Khám phá hệ thống phòng không Avenger Ukraine vừa nhận được của Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo mạng quân sự Ukraine Militarnyi , lực lượng phòng không Ukraine đã nhận được xe - hệ thống phòng không tầm gần AN/TWQ-1 "Avenger" đầu tiên và Ukraine dự kiến ​​sẽ nhận được 12 xe.
Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine 12 hệ thống phòng không tầm gần Avenger, xe đầu tiên đã được đưa tới Ukraine (Ảnh: USARMY).
Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine 12 hệ thống phòng không tầm gần Avenger, xe đầu tiên đã được đưa tới Ukraine (Ảnh: USARMY).

Trang Defense Blog ngày 20/3 đưa tin, hệ thống phòng không Avenger của Mỹ này được phát triển từ những năm 1980. Đây là hệ thống phòng không tầm gần cơ động dựa trên xe Humvee và được trang bị tên lửa FIM-92 Stinger ở khoang sau của hệ thống, có thể đánh chặn các mục tiêu ở độ cao thấp và có tốc độ chậm, bao gồm máy bay trực thăng, máy bay tấn công tầm thấp và máy bay không người lái, đồng thời có thể đối phó với các mối đe dọa khác nhau như tên lửa hành trình có tốc độ cận âm.

Hệ thống Avenger có tên chính thức là AN/TWQ-1, bao gồm một tháp hai bên có hai bệ phóng 8 tên lửa Stinger, một súng máy M3P 12,7mm, camera hồng ngoại, kính ngắm quang học và thiết bị định tầm laser. Các đạn tên lửa Stinger có nhiều khả năng nhắm, tìm mục tiêu, chủ yếu bám theo các nguồn nhiệt hồng ngoại/tia cực tím. Quân đội Ukraine trước đó đã được trang bị hệ thống tên lửa phòng không vác vai Stinger (MANPADS) từ Mỹ và các nước khác.

Hệ thống Avenger phóng đạn (Ảnh: NetEasy).

Hệ thống Avenger phóng đạn (Ảnh: NetEasy).

Hệ thống Avenger thường được lắp ở phía sau xe địa hình Humvee, đồng thời cũng có thể được tháo ra và đặt ở vị trí cố định để đóng vai trò là hệ thống phòng không phòng thủ điểm. Radar phòng không AN/MPQ-64 "Sentinel" trang bị cho Avenger trước đó cũng đã được quân đội Mỹ chuyển giao cho Ukraine để thực hiện nhiệm vụ trinh sát chống pháo binh.

Hệ thống Avenger có khả năng nhận dạng nguồn âm thanh nên khá cần thiết kết nối với các mạng liên lạc tình báo (FAAD C3I) khác. Mạng C3I truyền thông tin thu được từ các radar bên ngoài cho người điều khiển hệ thống để chuẩn bị đánh chặn các mục tiêu đe dọa một cách sớm nhất.

Được lắp trên xe địa hình Humvee, hệ thống Avenger có khả năng cơ động tốt (Ảnh: NetEasy).

Được lắp trên xe địa hình Humvee, hệ thống Avenger có khả năng cơ động tốt

(Ảnh: NetEasy).

Lần triển khai tham gia chiến đấu thực tế đầu tiên của hệ thống Avenger là trong Chiến tranh vùng Vịnh Ba Tư năm 1991; sau đó nó cũng được triển khai trong lực lượng gìn giữ hòa bình NATO trong Chiến tranh Bosnia và trang bị cho lực lượng quân đội Mỹ đóng tại Hàn Quốc. Trong Chiến tranh Iraq năm 2003, nó cũng đảm nhận nhiệm vụ phòng không tầm ngắn và phòng thủ căn cứ cho lực lượng liên quân Mỹ và đồng minh.

Chủ thể của hệ thống Avenger là một tháp phóng tên lửa có thể xoay 360 độ điều khiển bằng động cơ điện, được ổn định bằng một con quay hồi chuyển và được lắp trên bệ chở hàng của xe Humvee. Giữa hai giàn tên lửa có một ghế ngồi của xạ thủ, và mỗi bên được trang bị một bệ phóng tên lửa bốn ống phóng có thể lên xuống. Hệ thống ngắm quang điện được lắp đặt dưới bộ phận điều khiển phóng bên trái và súng máy M3P 12,7mm để tự vệ được lắp dưới phía bên phải. Hệ thống ngắm quang điện của nó tích hợp thiết bị ngắm quang học và máy dò hồng ngoại (FLIR) hướng về phía trước, thiết bị theo dõi hình ảnh tự động và thiết bị laser đo khoảng cách. Ngoài thiết bị điều khiển và phóng tên lửa trên xe, hệ thống phóng tên lửa phòng không Avenger còn được trang bị bộ điều khiển từ xa (RCU), cho phép người bắn vận hành nó từ vị trí an toàn cách xe tên lửa 50m.

Kíp pháo thủ nạp đạn tên lửa vào bệ phóng (Ảnh: QQ).

Kíp pháo thủ nạp đạn tên lửa vào bệ phóng (Ảnh: QQ).

Avenger là loại vũ khí phòng không mới nhất mà quân đội Ukraine nhận được từ Mỹ và các nước khác trong vài tháng qua. Sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, chính phủ Ukraine đã ráo riết mua thêm vũ khí phòng không.

Vào tháng 9/2022, Nga bắt đầu sử dụng máy bay không người lái do Iran cung cấp và sự gia tăng gần đây các cuộc tấn công tên lửa vào các mục tiêu quan trọng của Ukraine, chẳng hạn như lưới điện của nước này, đã khiến Ukraine ngày càng nghiêm túc trong việc sử dụng vũ khí phòng không. Tháng 10/2022, quân đội Mỹ đã công bố một sáng kiến ​​rộng lớn hơn, dài hạn hơn nhằm giúp Ukraine xây dựng một mạng lưới phòng thủ tên lửa và phòng không quốc gia hiện đại và có hiệu quả hơn.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Sabrina Singh nói với giới truyền thông rằng Avenger là hệ thống phòng không tầm ngắn (SHORAD), "sẽ cung cấp cho Ukraine khả năng bảo vệ quân đội và các cơ sở hạ tầng quan trọng của họ khỏi máy bay không người lái và sự tấn công của máy bay trực thăng" và nhấn mạnh chúng có thể được sử dụng để đóng vai trò phòng thủ điểm chống lại các tên lửa hành trình đang lao tới.

Ukraine hy vọng các hệ thống Avenger sẽ giúp họ chống trả hiệu quả máy bay không người lái và trực thăng của Nga (Ảnh: NetEasy).

Ukraine hy vọng các hệ thống Avenger sẽ giúp họ chống trả hiệu quả máy bay không người lái và trực thăng của Nga (Ảnh: NetEasy).

Quân đội Ukraine được cho là đã có nhiều kinh nghiệm trong việc sử dụng hệ thống tên lửa phòng không Stinger và xe quân sự Humvee, vốn đã đạt được kết quả nhất định trong cuộc xung đột vũ trang Nga-Ukraine

Ngoài ra, tên lửa Stinger mà hệ thống Avenger sử dụng có ống phóng tiêu chuẩn, nghĩa là ngoài việc được phóng bởi hệ thống phòng không này, nó còn có thể được phóng từ bệ phóng vác vai. Như vậy, quân đội Ukraine hoàn toàn có thể ứng dụng tên lửa Stinger hiện có vào hệ thống phòng không Avenger và tất nhiên là ngược lại. Quân đội Ukraine có thể dễ dàng kết hợp hệ thống phòng không tầm gần Avenger vào hệ thống tổ chức và hậu cần của quân đội.

Tất nhiên, 12 hệ thống Avenger chỉ là một số nhỏ trong số các hệ thống phòng không Ukraine có thể triển khai gần các mục tiêu có giá trị cao và quan trọng để bảo vệ chúng.

Đồng thời, tính cơ động của Avenger cho phép nó được triển khai lại tương đối nhanh chóng theo nhu cầu của nhiệm vụ, di chuyển từ vị trí này sang vị trí cụ thể khác trong một khu vực được chỉ định với khoảng thời gian không đều. Điều này giúp tránh đòn tấn công của đối phương và cũng cung cấp khả năng phòng thủ điểm. Một báo cáo gần đây của Viện nghiên cứu quân chủng liên hợp Hoàng gia (RUSI), một tổ chức tư vấn của Anh, nhấn mạnh, quá trình định vị mục tiêu của quân đội Nga kéo dài và phức tạp, khiến cho việc tấn công các mục tiêu di động dưới bất kỳ hình thức nào cũng khó khăn.

Hệ thống phòng không tầm gần Avenger của Mỹ (Nguồn: Chinatimes).

Tất nhiên, bao nhiêu hệ thống Avenger cũng không thể đáp ứng nhu cầu phòng thủ tên lửa và phòng không của Ukraine. Ukraine đã hoặc đang nhận được các hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn và tầm trung từ một số nước phương Tây để cung cấp khả năng phòng không họ đang rất cần. Các hệ thống này bao gồm Hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến quốc gia (NASAMS), do Mỹ và Na Uy hợp tác phát triển - một hệ thống phòng không được quân đội Mỹ triển khai xung quanh Washington, có thể được kết hợp sử dụng với hệ thống Avenger, ngoài ra còn có hệ thống Patriot mà Mỹ cam kết chuyển giao cùng các hệ thống khác của Anh và Đức.

Mặc dù phía Ukraine đặt nhiều hy vọng vào hệ thống Avenger, nhưng việc sử dụng vũ khí hiệu quả ra sao phụ thuộc vào con người. Thực tế liệu Avenger có giúp được như Kiev kỳ vọng hay không thì phải chờ xem.