"Khó chịu" với trạm thu phí BOT Phước Tượng-Phú Gia!

VietTimes -- "Chúng tôi không dùng sao chúng tôi phải trả, họ làm như chuyện đã rồi, để tận thu, để chăm chăm lợi ích của họ khi đặt trạm thu phí qua hầm Phước Tượng-Phú Gia tại vị trí này!"- Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cảng Chân Mây nói.
Bất chấp dư luận, ngày 12/8, BOT Phước Tượng-Phú Gia vẫn “tận thu“ khi đưa trạm thu phí vào hoạt động
Bất chấp dư luận, ngày 12/8, BOT Phước Tượng-Phú Gia vẫn “tận thu“ khi đưa trạm thu phí vào hoạt động

Không dùng sao phải trả phí?

Trong thời gian qua, mặc dù dư luận đã lên tiếng việc Công ty Cổ phần BOT Phước Tượng- Phú Gia xây dựng trạm thu phí tại ngay cửa ngõ phía Nam dẫn vào Thị trấn Lăng Cô (T.T.Huế) là bất hợp lý, theo kiểu "tận thu", hành xử vụ việc như chuyện đã rồi,...khiến không chỉ doanh nghiệp, người dân sinh sống tại khu vực Lăng Cô chịu thiệt mà cả các doanh nghiệp có tuyến vận chuyển đi lại Lăng Cô về phía nam bức xúc.

Theo đơn kiến nghị tập thể của một loạt các doanh nghiệp như Chi nhánh công ty Tân Hồng, Saigon Tourist, Hue Tourist, công ty vận tải Hùng Đạt, hiệp hội doanh nghiệp T.T.Huế,... thì việc Cổ phần BOT Phước Tượng- Phú Gia lắp đặt trạm thu phí cách của hầm Phú Gia hơn 10km đã gây khó khăn cho phương tiện vận tải từ Cảng Chân Mây vào phía Nam và ngược lại chịu đóng phí vô lý, dù trên thực tế không đi quan hầm. "Tình trạng này gây nên bức xúc cho các doanh nghiệp vận tải hàng hóa, hành khách, làm giảm sức cạnh tranh và ảnh hưởng đến thu ngân sách tỉnh". Chính vì vậy, các doanh nghiệp đồng loạt yêu cầu UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xem xét, đảm bảo sự công bằng "có sử dụng thì phải trả phí, không sử dụng thì không phải trả"- văn bản nêu rõ.

BOT, Phú Gia-Phước Tượng, trạm thu phí, tận thu, bức xúc, Lăng Cô, VietTimes
Các doanh nghiệp không qua hầm Phước Tượng- Phú Gia nhưng vẫn phải gồng lưng trả phí

Tuy vậy, ngày 12/8, Công ty Cổ phần BOT Phước Tượng- Phú Gia vẫn bất chấp dư luận, tiến hành đưa thu phí tại trạm thu phí này đi vào hoạt động càng khiến người dân và doanh nghiệp thêm bức xúc. Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Cảng Chân Mây cho biết: "Cái trạm thu phí đặt cách xa cửa hầm Phước Tượng-Phú Gia cả chục cây số, áng ngữ trên con đường gần như độc đạo dẫn vào thị trấn Lăng Cô đã cho thấy ý đồ của họ rồi".

"Quan điểm của chúng tôi là mình dùng gì mình trả nấy, không dùng thì không phải trả. Trong khi chúng tôi không dùng, không đi qua hầm, nhưng BOT Phước Tượng- Phú Gia vẫn bắt chúng tôi và đối tác của cảng phải trả là chuyện rất phi lý. Nhiều người nói chúng tôi nên kiến nghị, xin cơ chế hỗ trợ đối với việc này và điều này càng vô lý. Bởi chúng tôi cùng là doanh nghiệp, chúng tôi bình đẳng với nhau. Sao doanh nghiệp chúng tôi phải đi xin một doanh nghiệp khác trong khi họ làm bất hợp lý, chỉ chăm chăm lợi ích của họ. Hàng năm, chúng tôi đón khoảng 50-60.000 lượt khách đến cảng đi về phía nam, nhất là khách nước ngoài đi bằng tàu biển đi vào Đà Nẵng, Hội An chiếm đến 70-90% lượng khách. Họ làm như vậy thì ai đến cảng Chân Mây nữa đây!"- ông Thọ nói.

Theo vị Chủ tịch HĐQT doanh nghiệp này thì hoạt động chính của doanh nghiệp là kinh doanh dịch vụ cảng, chi phí cảng rẻ thì khách hàng mới đến, còn chi phí đắt quá thì họ bỏ đi. "Anh thử nghĩ xem, phí xếp dỡ đối với thép chỉ 22.000-24.000 đồng/tấn, thì phí qua trạm đã 18.000-20.000 đồng/tấn, gần bằng với phí xếp dỡ thì làm sao còn lời. Tăng giá thì làm sao cạnh tranh. Từ khi thông tin trạm này đi vào hoạt động, chúng tôi đã mất một loạt các hợp đồng với các đối tác phía nam"- ông Nguyễn Hữu Thọ chua chát nói.

Việc lắp đặt trạm thu phí tại vị trí hiện tại không chỉ gây khó cho Cảng Chân Mây trong khai thác dịch vụ hàng hóa qua cảng mà còn ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp sử dụng dịch vụ cảng này đi về phía nam. "Theo tôi được biết, năm nay là năm doanh nghiệp của tỉnh Thừa Thiên Huế cùng hướng phát triển dịch vụ cảng biển. Nhưng cái trạm thu phí này đã kéo lùi chủ trương này lại phía sau khi coi lợi ích của một doanh nghiệp trên lợi ích của các doanh nghiệp khác và nhất là người dân tại thị trấn Lăng Cô"- ông C. một doanh nghiệp giấu tên nói.

BOT, Phú Gia-Phước Tượng, trạm thu phí, tận thu, bức xúc, Lăng Cô, VietTimes
Từ 12/8, không chỉ doanh nghiệp, người dân không đi qua hầm Phú Gia-Phước Tượng cũng bị "móc túi" một cách vô lý

Trước sự việc, Cảng Chân Mây cùng nhiều doanh nghiệp khác đã làm đơn kiến nghị tập thể gửi lên tỉnh Thừa Thiên Huế và các cơ quan liên quan yêu cầu BOT Phước Tượng-Phú Gia di dời trạm thu phí đi nơi khác, đặt ở vị trí hợp lý hơn. 

Phải dời trạm đến gần hầm thu phí!

Theo phản ánh của người dân, việc đặt trạm thu phí không chỉ ảnh hưởng với những hộ dân, doanh nghiệp đóng trên địa bàn thị trấn Lăng Cô mà còn ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp, cá nhân ở phía nam đến và đi Lăng Cô cũng như các hoạt động tại thị trấn này. Nhất là hoạt động du lịch, vận tải, khai thác dịch vụ cảng tại Cảng Chân Mây,... "Tôi ở Đà Nẵng, có gia đình họ hàng ở Lăng Cô, tôi về đây có đi qua hầm Phú Gia và Phước Tượng đâu mà phải trả. Cứ mỗi lần về quê thì mất 2 lượt phí đến gần 100.000 đồng thì quá vô lý. Vậy mà không hiểu vì lý do gì mà các cơ quan lại "lờ đi" để Công ty BOT Phú Gia-Phước Tượng đưa trạm thu phí này vào hoạt động, bất chấp những bất cập, hệ lụy và phản ứng của dư luận đưa ra"- anh Hưng, một người dân nói.

BOT, Phú Gia-Phước Tượng, trạm thu phí, tận thu, bức xúc, Lăng Cô, VietTimes
Dư luận yêu cầu trạm thu phí BOT Phú Gia-Phước Tượng dời đi nơi khác vì điểm đặt bất hợp lý

Bức xúc trước cách hành xử của Công ty BOT Phước Tượng-Phú Gia. Một chủ doanh nghiệp vận tải nói: "Trạm thu phí Phú Bài là một bài học nhãn tiền khi dư luận lên tiếng. Họ đã sửa sai và phải sau 5 lần di chuyển đến nay mới ở yên tại vị trí đó thì tại sao trạm BOT Phú Gia-Phước Tượng với những vô lý như vậy vẫn ngang nhiên tận thu như chẳng có chuyện gì xảy ra! Họ làm như chuyện đã rồi là không được vì ngay từ đầu, khi họ bắt đầu xem xét đặt trạm là chúng tôi và người dân đã có ý kiến".

"Họ vin vào cớ cự ly này nọ là không được, vì nếu chiếu theo quy định thì trạm này phải đẩy vào tận Đà Nẵng mới gọi là đúng cự ly. Nhưng trạm thu phí thì phải thu đúng và thu đủ với những gì họ đã bỏ ra đầu tư, chứ không thể hầm một nơi mà thu một nẻo như vậy. Chúng tôi kiến nghị thì cứ kiến nghị, họ nhận đó rồi để đó, trạm thì cứ thu phí như vậy là không được"- vị chủ doanh nghiệp này nói tiếp.
"Tại sao trạm thu phí Phú Bài phải 5 lần di chuyển mới nhận được đồng thuận mà trạm này lại có thể ung dung tận thu như vậy? Theo tôi nghĩ, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ ngành trung ương cần có cách ứng xử thấu tình đạt lý, công bằng lợi ích giữa các doanh nghiệp chứ không thể để họ áp đặt như vậy"- một chủ doanh nghiệp khác bức xúc nói.

Và trước đó, ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô cũng đã thừa nhận việc đưa trạm thu phí này sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của thị trấn do đa phần khách du lịch đến Lăng Cô để ăn uống, nghỉ dưỡng là từ Đà Nẵng ra. Bên cạnh đó, việc đặt trạm tại vị trí này không chỉ gây bất lợi nhiều cho thị trấn Lăng Cô mà cả hoạt động cảng biển và dịch vụ phụ trợ tại Cảng Chân Mây trong thời gian tới.

BOT, Phú Gia-Phước Tượng, trạm thu phí, tận thu, bức xúc, Lăng Cô, VietTimes
Các doanh nghiệp đồng loạt yêu cầu UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xem xét, đảm bảo công bằng "có sử dụng thì phải trả phí, không sử dụng thì không phải trả"

Để tìm hiểu thông tin 2 chiều, ngày 15/8, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Trạm thu phí BOT Phước Tượng-Phú Gia cho biết: "Sau khi có ý kiến phản ánh của người dân, chúng tôi đã phối hợp cùng cơ quan công an lập danh sách miễn phí qua trạm cho 179 phương tiện trên địa bàn thị trấn Lăng Cô. Riêng đối với các phương tiện khác ra vào Lăng Cô, chúng tôi không nắm mà lãnh đạo Công ty sẽ trả lời vấn đề này.

Hiện công tác thu phí qua trạm chúng tôi vẫn thực hiện theo đúng Thông tư, Nghị định của cơ quan chức năng. Và nếu có chỉ đạo gì khác chúng tôi sẽ thông tin sau".

Cùng ngày, ông Phạm Công Hưng, Tổng giám đốc Công ty BOT Phước Tượng- Phú Gia cho biết:"Đối với người dân địa phương thì họ đã đồng thuận. Còn lại chúng tôi chưa nhận được công văn, kiến nghị gì từ phía chính quyền địa phương cũng như doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, vấn đề trả lời đối với các ý kiến của các doanh nghiệp này tôi không trả lời qua điện thoại".