Khi “ông hoàng”, “bà chúa” bị chê vô văn hóa

Showbiz Việt thời gian qua “dậy sóng” bởi loạt scandal đình đám của những “ông hoàng”, “bà chúa”. Và cũng chưa bao giờ, câu chuyện văn hóa ứng xử của sao lại được bàn nhiều như những ngày qua.
Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên, Tuấn Hưng từng gây ồn ào về văn hóa ứng xử.
Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên, Tuấn Hưng từng gây ồn ào về văn hóa ứng xử.

Công chúng ngộ độc “rác ngôn từ”

Trong suốt năm 2014, làng giải trí trong nước đã bao phen “nổi bão” không phải bởi những sản phẩm nghệ thuật chất lượng mà vì những cử chỉ, hành vi được cho là “thiếu văn hóa” của loạt ca sĩ, diễn viên. Siêu mẫu Phương Mai, ca sĩ Nathan Lee mạt sát Huyền Chip, Elly Trần, Hồ Ngọc Hà nổi đóa, chửi đổng anti-fan. Thời gian đó, câu chuyện văn hóa ứng xử của người nổi tiếng và câu hỏi có hay không “quyền riêng tư của người của công chúng” đã được bàn luận và gây nhiều tranh cãi.

Sang năm 2015, những điều tốt đẹp của người nghệ sĩ dường như vẫn chưa đủ để át đi tiếng xấu khi showbiz Việt dậy tiếng chửi thề, sự nổi loạn của dàn sao bằng đủ chiêu trò để nổi tiếng. Gần đây, sao Việt còn biến facebook, các trang mạng xã hội thành nơi để "xả rác ngôn từ". Đàm Vĩnh Hưng, Thu Minh, Hồ Ngọc Hà, Phương Thanh đều từng vướng vào các scandal "khẩu chiến", nói lời không hay trên facebook - nơi họ đang có hàng vạn, hàng triệu người mến mộ hằng ngày dõi theo.

Điều đáng bàn là nhiều người mang danh là người nổi tiếng, nhưng cách hành xử chẳng khác nào dân chợ búa và biến showbiz thành cái chợ với những màn cự cãi, chẳng phân biệt đúng sai. Trang Trần “xông đất” scandal trong showbiz bằng việc bị tạm giữ vì lăng mạ công an. Tiếp đó là câu chuyện chửi anti-fan là “thú điên” của Đỗ Mạnh Cường, Lệ Quyên bị chê kém duyên khi cho con đi tè vào túi nôn. Đàm Vĩnh Hưng “dằn mặt” Quang Lê vì “cướp gà”, rồi đến chuyện Tuấn Hưng văng tục, chửi thề trên facebook.

NTK Đỗ Mạnh Cường đón nhận ý kiến mang tính phản biện về show diễn thời trang ở Hollywood bằng cách “ném” ra những lời phản cảm. Anh biện minh, xả bức xúc trên trang cá nhân chẳng có gì sai, vì đó là chốn riêng. Nhưng công chúng lại cho rằng, đã chấp nhận gia nhập làng giải trí, tự nhận mình là người của công chúng, thì sao còn chốn riêng tư, khi mọi hành động, lời nói của họ đều tác động đến một phần không nhỏ công chúng, những người từng thần tượng, tung hô họ.

Nhiều người bênh vực các “thần tượng”, cho rằng sau ánh đèn hào quang, sao được trở về làm người bình thường, có quyền yêu ghét và chia sẻ nó trên “phây”. Thế nhưng, facebook là mạng xã hội chứ không phải cuốn nhật ký riêng để sao vô tư “văng tục” và xỏ xiên người khác, đòi quyền bộc lộ cảm xúc cá nhân rồi lại public cho cả thiên hạ xem. Vì hàng nghìn, hàng vạn fan hâm mộ của họ ở đó sẽ nghĩ sao khi người mình yêu mến bỗng dưng... trở thành tầm thường, chợ búa.

Và xét cho cùng, khi các sao ra sức kêu gọi tôn trọng “quyền riêng tư”, thì công chúng cũng có quyền không cho người của công chúng vô tư “văng tục”, vì thời gian qua họ đã bị ngộ độc quá nhiều “rác ngôn từ”.

“Ông hoàng”, “bà chúa” bị chê vô văn hóa

Những scandal làm “dậy sóng” showbiz Việt gần đây đều liên quan đến những “ông hoàng”, “bà chúa”, những người đã nổi tiếng, thành danh và có chỗ đứng ít nhiều trong làng giải trí. Nếu xưa kia ca sĩ, diễn viên bị miệt thị, xếp vào hàng “xướng ca vô loài” thì nay được tung hô, sùng bái như vương, hoàng hậu và trở thành nghề hot được một bộ không nhỏ - nhất là giới trẻ chạy theo.

Dễ hiểu, làm ca sĩ, diễn viên là được nổi tiếng, được lên báo, được săn đón và kiếm bộn tiền. Mỗi bước chân, mỗi phát ngôn đều được công chúng quan tâm. Nhưng sau ánh hào quang nào cũng có mảng tối, sự cay nghiệt. Nếu Nguyễn Cao Kỳ Duyên không phải hoa hậu, chắc chắn dáng ngủ của cô có xấu thế nào cũng chẳng ai quan tâm. Lệ Quyên không phải “nữ hoàng phòng trà” có cátsê cao ngất ngưởng thì hành động cho con đi tè vào túi nôn trên máy bay cũng không gây chú ý.

Chưa bao giờ, câu chuyện văn hóa ứng xử của sao lại được nhắc nhiều, bàn nhiều như thời gian qua, cùng với đó rất nhiều người nổi tiếng lọt vào danh sách bị công chúng chê là vô văn hóa, dù chắc chắn họ phải có thời “có văn hoá" - thứ rất quý giá với một con người.

Đàm Vĩnh Hưng được một bộ phận khán giả thần tượng, truyền thông tung hô là “ông hoàng nhạc Việt”, nhưng đã khiến khán giả thất vọng trước những scandal như “khóa môi nhà sư”, không tôn trọng “đàn trên” và mới đây nhất là dùng lời lẽ chợ búa để “dằn mặt” đàn em trong scandal “tranh gà”. Hàng triệu khán giả yêu tiếng hát của Mr Đàm, có lẽ sẽ thất vọng khi lời lẽ được anh thốt ra trong cuộc chiến với Quang Lê không phải là những lời “vàng ngọc” của một ông hoàng mà là lời của những người ngoài chợ.

Mới đây nhất, một ca sĩ sở hữu nhiều bản hit nhất nhì Việt Nam, cũng rơi vào “vết xe đổ” của nhiều sao khi mượn trang cá nhân để “xả bực”. Sau khi Tuấn Hưng văng tục trên facebook, chỉ có Mỹ Linh chê “đã làm bố trẻ con mà vẫn cư xử vô văn hóa”, một loạt sao Việt lên tiếng bênh vực Tuấn Hưng và cho rằng, trong nghề, việc để một ca sĩ “có vai vế” xếp dưới một ca sĩ trẻ là điều tối kỵ. Nhưng công chúng không nghĩ nhiều đến những “góc khuất” đó mà họ chỉ đơn giản cho rằng, đã là nghệ sĩ thì ai cũng như ai, phải có trách nhiệm tôn trọng khán giả và đừng đem những bức xúc cá nhân, hay “xả” những ngôn từ, có hành động không đẹp nơi công cộng.

Vì sao công chúng, xã hội lại đòi hỏi người của công chúng phải có văn hóa, đơn giản vì ngoài được yêu mến bởi tài năng, thì hình ảnh, lối sống của sao cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến khán giả, đến lớp trẻ - những người tôn sùng, thần tượng họ.

Theo Lao động