Khởi nguồn và diễn tiến cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung: chưa bao giờ hết nóng!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Các nhà phân tích chỉ ra rằng chương trình "Made in China 2025" của Bắc Kinh là khởi nguồn cho cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung. 
Cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung
Cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung

Mỹ và Trung Quốc hiện đang tham gia vào một cuộc chiến công nghệ toàn diện. Cuộc chiến bắt đầu dưới chính quyền Tổng thống Trump và đang tiếp tục dưới thời Tổng thống Joe Biden. Trên thực tế, ông Biden đã coi sự cạnh tranh giữa Mỹ với Trung Quốc là mặt trận quan trọng kể tự khi ông lên nắm quyền.

Cuộc chiến công nghệ bắt đầu như một tranh chấp thương mại, nhưng nhanh chóng biến thành cuộc chiến giành vị trí dẫn đầu trong các công nghệ cốt lõi như 5G, trí tuệ nhân tạo (AI) và chất bán dẫn.

Với lịch sử phát triển lâu đời, Mỹ vẫn là nhà lãnh đạo công nghệ toàn cầu trong nhiều thập kỷ, nhưng vị trí đó hiện đang bị thách thức bởi Trung Quốc.

Sau khi Washington bắt đầu ngăn chặn quyền truy cập của Trung Quốc vào các công nghệ cốt lõi do Mỹ kiểm soát như chất bán dẫn, Bắc Kinh đã tăng gấp đôi nỗ lực "khử Mỹ" trong chuỗi cung ứng của mình.

Đại dịch toàn cầu góp phần làm căng thẳng giữa hai quốc gia, khiến Tổng thống Biden phải ban hành lệnh hành pháp để xem xét lại chuỗi cung ứng của Mỹ đối với các sản phẩm cốt lõi như chip, pin, đất hiếm và vật tư y tế.

Các dự luật đề xuất tăng đáng kể khoản đầu tư của Mỹ và chi tiêu cho R&D trong lĩnh vực công nghệ cốt lõi cũng đã nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng ở Washington.

Cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung - một cuộc xung đột mà đến thời điểm này dường như vẫn chưa có hồi kết.

Điều gì đã gây ra cuộc chiến công nghệ?

Ngày 19/5/2015, chính quyền Trung Quốc đã công bố kế hoạch “Made in China 2025” nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất nước này trong vòng 10 năm tới.
Ngày 19/5/2015, chính quyền Trung Quốc đã công bố kế hoạch “Made in China 2025” nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất nước này trong vòng 10 năm tới.

Các nhà phân tích chỉ ra chiến lược "Made in China 2025", kế hoạch 10 năm của Bắc Kinh để chuyển đất nước từ một "gã khổng lồ sản xuất thành cường quốc sản xuất thế giới" đã khơi mào cho cuộc chiến công nghệ.

Sau khi nắm quyền Nhà Trắng, Donald Trump tập trung nỗ lực ngăn Trung Quốc trở thành nhà lãnh đạo công nghệ toàn cầu.

Một loạt các sự kiện từ lệnh trừng phạt áp đặt lên gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc ZTE vì che đậy vai trò của mình trong việc bán công nghệ của Mỹ cho Iran, cáo buộc Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ và lo ngại về sự thống trị của Huawei trong công nghệ 5G đã biến thành một cuộc chiến công nghệ rộng lớn giành được sự ủng hộ của lưỡng đảng tại Mỹ.

Sự khác biệt giữa chiến tranh thương mại và chiến tranh công nghệ là gì?

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bắt đầu vào ngày 6/7/2018, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt mức thuế 25% đối với 34 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, với lý do cần phải "tái cân bằng" thâm hụt thương mại ngày càng tăng của Mỹ với Trung Quốc. Các mức thuế khác đã được áp dụng trong năm 2018 và 2019.

Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại sớm bị lu mờ bởi cuộc chiến công nghệ do Mỹ lo ngại rằng Trung Quốc đang sử dụng các phương tiện không công bằng, bao gồm quyền lực nhà nước và đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ, để đạt được mục tiêu trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu về các công nghệ cốt lõi như AI, chất bán dẫn và 5G.

Mỹ có thực sự tách được các xưởng sản xuất khỏi Trung Quốc?

Trong những thập kỷ sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001, nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc trở nên gắn bó với nhau. Trung Quốc là xưởng sản xuất hàng giá rẻ của Mỹ, từ máy tính đến đồ chơi nhồi bông.

Chính sách "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Donald Trump và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã dấy lên những lời kêu gọi Mỹ giảm bớt sự phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng có trụ sở tại Trung Quốc.

Ban đầu, việc rút khỏi Trung Quốc bị bác bỏ là không thực tế vì nguồn lực lao động giá rẻ và thị trường Trung Quốc quá lớn khiến các công ty Mỹ không thể bỏ qua.

Tuy nhiên, một hình thức tách biệt đã nhận được sự ủng hộ của chính quyền Mỹ, ngay cả từ các nhà lãnh đạo công nghệ như cựu Giám đốc điều hành Google Eric Schmidt cũng nói rằng "tách đôi" sẽ có lợi cho Hoa Kỳ.

Khái niệm "tách đôi" đã tồn tại trong không gian internet khi Facebook và Google không được phép vận hành mạng xã hội và công cụ tìm kiếm ở Trung Quốc, trong khi đó Mỹ cũng cấm hoặc hạn chế sự hiện diện các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc như TikTok và WeChat tại Mỹ.

Đại dịch toàn cầu làm nổi bật sự phụ thuộc của thế giới vào Trung Quốc đối với các nguồn cung cấp y tế quan trọng như khẩu trang và cũng thúc đẩy các lời kêu gọi đưa chuỗi cung ứng trở lại Mỹ. Vào tháng 2, Tổng thống Joe Biden đã ký một lệnh hành pháp kêu gọi xem xét lại các chuỗi cung ứng sản phẩm quan trọng đối với chip, pin, thành phần dược phẩm và khoáng sản đất hiếm.

Trung Quốc đang làm gì để cải thiện ảnh hưởng từ các hành động của Mỹ?

Trung Quốc chú trọng phát triển công nghệ riêng mình, đặc biệt là chip.

Trung Quốc chú trọng phát triển công nghệ riêng mình, đặc biệt là chip.

Mặc dù lúc đầu Trung Quốc áp đặt thuế quan để trả đũa, nhưng lời kêu gọi hành động của giới lãnh đạo cao nhất là tự cung cấp công nghệ. Năm 2018, Chủ tịch Tập Cận Bình nói "Trung Quốc phải kiên định con đường tự cường trong bối cảnh chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng trong thế giới hiện nay".

Sau khi Huawei bị chặn mua chip của Mỹ và tập đoàn sản xuất chất bán dẫn lớn nhất Trung Quốc SMIC bị hạn chế mua công nghệ của Mỹ vì cáo buộc liên kết với quân đội Trung Quốc, Bắc Kinh đã tăng cường tập trung vào việc đạt được khả năng tự cung cấp chất bán dẫn.

Chính phủ Trung Quốc đã hỗ trợ ngành chip trong nước với chính sách thuận lợi, từ các khoản giảm thuế đến trợ cấp của nhà nước để thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp bán dẫn.

Công nghệ cũng là một trọng tâm chính của Trung Quốc trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025) được công bố vào tháng 3, kêu gọi đẩy mạnh các ngành công nghiệp kỹ thuật số mới, bao gồm AI, dữ liệu lớn, blockchain và điện toán đám mây, cùng với việc mở rộng việc sử dụng 5G cho nhiều ngành khác như vận tải thông minh và hậu cần.

Tại sao Mỹ lại nhắm mục tiêu cụ thể vào Huawei bằng các lệnh trừng phạt thương mại?

Mối quan tâm của Washington đối với Huawei có từ đầu những năm 2000 do nghi ngờ rằng công ty Trung Quốc có quan hệ chặt chẽ với chính quyền Bắc Kinh. Nhiều năm sau, sự nổi lên của Huawei với tư cách là nhà lãnh đạo toàn cầu về công nghệ 5G đã gióng lên hồi chuông cảnh báo ở Washington.

Một trong những động thái công khai đầu tiên chống lại công ty Trung Quốc này diễn ra vào tháng 1/2018 khi các nhà lập pháp Mỹ gây áp lực buộc tập đoàn viễn thông khổng lồ AT&T của Mỹ rút khỏi thỏa thuận phân phối điện thoại thông minh Huawei cho người tiêu dùng Mỹ. Bảy tháng sau quyết định của AT&T, Washington đã cấm các cơ quan chính phủ mua thiết bị và dịch vụ từ công ty Trung Quốc.

Khi Huawei bị đưa vào Danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ năm 2019, Google đã đình chỉ một số mảng kinh doanh với Huawei có liên quan đến chuyển giao các sản phẩm phần cứng hay phần mềm, ngoại trừ những sản phẩm được bảo vệ bởi giấy phép nguồn mở. Đây lại là "cú tát" nữa giáng vào tập đoàn công nghệ Trung Quốc.

Đối với chính phủ Trung Quốc, Huawei là niềm tự hào, là minh chứng cho sức mạnh và tiềm năng của người Trung Quốc. Chỉ trong vòng 3 thập kỷ, kể từ khi được thành lập năm 1987 bởi Nhậm Chính Phi, Huawei đã có những bước phát triển có thể nói là "thần kỳ". Từ một công ty tập trung sản xuất các thiết bị chuyển mạch điện thoại, Huawei đã trở thành một trong những công ty tư nhân lớn nhất thế giới, là cái tên đi đầu trong các lĩnh vực như thiết bị viễn thông, smartphone, điện toán đám mây.

Các biện pháp trừng phạt có tác động gì đến Huawei?

Ban đầu, các lệnh trừng phạt dường như không ảnh hưởng nhiều đến Huawei, công ty đã báo cáo doanh thu kỷ lục 858,8 tỉ nhân dân tệ trong năm 2019, tăng 19,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Huawei cũng nhanh chóng tiết lộ một hệ điều hành tự phát triển có tên HarmonyOS nhằm thay thế Google Android.

Tuy nhiên, sau khi Washington mở rộng phạm vi trừng phạt vào tháng 5/2020, yêu cầu các nhà sản xuất chip nước ngoài sử dụng công nghệ của Mỹ, trong đó có TSMC và MediaTek của Đài Loan, phải xin giấy phép bán chip cho Huawei, gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc dường như lại rơi vào tình thế khó khăn.

Ảnh hưởng lớn nhất là đối với hoạt động điện thoại thông minh của Huawei. Do thiếu chất bán dẫn cao cấp, Huawei phải bán mảng kinh doanh điện thoại thông minh Honor cho một tập đoàn mới thành lập bao gồm hơn 30 đại lý và nhà mạng.

Trong quý I/2021, Huawei đã bị "đá văng" ra khỏi top 5 hãng smartphone lớn nhất thế giới về mặt doanh số.

Do nguồn dự trữ linh kiện điện thoại thông minh ngày càng giảm và mảng kinh doanh của Honor không còn nữa, Huawei sẽ còn phải đối mặt với nhiều áp lực hơn trong mảng điện thoại thông minh.

Nhiều công ty công nghệ Trung Quốc lọt vào tầm ngắm của Mỹ

Các ứng dụng phổ biến của Trung Quốc có nguy cơ bị cấm tại Mỹ. Ảnh: The Economic Times.
Các ứng dụng phổ biến của Trung Quốc có nguy cơ bị cấm tại Mỹ. Ảnh: The Economic Times.

Vào tháng 10/2019, Bộ Thương mại Hoa Kỳ thêm 28 công ty khác của Trung Quốc vào danh sách đen thương mại về việc Bắc Kinh bị cáo buộc vi phạm nhân quyền đối với tộc người Duy Ngô Nhĩ.

Vào tháng 5/2020, hơn 20 tổ chức chính phủ và các công ty Trung Quốc, bao gồm cả công nghệ phần mềm khổng lồ Qihoo 360, đã bị xử phạt vì "hỗ trợ mua sắm các mặt hàng cho mục đích quân sự ở Trung Quốc".

Các biện pháp trừng phạt gần đây nhất của Mỹ liên quan đến bảy thực thể phát triển siêu máy tính của Trung Quốc bị đưa vào danh sách đen vì lo ngại về an ninh quốc gia.

Francis Lau, Giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Hồng Kông, cho biết các siêu máy tính của Trung Quốc chủ yếu sử dụng CPU của Intel, AMD và IBM. "Lệnh trừng phạt chắc chắn sẽ ảnh hưởng đáng kể đến khả năng giữ vị trí hàng đầu về siêu máy tính của Trung Quốc, vì hầu hết thành phần trong các siêu máy tính của họ hiện nay đều do Mỹ chế tạo. Mặc dù sẽ có những lựa chọn thay thế từ các quốc gia khác như Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng thành phần của Mỹ vẫn là tốt nhất", Giáo sư Lau nói.

Liệu cuộc chiến công nghệ sẽ có gì khác biệt dưới thời chính quyền Biden?

Tổng thống Mỹ Joe Biden cầm một con chip bán dẫn khi ông phát biểu trước khi ký lệnh hành pháp, nhằm giải quyết tình trạng thiếu chip bán dẫn toàn cầu tại Nhà Trắng. Ảnh: REUTERS
Tổng thống Mỹ Joe Biden cầm một con chip bán dẫn khi ông phát biểu trước khi ký lệnh hành pháp, nhằm giải quyết tình trạng thiếu chip bán dẫn toàn cầu tại Nhà Trắng. Ảnh: REUTERS

Nói một cách ngắn gọn là không. Sau nhiệm kỳ của ông Donald Trump, Tổng thống Biden đã tiếp tục gây áp lực lên công nghệ Trung Quốc và đặc biệt là với trường hợp của Huawei.

Vào tháng 3, Bộ Thương mại Mỹ đã hạn chế hơn nữa sản phẩm các công ty Mỹ có thể bán cho Huawei, với các lệnh cấm rõ ràng hơn đối với việc xuất khẩu các thành phần như chất bán dẫn, ăng-ten và pin có thể được sử dụng trong thiết bị Huawei 5G.

Một ngày sau, Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ đã chỉ định 5 công ty công nghệ Trung Quốc, bao gồm Huawei, ZTE, Hytera Communications, Hikvision và Dahua, là "rủi ro không thể chấp nhận được" đối với an ninh Mỹ.

Đối với Huawei, các nhà phân tích tin rằng Tổng thống Biden có thể đưa ra chính sách hiệu quả hơn người tiền nhiệm trong việc hạn chế tham vọng 5G toàn cầu của Huawei bằng cách tiếp cận thân thiện hơn với các đối tác quốc tế ở châu Âu và các nơi khác. Điều đó có thể hiệu quả hơn trong việc cô lập công ty Trung Quốc.

Bên cạnh các biện pháp trừng phạt đối với các công ty công nghệ riêng lẻ của Trung Quốc, Tổng thống Biden cũng đã cam kết tăng hơn gấp đôi số tiền đầu tư vào khoa học và công nghệ, tập trung vào các lĩnh vực như AI và điện toán lượng tử.

Kế hoạch trị giá 2 nghìn tỉ USD đầy tham vọng của Tổng thống Biden nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng của Mỹ bao gồm khoản đầu tư ước tính 50 tỉ USD để giúp nước này bớt phụ thuộc vào chip sản xuất ở nước ngoài.

Theo Southern China Morning Post