Khánh Hòa: “Đã chuẩn bị 4.300 tỷ xây Trung tâm hành chính”

Phó bí thư thường trực tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết ý tưởng xây trung tâm hành chính có từ 7 năm trước và đã chuẩn bị đủ nguồn vốn.
Dự kiến Trung tâm hành chính Khánh Hòa trong tương lai.
Dự kiến Trung tâm hành chính Khánh Hòa trong tương lai.

Đán khu trung tâm hành chính 4.300 tỷ đồng của Khánh Hòa đang được lấy ý kiến rộng rãi. Là Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, ông đánh giá thế nào về đồ án?

Việc xây trung tâm hành chính Khánh Hòa đã được ghi trong Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh khóa 15, đến nay được 7 năm. Khi đó tôi là Trưởng ban Tuyên giáo nên rất rõ việc này. Theo quy hoạch TP Nha Trang, phía Đông đường Trần Phú không được xây dựng để bảo vệ vịnh Nha Trang - một trong những vịnh đẹp nhất thế giới. Do đó, HĐND tỉnh và Tỉnh ủy quyết định di dời trung tâm hành chính lên phía Tây.

Phía Tây là vùng trũng, trước đây hầu như bỏ hoang, quỹ đất rất rộng, chỉ có ít hoạt động sản xuất như trồng đay, làm muối. Trong quy hoạch là khoảng 130 ha, tỉnh đặt vấn đề đưa toàn bộ cơ quan hành chính về đây, khoảng 37 ha, còn lại sẽ xây các đô thị xung quanh.

Quan điểm của Tỉnh ủy là xây dựng đô thị hành chính trong một vùng đô thị dân cư. Tránh trường hợp hành chính một nơi dân cư một ngả. Dành quỹ đất rộng xây dựng trụ sở các cơ quan như Tỉnh ủy, UBND, công an, quân đội. Trụ sở cơ quan sẽ được xây thấp tầng để người dân có thể dễ dàng tiếp cận dịch vụ công.

 Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa - Nguyễn Tấn Tuân trao đổi với VnExpress bên hành lang quốc hội. Ảnh: Giang Huy. 

Hình tượng trung tâm hành chính mang hình tổ yến, trụ sở công quyền giống như quả trứng đang nở, điều này có ý nghĩa thế nào?

Ngành kiến trúc đang lấy ý kiến các cơ quan và người dân. Nhưng tôi nghĩ, theo kiến trúc nào cũng phải đảm bảo sự hài hòa một trung tâm hành chính nằm trong đô thị mới. Và việc chọn kiến trúc nào cũng hướng đến mục tiêu làm sao người dân có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ công, khác nơi xây trụ sở 37-38 tầng nhưng người dân rất khó gặp chủ tịch hay bí thư.

Một trong số những ý kiến đóng góp cho trung tâm hành chính mới có nêu, ngành khai thác yến ở Khánh Hòa là đặc trưng, thu lợi cao nhưng thực tế đây là ngành nghề không nhân văn, không nên lấy làm biểu tượng. Ông nghĩ sao về điều này?

Ý kiến này không đúng. Đây là nghề truyền thống, việc khai thác cũng góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tỉnh vẫn tổ chức các lễ hội yến, tôn vinh các dòng tộc khai thác nuôi yến, bà chúa Yến. Nghĩa là các hình thức sinh hoạt vẫn giữ. 

Với những ý kiến băn khoăn về kinh phí đầu tư 4.300 tỷ đồng là lãng phí trong bối cảnh hiện nay, ông đánh giá như thế nào?

Vùng định xây Trung tâm hành chính lâu nay không phát triển được kinh tế. Khi tỉnh làm tuyến đường từ Nha Trang lên Lâm Đồng, có hơn 10 km đi qua khu vực làm trung tâm hành chính. Tuyến đường rộng hơn 60 m, dài trên 10 km tạo ra quỹ đất hai bên đường. Tỉnh kêu gọi các nhà đầu tư vào theo hình thức BT (xây dựng, chuyển giao), doanh nghiệp xây dựng hạ tầng cơ sở, tỉnh sẽ giao đất hai bên tuyến đường cho doanh nghiệp.

Riêng các công trình trụ sở Tỉnh ủy, UBND, sở ngành nằm trên tuyến đường Trần Phú, quan điểm của tỉnh là khi triển khai phải đảm bảo theo đúng các quy định pháp luật, xuất đầu tư phải khác. Ví dụ ở trung tâm hành chính mới, xuất đầu tư cao hơn vì đây là vùng trũng còn suất đầu tư các trụ sở ở đường Trần Phú hay trong trung tâm thành phố phải thấp hơn.

Như vậy có thể nói, hiện nay vốn để xây dựng trung tâm hành chính của Khánh Hòa cơ bản đã chuẩn bị xong bằng hình thức BT.

Về ý kiến nói tại sao trong bối cảnh kinh tế khó khăn mà chi tiền xây trụ sở, như đã nói ở trên, đây là ý tưởng có từ lâu. Khánh Hòa chọn thời điểm thực hiện đúng lúc Chính phủ cho phép thực hiện giai đoạn 3 tuyến đường Cao Bá Quát – Cầu Lùn chạy thẳng lên Lâm Đồng, tạo ra quỹ đất hai bên tuyến đường và dùng chính quỹ đất ấy để kêu gọi nhà đầu tư vào BT.

Trụ sở hành chính hiện tại của tỉnh Khánh Hòa được đánh giá ra sao?

Có ý kiến cho rằng khu hành chính hiện nay của tỉnh đã khang trang nhưng tỉnh làm gì đã có khu hành chính, có thể đó là một số cơ quan như ủy ban hay sở ngành nào đó, nằm rải rác ở nhiều nơi. Còn như chỗ tôi làm, nhiều phòng xuống cấp lắm, nói nhà cấp bốn thì không hẳn nhưng nhiều phòng chỉ 10 m2...

Do vậy, hướng xây khu hành chính là để gom các cơ quan này lại để tập trung, thuận lợi cho người dân đến làm việc, không phải chạy ngang chạy dọc. Sau khi có trụ sở mới, những địa điểm nào làm được du lịch, tỉnh sẽ mời gọi các nhà đầu tư xây dựng. Quy hoạch Nha Trang cũng đã nói điều này, theo đó hầu như toàn bộ khu dọc Trần Phú là dành cho phát triển du lịch.

Theo VnExpress