giới truyền thông phải ngưỡng mộ.

Tuy nhiên, cái tên Vạn Thịnh Phát thực sự được chú ý khi tại phiên xét xử bị cáo Dương Tự Trọng ngày 7/1/2014, ông Dương Chí Dũng (anh trai Dương Tự Trọng, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam - Vinalines, nguyên Cục trưởng Cục Hàng Hải, Bộ GTVT) khai nhận 20 tỷ đồng để được làm dự án chuyển đổi công năng Cảng Sài Gòn của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (TP.HCM) do bà Trương Mỹ Lan làm chủ tịch.

Đến nay, Vạn Thịnh Phát được xếp vào hàng những công ty gia đình lớn và bí ẩn nhất Việt Nam, thông tin về những người chủ đều chỉ có một vài dòng ngắn gọn trên website, và gần như không tiếp xúc với giới truyền thông.

Theo VTC News