Khẩu trang điện tử phát hiện sớm người tiếp xúc gần, tránh lây nhiễm COVID-19

VietTimes – Để bảo vệ cộng đồng trước đại dịch COVID-19, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y tế đã triển khai “Ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần - Bluezone” trên smartphone.
Ứng dụng khẩu trang điện tử - Bluezone (Ảnh chụp màn hình)
Ứng dụng khẩu trang điện tử - Bluezone (Ảnh chụp màn hình)

Bluezone là ứng dụng cảnh báo người dân đã tiếp xúc gần với người mắc COVID-19, góp phần giảm thiểu nguy cơ lây bệnh trong cộng đồng, đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Khi xuất hiện một ca nhiễm virus SARS-CoV-2, lịch sử tiếp xúc trong ứng dụng sẽ cho người dân biết đã từng tiếp xúc với người này hay chưa, khi cả hai đều dùng Bluezone. Vì vậy, càng nhiều người cài đặt Bluezone thì hiệu quả bảo vệ càng cao. Nếu mỗi người cài đặt Bluezone cho mình và cài tiếp cho 3 người khác thì sau 1 tháng người dân trên cả nước sẽ được bảo vệ.

Được biết, Bluezone chỉ sử dụng quyền "truy cập tệp" để ghi lịch sử "tiếp xúc gần" lên bộ nhớ thiết bị. Mặc dù vậy, theo chính sách của Google, thiết bị vẫn tự động đề nghị "cho phép truy cập vào ảnh, phương tiện và tệp" ngay cả khi Bluezone không sử dụng các quyền còn lại. Bạn cần cấp quyền để có thể ghi nhận các "tiếp xúc gần".

Hoạt động của ứng dụng (Ảnh chụp màn hình)
Hoạt động của ứng dụng (Ảnh chụp màn hình)

Bluezone không ghi nhận cũng như sử dụng vị trí của người dùng. Khi bạn cài đặt Bluezone trên Android và kích hoạt Bluetooth thì máy sẽ xin cấp quyền vị trí, điều này là do chính sách của Google khi bật Bluetooth BLE máy sẽ tự động xin quyền vị trí. Tuy nhiên Bluezone không sử dụng tới quyền này. 

Về vấn đề bảo mật, Bluezone chỉ lưu dữ liệu trên máy người dùng, không đưa lên server, không thu thập vị trí.

Để Bluezone hoạt động hiệu quả, điện thoại của mỗi người phải luôn luôn bật Bluetooth. Với công nghệ Bluetooth BLE năng lượng thấp tiết kiệm pin (Bluetooth Low Energy), người dân có thể yên tâm sử dụng ứng dụng.

Trên thế giới đã có Singapore, DuBai sử dụng công nghệ BLE để kiểm soát tiếp xúc của người dân. Khi sử dụng ứng dụng người dân phải kê khai chính xác số điện thoại và phải được cơ quan y tế xác thực. Tuy dùng chung công nghệ nhưng những người sử dụng điện thoại Android sẽ không có số liệu tiếp xúc với những người sử dụng điện thoại IOS và ngược lại dẫn đến việc hạn chế về độ chính xác của thông tin.

Bluetooth cũng là giải pháp được Châu Âu, Mỹ, Singapore bắt đầu nghiên cứu và ứng dụng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 khi số ca mắc mới không ngừng gia tăng.

Trước đó, ngày 1/8, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản xác định 10 biện pháp tuyên truyền để triển khai rộng rãi ứng dụng Bluezone trên 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Theo đó, các cơ quan nhà nước vận động tuyên truyền phòng dịch, yêu cầu toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nếu có điện thoại thông minh thì phải cài đặt Bluezone. Cơ quan, đơn vị cử người ghi nhận các hoạt động ra vào trụ sở, yêu cầu mọi người đến làm việc biết, cài đặt và chạy ứng dụng.

Thống kê cho thấy, tính đến 11h ngày 2/8, đã có 1.851.827 lượt tải ứng dụng Bluezone, tăng 1.644.000 lượt tải so với ngày 25/7. Đến cuối ngày 2/8, số lượt tải về ứng dụng đã vượt mốc 2 triệu.