Khi sự cực đoan lên tiếng

Không chỉ nước Pháp mà cả thế giới rúng động, bàng hoàng trước thảm kịch diễn ra trong một buổi trưa giữa Pa-ri yên bình.Cuộc thảm sát diễn ra chỉ trong vòng 5 phút.
Cảnh sát Pháp chuyển nạn nhân bị thương trong vụ tấn công. (Nguồn: TTXVN).
Cảnh sát Pháp chuyển nạn nhân bị thương trong vụ tấn công. (Nguồn: TTXVN).

Những tay súng bịt mặt đã đe dọa, bắt một nữ họa sĩ cùng cô con gái phải nhập mã an ninh mở cửa tòa soạn tờ Charlie Hebdo, một trong những tờ tuần báo biếm họa gây nhiều tranh cãi, nằm trên phố Ni-cô-la Áp-pớt ngay trung tâm thủ đô Pa-ri. Sau khi mở được cửa, các tay súng tiểu liên lao vào trong tòa soạn, thậm chí còn hỏi tên từng người trước khi xả súng bắn chết 12 nạn nhân.

Rúng động, bởi vì đây có thể coi là vụ thảm sát lớn nhất ở nước Pháp kể từ năm 1961, trong thời gian diễn ra cuộc chiến tranh ở An-giê-ri.

Bàng hoàng, bởi đã có tới 12 người bị giết chết trong vụ tấn công đẫm máu này. Trong số các nạn nhân, có ít nhất 4 họa sĩ nằm trong số những nhà biếm họa hàng đầu của nước Pháp. Đó là Tổng biên tập kiêm họa sĩ Xtê-phan Xác-bô-ni-ơ (Stephane Charbonier-bút danh Charb); Giăng Ca-bu (Jean Cabut-bút danh Cabu); Gioóc Vô-lin-xki (George Wolinski); Béc-na Vơ-hát (Bernard Verlhac-bút danh Tignous).

“Ký tên” dưới tác phẩm đẫm máu này là một “tác giả” quen thuộc: Al-Qaeda. Chính xác hơn thì có thể là chi nhánh Al-Qaeda ở Y-ê-men, khi một số nhân chứng có mặt tại hiện trường vụ thảm sát cho biết, những kẻ tấn công đã nói với một nhân chứng rằng: “Hãy nói với truyền thông bọn tao là Al-Qaeda ở Y-ê-men”.

Nhà chức trách Pháp đã ngay lập tức thiết lập tình trạng báo động cao trên toàn nước Pháp và ở thủ đô Pa-ri. Đã có những thông tin ban đầu về việc bắt giữ cũng như tiêu diệt một số nghi phạm.

Câu hỏi đầu tiên đặt ra lúc này là liệu có chăng những lỗ hổng an ninh chết người trong hệ thống các cơ quan bảo vệ luật pháp của Pháp, khiến cho những kẻ khủng bố hoặc cực đoan có thể (hoặc sẽ) tận dụng để tấn công, gây nên những thảm kịch khác hay không?

Và phải chăng, vấn đề chỉ nằm ở những lỗ hổng an ninh, hay còn nằm ở những nơi nào khác nữa?

Đây không phải là lần đầu tiên tờ tuần báo biếm họa Charlie Hebdo bị tấn công. Năm 2011, Tổng biên tập Xtê-phan Xác-bô-ni-ơ bị dọa giết, trụ sở tòa soạn tờ báo bị tấn công bằng bom xăng khi vẽ hình nhà tiên tri Mô-ha-mét (Mohammed) của người Hồi giáo trên trang bìa và gọi nhà tiên tri này là “Tổng biên tập” của chính tờ biếm họa này!

Nhưng có lẽ đó mới chỉ là những hình biếm họa tương đối “hiền lành’ của tờ Charlie Hebdo về chủ đề liên quan đến Hồi giáo. Nếu theo dõi hàng loạt các biếm họa trên tờ tuần báo này, mới thấy chủ đề liên quan đến Hồi giáo nhiều khi được thể hiện dưới những hình thức cực kỳ gây sốc với nhiều người, thậm chí ngay cả đối với những người không phải là tín đồ Hồi giáo.

Các họa sĩ của tờ Charlie Hebdo không chỉ giới hạn trong chủ đề Hồi giáo. Có thể đối với họ, không có bất cứ một đề tài cấm kỵ nào, không có bất cứ một giới hạn nào là không thể vượt qua. Cả cựu Tổng thống lẫn Tổng thống đương nhiệm, cả Giáo hoàng lẫn người Do Thái đều có thể trở thành đối tượng châm biếm của Charlie Hebdo. Các họa sĩ biếm của tờ báo có thể dùng nét vẽ cùng những lời thuyết minh cực sốc để châm biếm sâu cay, độc địa về phụ nữ, về chính trị gia theo đường lối cực hữu Le Pen hay về đủ mọi thứ thói hư tật xấu của bản thân người Pháp.  

Nhưng khi đùa cợt với những đề tài vô thưởng vô phạt, chỉ liên quan đến nội bộ nước Pháp, người Pháp hoặc thậm chí cả những đề tài được coi là cấm kỵ nhưng vẫn có sự liên quan mật thiết đến văn hóa phương Tây (và do đó, có thể nhận được sự thông hiểu từ phía các đối tượng bị châm biếm), thì tờ Charlie Hebdo vẫn an toàn, dù đã một lần phải đóng cửa và đổi tên hồi những năm 70 của thế kỷ trước.

Còn khi những bức biếm họa cùng lời bình giễu cợt liên quan đến tôn giáo khác, cụ thể là Hồi giáo, thì đó đã là sự đùa bỡn chết chóc.

Bởi vì nhiều tín đồ Hồi giáo không coi đó là những lời đùa bỡn. Họ coi đó là sự báng bổ, là những hành vi gây hấn tôn giáo.

Các họa sĩ của tờ Charlie Hebdo cũng như rất nhiều người ủng hộ tin tưởng rằng, hoạt động của tờ báo nằm trong khuôn khổ của tự do ngôn luận, một trong những giá trị căn bản của xã hội văn minh.

Nhưng đối với một số phần tử Hồi giáo cảm thấy bị xúc phạm bởi những biếm họa trên tờ Charlie Hebdo thì tờ báo này cũng đại diện cho một sự cực đoan báo chí.

Khi không có những phương tiện truyền thông để đối chọi lại, sự lựa chọn là cực đoan bạo lực.

Năm 2011, tờ Charlie Hebdo mới chỉ bị tấn công bằng bom xăng khiến trụ sở tòa soạn cháy trụi. Nhưng vụ tấn công trưa 7-1 vừa qua vào tờ báo đã gây thương vong lớn về người, khiến cộng đồng quốc tế kinh hoàng.

Mọi hành động khủng bố phải bị lên án; những kẻ thủ ác phải bị trừng phạt trước công lý.

Vụ tấn công gióng lên một tiếng chuông cảnh báo nghiêm trọng, không chỉ về những lỗ hổng an ninh, mà còn về chủ nghĩa khủng bố, đã kịp điều chỉnh để thích nghi với các hoạt động chống khủng bố trên diện rộng, ở cấp độ toàn cầu. Giờ đây, chúng không hành động theo mệnh lệnh từ một trung tâm đầu não nào đó, mà đôi khi chỉ lấy cảm hứng từ các hành vi, các biểu tượng của chủ nghĩa khủng bố và do vậy, rất khó đoán định, tiên liệu trước để phòng ngừa.

Vụ tấn công cũng đặt ra những câu hỏi không dễ trả lời, buộc người ta phải suy ngẫm về việc có thể đi xa đến đâu trong tự do ngôn luận, tự do báo chí cũng như trong khi tôn trọng những giá trị phổ quát thì cũng đồng thời tôn trọng với các giá trị khác biệt trong một thế giới đang đổi thay.

VĂN YÊN

Theo: QĐND Online