Khi chủ đầu tư địa ốc... “việt vị“!

VietTimes – Hai dự án mà VietTimes đề cập, tuy không quá lớn, song dường như đang khiến giới chủ của những Dynamic Innovation và Big Gain không khỏi phiền lòng…
Ảnh minh họa (Nguồn: hcm.gov.vn)
Ảnh minh họa (Nguồn: hcm.gov.vn)

Bộ đôi Công ty TNHH Dynamic Innovation (Dynamic) và  Công ty TNHH Đầu tư Big Gain (Big Gain) có lẽ đã không còn quá xa lạ đối với các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là đối với những ai đang đầu tư vào cổ phiếu PDR của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt.

Dynamic và Big Gain từng gây xôn xao khi ký kết các hợp đồng hợp tác đầu tư có thời hạn 5 năm với PDR liên quan đến việc phát triển một phần dự án The Everich 2 và phần chung cư cao tầng của dự án The EverRich 3.

Mối hợp tác giữa các bên diễn ra khá tốt đẹp. Tính đến cuối năm 2017, PDR đã nhận 2.025 tỷ đồng từ Dynamic và 4.002 tỷ đồng từ Big Gain. Đỉnh điểm là cuối năm 2018, khi bộ đôi doanh nghiệp này đã “gửi” tại PDR số tiền lên tới 6.723 tỷ đồng.

Còn cập nhật tới ngày 30/6/2020, số dư khoản phải trả của PDR đối với 2 doanh nghiệp đạt mức 5.547 tỷ đồng. Đồng thời, PDR khẳng định đang trong quá trình hoàn thiện các yêu cầu theo quy định của Nhà nước để đủ điều kiện chuyển nhượng phần còn lại của các dự án theo hợp đồng hợp tác đầu tư đã ký kết với Big Gain và Dynamic.

Mối hợp tác tốt đẹp đem lại nhiều lợi ích cho cả đôi bên. Đối với PDR, dòng tiền nhận được đã giúp doanh nghiệp này khắc phục phần nào khoản nợ tại Dong A Bank, thoát khỏi tình cảnh khó khăn về tài chính. Đối với đại gia địa ốc đằng sau Dynamic và Big Gain, các dự án kể trên sẽ là màn chào sân không thể ấn tượng hơn tại thị trường địa ốc phía Nam.

Song, không phải dự án nào cũng được thuận lợi như thế. Như câu chuyện mà truyền thông trong nước đồng loạt đưa tin mới đây về 8 dự án bất động sản trên địa bàn TP. HCM đã hết hiệu lực chấp thuận chủ đầu tư và không còn nằm trong danh mục kế hoạch phát triển nhà ở thành phố trong giai đoạn 2016 – 2020.

Chưa rõ động thái trên của TP. HCM đã phải là dấu chấm hết cho số phận của 8 dự án này hay chưa nhưng có thể thấy rõ ràng các chủ dự án này đang phải đối diện rủi ro rất lớn. Xấu nhất là bị thu hồi, đồng nghĩa với mất trắng; còn không thì cũng chưa thể biết khi nào mới có thể triển khai. Chạy lại các thủ tục từ đầu là một câu chuyện rất dài và vất vả.

Vấn đề là trong số những dự án này, không ít trường hợp đã đổi chủ, thậm chí qua nhiều chủ. Những ông chủ thứ cấp - những người đang cầm dự án này - hẳn đang rất đau đầu. Thương vụ đầu tư của họ, ở một giác độ nào đó, đã rơi vào thế "việt vị".

Để có dự án, họ đã phải thu xếp một lượng vốn khổng lồ, mà một phần đáng kể là vay nợ. Tình thế "việt vị" này, do vậy, đang đẩy họ đối diện với một rủi ro rất lớn, đặc biệt là rủi ro về dòng tiền. Mà nên nhớ, những vướng mắc pháp lý liên quan đến các dự án này phần nhiều do chủ cũ - những người đã chốt lời - để lại.

Phối cảnh dự án Khu nhà ở chung cư cao tầng tại phường Bình An, Quận 2
Phối cảnh dự án Khu nhà ở chung cư cao tầng tại phường Bình An, Quận 2 (Nguồn: hcm.gov.vn)

VietTimes sẽ đi sâu phân tích 2 trong số 8 dự án vừa bị "tuýt còi", là dự án Khu nhà ở chung cư cao tầng tại phường Bình An (Quận 2) do CTCP Đầu tư Hermes Power (Hermes Power) làm chủ đầu tư và Dự án Khu chung cư văn phòng - Thương mại 332 Tô Hiến Thành (Quận 10) do CTCP Thương mại đầu tư VIMEC (Vimec) làm chủ đầu tư. Hai dự án này đều có mối liên hệ với nhóm chủ Big Gain và Dynamic được đề cập phía trên.

Hermes Power và dự án địa ốc Thanh Yến - Bình An

Tháng 8/2014, UBND TP. HCM ban hành quyết định chấp thuận cho CTCP Thanh Yến chuyển nhượng dự án Khu nhờ ở chung cư cao tầng tại phường Bình An, Quận 2 (hay còn gọi là Cao ốc căn hộ Thanh Yến – Bình An) sang Hermes Power. Dự án có tổng diện tích 7.092,2 m2, với tòa cao ốc cao 20 tầng, có tổng vốn đầu tư khoảng 395,76 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu của VietTimes, Hermes Power được thành lập từ năm 2008, ban đầu đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại số 193 – 203 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, Quận 1, TP. HCM.

Sau 6 năm đi vào hoạt động, cập nhật tại ngày 7/11/2014, Hermes Power có quy mô vốn điều lệ đáng nể, đạt mức 13.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, tới tháng 10/2018, doanh nghiệp này đã điều chỉnh quy mô vốn xuống mức 394 tỷ đồng. Địa chỉ trụ sở chính hiện được đổi về tại tòa nhà Bitexco Financial Tower, số 2 Hải Triều, phường Bến Nghé, Quận 1, TP. HCM.

Trong giai đoạn này, Hermes Power liên tục ghi nhận biến động nhân sự cấp cao.

Chiếc ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị lần lượt thay đổi từ bà Đặng Trịnh Thanh Phương (SN 1972), bà Lâm Ngọc Đan Thi (SN 1983), ông Trần Quốc Bảo (SN 1978) và hiện do bà Nguyễn Thị Ngọc Mỹ (SN 1993) đảm nhiệm. Còn các vị trí CEO cũng được chuyển giao giữa các ông Trần Quốc Bảo, Bùi Văn Trung (SN 1988), Ngô Thị Oanh (SN 1987).

Bà Nguyễn Thị Ngọc Mỹ là người đại diện của Dynamic (đối tác ký kết hợp đồng với PDR mà VietTimes đã đề cập ở đầu bài viết) và 2 pháp nhân khác là CTCP River Wind, CTCP Yamato E&C.

Vợ ông Bùi Văn Trung – bà Đỗ Thị Hồng Nhung (SN 1987) - là một nhân sự chủ chốt của một tập đoàn bất động sản gốc Bắc bất ngờ nổi lên trong ít năm trở lại đây và đang tích cực mở rộng địa bàn vào khu vực phía Nam.

Vimec và dự án 332 Tô Hiến Thành

Dự án nhà ở tại số 332 Tô Hiến Thành (TP. HCM) diện tích 14.337,3 m2 có nguồn gốc là khu đất do Công ty Thiết bị y tế Trung ương 2 (Trực thuộc Bộ Y tế) tiếp quản, sử dụng từ sau năm 1975 làm văn phòng và kho.

Công ty Thiết bị y tế Trung ương 2 sau đó được cổ phần hóa thành CTCP Thiết bị y tế Vimec, rồi đổi tên thành CTCP Thương mại đầu tư VIMEC (Vimec).

Ngày 26/11/2012, UBND TP. HCM có quyết định số 6004/QĐ-UBND cho Vimec chuyển mục đích sử dụng đất để đầu tư xây dựng chung cư cao tầng kết hợp trung tâm thương mại, văn phòng.

Năm 2013, khu "đất vàng" nêu trên được Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) – Chi nhánh Sở Giao dịch TP. HCM định giá 1.433,73 tỷ đồng.

Từ năm 2017 tới nay, Vimec nhiều lần thay đổi vị trí nhân sự cấp cao, hiện Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Trần Anh Quân (SN 1980).

Ông Quân còn là CEO của Big Gain và là người đại diện tại một số doanh nghiệp khác như: Công ty TNHH Đầu tư Global Partners, CTCP King Square, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Hemera.

Một dữ liệu khác của VietTimes cho thấy, ngày 21/10/2019, Vimec đã thế chấp dự án Dự án Khu chung cư văn phòng - Thương mại 332 Tô Hiến Thành Quận 10 TP. HCM tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) – Chi nhánh Đồng Tháp. Trước đó, khối tài sản này được Vimec thế chấp tại SHB – Chi nhánh Phú Nhuận.

Những đối tác bí ẩn của Vimec

Theo dữ liệu của VietTimes, Vimec đã rậm rịch triển khai dự án ở số 332 Tô Hiến Thành từ năm 2013, khi ký kết các hợp đồng thi công xây dựng công trình với CTCP Bất động sản Tân Vạn Hưng và CTCP Đầu tư Phát triển Đất Thắng (Win Land Investment).

Win Land Investment cùng với 4 nhà đầu tư cá nhân khác, là các cổ đông của Công ty TNHH Du lịch Bãi Dài (Du lịch Bãi Dài).

Doanh nghiệp này là chủ đầu tư Dự án Khu du lịch Bãi Rồng trên khu đất rộng 299,254 m2 tại lô số D7a2, TT4 và một phần lô X6 của Khu vực Bãi Dài, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.

Tuy nhiên, tới tháng 9/2014, Du lịch Bãi Dài bất ngờ bị giải thể do “kinh doanh không hiệu quả”. Dù vậy, “profile” các cổ đông của Du lịch Bãi Dài cũng rất đáng nể.

Bà Cao Thị Ngọc Dung (SN 1957), cổ đông nắm giữ 34,3% vốn của Du lịch Bãi Dài, hiện là Chủ tịch HĐQT CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Mã CK: PNJ).

Ông Lê Nguyên Hòa (SN 1954), cổ đông nắm giữ 5% vốn của Du lịch Bãi Dài, hiện là Thành viên HĐQT CTCP Cà Phê Phước An (Mã CK: CPA), Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Dinh dưỡng Notifood.

Được biết, ông Trần Thanh Hải (SN 1972) - đại diện phần vốn của Win Land Investment tại Du lịch Bãi Dài – hiện là Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm dinh dưỡng Notifood, Chủ tịch HĐQT CTCP Cà phê Phước An và từng là Phó Chủ tịch HĐQT Vimec.

Ông Trần Khang Thụy (SN 1955), cổ đông nắm giữ 25,1% vốn của Du lịch Bãi Dài, là một doanh nhân kín tiếng, đại diện cho một loạt pháp nhân như: Công ty TNHH Nhà Ánh Mặt Trời, Công ty TNHH Ánh Triều Quang.

Mối quan tâm mới của vị doanh nhân sinh năm 1955 là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, thể hiện qua vai trò tại Công ty TNHH MTV Enfinity Ninh Thuận (Enfinity Ninh Thuận) - công ty con của Up Treasure Holdings Limited (địa chỉ trụ sở tại Hồng Kông).

Enfinity Ninh Thuận là chủ đầu tư dự án Nhà máy điện dùng năng lượng tái tạo Phước Nam – Enfinity – Ninh Thuận. Từ đầu năm 2017, ông Thụy nhận được ủy quyền của Tổng giám đốc Enfinity Ninh Thuận qua đó chịu trách nhiệm về tất cả các hoạt động liên quan đến dự án.

Đến tháng 9/2019, Up Treasure Holdings Limited chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần tại Enfinity Ninh Thuận cho ông Trần Khang Thụy (10% VĐL) và Công ty TNHH Năng lượng Tái tạo Tân Phương Đông (90% VĐL).

Cập nhật tới ngày 20/9/2019, Enfinity Ninh Thuận đổi tên thành Công ty TNHH Năng lượng tái tạo Phương Đông, vị trí Chủ tịch HĐQT do ông Li Jun – một doanh nhân sinh năm 1971, quốc tịch Trung Quốc, đảm nhiệm./.