Khi ông Trump 'tổng lực' tấn công TikTok

Người dân Mỹ đang đứng giữa cuộc chiến giữa chính quyền ông Trump và ứng dụng quay video nổi tiếng TikTok.

TikTok, một ứng dụng đăng tải video nổi tiếng toàn cầu, đang là “ngôi sao” lớn trong làng giải trí trực tuyến khi sở hữu hơn 2 tỷ lượt tải xuống và phủ sóng trên 155 quốc gia.

Cơn khủng hoảng mang tên TikTok vẫn chưa có hồi kết. Ảnh: Telegraph.

Tuy nhiên, cái mác “Made in China” của TikTok khiến ứng dụng này khó tránh khỏi tầm ngắm của nhiều quốc gia, trong đó có chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Tại Mỹ, người dân đang bất đắc dĩ phải chọn giữa TikTok hay tổng thống. Sự ủng hộ của người dân dành cho một trong hai bên sẽ quyết định việc TikTok có bị cấm tại quốc gia này hay không.

Tổng thống Trump có lợi thế “sân nhà”


Năm 2019, TikTok đã phải đối mặt với sự giám sát của chính phủ Mỹ do những lo ngại ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Tuy có trụ sở tại Mỹ, CEO người Mỹ, TikTok vẫn không thể phủ nhận nguồn gốc là một công ty Trung Quốc khi thuộc sở hữu của ByteDance.

Chính lý do này đã khiến những lo ngại TikTok chia sẻ dữ liệu người dùng cho chính phủ Trung Quốc là có cơ sở. Không chỉ riêng Mỹ, giới công nghệ đã không ít lần tố cáo ứng dụng này có hành vi thu thập dữ liệu chưa rõ mục đích.

Theo Bloomberg, cuộc chiến chống lại TikTok của ông Trump đã được đẩy sang một hình thức mới, thông qua các quảng cáo trên mạng xã hội Facebook và Instagram.

"TikTok đang theo dõi bạn đấy", nhiều quảng cáo của ông Trump tập trung vào nội dung TikTok thu thập dữ liệu người dùng.

Bắt đầu từ hôm 17/7, một chiến dịch quảng cáo trên 2 nền tảng mạng xã hội đã được nhóm tranh cử của Tổng thống Trump tung ra với mục đích công kích TikTok. Nội dung quảng cáo cảnh báo người dùng việc ứng dụng tạo video này có nhiều hoạt động theo dõi người dùng.

Không dừng lại ở đó, phóng viên Taylor Lorenz của tờ Bloomberg đã phát hiện tính chất thực sự của chiến dịch quảng cáo này là một cuộc khảo sát, yêu cầu người dùng cung cấp tên, mã vùng, email và số điện thoại.

Sau đó, những thông tin được thu thập sẽ được thêm vào danh sách nhận thư điện tử cổ vũ tranh cử của chiến dịch Trump. Mục tiêu của những quảng cáo này hướng đến là người dùng từ 18-64 tuổi.

Đầu tháng 7, chính quyền ông Trump tuyên bố sẽ xem xét các khả năng cấm TikTok hoạt động tại Mỹ.

Theo quan điểm của ông Trump, lệnh cấm sẽ là cách để trừng phạt Trung Quốc do những liên quan đến đại dịch Covid-19. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và giới chức Mỹ viện dẫn những lo ngại về an ninh quốc gia.

Ngoài ra, theo Politico, ngày 20/7, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu cấm nhân viên liên bang tải TikTok, đồng thời hạn chế sự các nền tảng mạng xã hội trên thiết bị do chính phủ cung cấp.

Với số phiếu thuận chiếm áp đảo 336 phiếu trên tổng 407 phiếu ủng hộ Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng, số phận của TikTok tại Mỹ đang bị đe dọa.

Nếu ông Trump lấy được sự ủng hộ của người dân và loại bỏ TikTok ra khỏi thị trường Mỹ, đây có thể là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến cuộc tái tranh cử Tổng thống diễn ra sắp tới.

Tuy nhiên, với 165 triệu lượt tải về, là thị trường đứng thứ 3 thế giới, việc cấm cửa TikTok tại Mỹ có thể là “con dao hai lưỡi” với những tham vọng của Tổng thống Trump.

TikTok chi tiền để lôi kéo người dùng


Trong động thái mới nhất của TikTok, ứng dụng này đã công bố Quỹ sáng tạo trị giá 200 triệu USD nhằm hỗ trợ các nhà sáng tạo tại Mỹ. Động thái này được đánh giá là để cải thiện chất lượng nội dung các video trên nền tảng.

Trả lời vào hôm 23/7, ByteDance, công ty mẹ của TikTok cho biết chương trình sẽ bắt đầu vào tháng 8. Ban đầu, chương trình này sẽ nhắm mục tiêu đến những cá nhân có ảnh hưởng lớn như giáo viên, streamer (người phát trực tuyến) và giúp đỡ các nhà sáng tạo hợp tác với những thương hiệu lớn.

Giờ đây, các nhà sáng tạo trên TikTok đã có thể kiếm tiền qua nền tảng này. Ảnh: Financial Express.

Yêu cầu duy nhất là các nhà sáng tạo nội dung phải trên 18 tuổi, có lượng bài đăng liên tục và số lượng người theo dõi đạt chuẩn.

Từ lâu, TikTok đã bị chỉ trích là thiếu phần thưởng cho người sáng tạo nội dung, không giống như Youtube, cho phép người dùng kiếm tiền trực tiếp thông qua nền tảng.

Theo bà Vanessa Pappas, Giám đốc TikTok tại Mỹ, quỹ sáng lập này sẽ có tác dụng giúp người dùng nhận ra những lợi ích khi sử dụng ứng dụng, đồng thời “khuyến khích những người có khát vọng khơi dậy sự nghiệp truyền cảm hứng”.

Kể từ đầu năm 2020, TikTok đã có nhiều lần bày tỏ ý định “thoát Trung”, tránh xa các yếu tố chính trị và nâng cao hợp tác.

Theo Reuters, ByteDance đang âm thầm thực hiện các kế hoạch di chuyển nhân sự ra khỏi "đất nước tỷ dân" và nhanh chóng mở rộng đội ngũ kỹ sư tại trụ sở Mỹ.

Ngoài ra, chia sẻ với CNBC, TikTok có kế hoạch tuyển 10.000 lao động tại Mỹ trong 3 năm tới với mức lương hợp lý.

Tính tới nay, TikTok đã thiệt hại hàng tỷ USD khi để "tuột" mất thị trường Ấn Độ. Nếu chính phủ Mỹ thực thi các biện pháp loại bỏ hoàn toàn TikTok, ứng dụng này sẽ chính thức đánh mất 2 thị trường lớn nhất của công ty.

Theo Zing