Khám phá hệ thống pháo phản lực mạnh hơn HIMARS của Mỹ do Ukraine tự chế tạo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ukraine đã âm thầm phát triển và đưa vào sử dụng trong cuộc chiến với Nga một hệ thống phóng tên lửa đa nòng có tầm bắn xa hơn và đầu đạn nặng hơn các hệ thống HIMARS và M270 do Mỹ và các đồng minh cung cấp.
Dàn phóng Vilkha-M khai hỏa (Ảnh: Sohu).
Dàn phóng Vilkha-M khai hỏa (Ảnh: Sohu).

Đó là hệ thống phóng tên lửa (hay còn gọi pháo phản lực, dàn phóng rocket) mang tên "Vilkha-M” do Ukraine tự chế tạo dựa trên việc cải tiến hệ thống phóng rocket đa nòng BM-30 "Smerch" dài 7,6 m của Liên Xô trước đây.

Theo trang tin quân sự Mỹ The Drive ngày 1/3, ông Ivan Vinnyk, Phó chủ tịch thứ nhất của Hiệp hội Công nghiệp Quốc phòng Ukraine, cho biết dàn phóng tên lửa đa nòng "Vilkha-M” có tầm bắn 110-130 km và đầu đạn cỡ 300 mm, trọng lượng 485 pound (220 kg), có thể bắn trúng mục tiêu với độ chính xác cao.

Để so sánh, các đạn tên lửa do phương Tây cung cấp cho Hệ thống tên lửa phóng loạt M142 HIMARS và Hệ thống tên lửa dẫn đường (MLRS) M270 của Ukraine chỉ có tầm bắn tối đa khoảng 80 km, đầu đạn có đường kính 227 mm và trọng lượng 200 pound (khoảng 90 kilogam).

Dàn phóng Vilkha xuất hiện trong cuộc diễu binh năm 2018 (Ảnh: Wiki).

Dàn phóng Vilkha xuất hiện trong cuộc diễu binh năm 2018 (Ảnh: Wiki).

Phát biểu tại cuộc họp lần thứ 15 của cuộc đối thoại an ninh Mỹ-Ukraine ở Washington hôm thứ Ba (28/2), ông Ivan Vinnyk thừa nhận rằng Ukraine đã sử dụng Vilkha-M tấn công quân Nga trong chiến đấu, nhưng không thể tiết lộ địa điểm chính xác của vụ tấn công.

Ngoài ra, ông Vinny tiết lộ thêm, dự án cải tiến Vilkha-M đã được Ukraine bắt đầu vào năm 2018, và đã sản xuất được khoảng 100 dàn và lần đầu tiên nó được sử dụng trong thực chiến vào tháng 5/2022. Ông cho biết cái gọi là "gas rudders” (bánh lái khí ga) được dẫn đường qua hệ thống định vị toàn cầu (GPS), giúp nâng cao đáng kể độ chính xác của đường đạn. Mặc dù cho đến nay chỉ có một số lượng nhỏ được sản xuất tại Ukraine, nhưng Vilkha-M có tầm bắn xa hơn 36% so với hệ thống tên lửa phóng đa nòng dẫn đường của Mỹ và trọng lượng thuốc nổ lớn hơn gấp đôi.

Đạn tên lửa Vilkha-M (Ảnh: Sohu).

Đạn tên lửa Vilkha-M (Ảnh: Sohu).

Hiện Ukraine có kế hoạch tiếp tục nâng tầm bắn của Vilkha-M lên 150 km và thử nghiệm trực tiếp trên thực địa.

Tên lửa của Vilkha-M sử dụng "bánh lái khí ga" với hàng chục lỗ nhỏ phụt nhiên liệu đẩy — để hướng đường đạn về phía mục tiêu dựa trên tín hiệu GPS, giúp nâng cao đáng kể độ chính xác của đòn đánh so với đạn của hệ thống BM-30 thế hệ trước.

Kể từ khi thành phố cảng biển Mariupol (cách đơn vị quân đội Ukraine ở gần nhất khoảng 90 km vào thời điểm đó) bị tấn công bằng tên lửa trong nhiều đêm liền vào tuần trước, tên lửa Vilkha-M của Ukraine mới bắt đầu được phía Nga coi trọng.

Đạn Vilkha-M với các lỗ nhỏ trên thân giúp nó bay chính xác hơn (Ảnh: NetEasy).

Đạn Vilkha-M với các lỗ nhỏ trên thân giúp nó bay chính xác hơn

(Ảnh: NetEasy).

Cho đến nay, Mỹ đã từ chối cung cấp cho Ukraine tên lửa đạn đạo tầm ngắn của Hệ thống tên lửa chiến thuật Lục quân (ATACMS) với tầm bắn 320 km, nhưng phiên bản mới nhất, Vilkha-M có tầm bắn có thể lên tới 150 km cho thấy Ukraine đang phát triển và trang bị các tên lửa chính xác tầm xa của riêng mình. Khi đó, Nga sẽ phải đương đầu với đối thủ khó đối phó hơn.

Về lịch sử phát triển, vào tháng 1 năm 2016, Tổng thống Ukraine khi đó là Poroshenko lần đầu tiên công khai dự án bệ phóng tên lửa đa năng Vilkha tại Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine. Dự án được Ray Design Bureau (Cục Thiết kế đường đạn, RDB) lãnh đạo và phát triển với sự hợp tác của các công ty nhà nước và tư nhân. Tên lửa có tầm bắn 70 km, hệ thống điều khiển bay, nhiên liệu tên lửa, đầu đạn và khung gầm xe tải đều do Ukraine tự thiết kế. Vụ bắn thử nghiệm đầu tiên được thực hiện trong cùng năm 2016.

So sánh dàn BM-30 Smerch của Nga (trái) với Vilkha-M của Ukraine. (Ảnh: Sohu).

So sánh dàn BM-30 Smerch của Nga (trái) với Vilkha-M của Ukraine.

(Ảnh: Sohu).

Tháng 5/2017, ông Poroshenko đã tới hiện trường theo dõi vụ phóng thử tên lửa. Sau đó Vilkha được ra mắt công chúng tại cuộc diễu binh nhân Ngày Độc lập ở Kiev hôm 24/8/2018. Vào tháng 10 cùng năm, Bộ Quốc phòng Ukraine ký kết hợp đồng bắt đầu sản xuất hàng loạt để cung cấp cho Lực lượng Vũ trang Ukraine. Vào tháng 5/2020, Cục thiết kế RDB đã hoàn thành hợp đồng sản xuất hàng loạt và bàn giao toàn bộ tên lửa cho Quân đội Ukraine.

Năm 2019, quá trình nâng cấp hệ thống phóng tên lửa tầm xa Vilkha-M bắt đầu và tầm bắn được tăng lên 130 km. Đến nay Vilkha-M đã được Ukraine đưa vào thực chiến.

Cận cảnh các lỗ nhỏ phụt nhiên liệu đẩy trên thân đạn (Ảnh: NetEasy).

Cận cảnh các lỗ nhỏ phụt nhiên liệu đẩy trên thân đạn (Ảnh: NetEasy).

Một số thông số cơ bản:

Khung gầm xe sử dụng: KrAZ-7634; Số ống phóng: 12

Tầm bắn xa nhất: Vilkha: 70km, Vilkha-M: 130km

Trọng lượng đầu đạn: Vilkha: 250kg, Vilkha-M: 170kg

Tốc độ bắn loạt: 48 giây cho 12 đạn.