Khai thác điện năng từ sàn nhà làm từ bột gỗ nano

Với chất liệu rẻ tiền và công nghệ đơn giản, phương pháp này hứa hẹn một sự đột phá mới trong lĩnh vực năng lượng xanh của tương lai.
Giáo sư Wang cùng với tấm sàn gỗ có khả năng phát điện làm từ nanocellulose. Nguồn ảnh: yahoo
Giáo sư Wang cùng với tấm sàn gỗ có khả năng phát điện làm từ nanocellulose. Nguồn ảnh: yahoo

Từ trước đến nay, hàng ngàn kĩ sư và các nhà khoa học trên khắp thế giới vẫn tiếp tục nghiên cứu để cải tiến những phương pháp khai thác năng lượng Mặt Trời hiệu quả hơn nữa. Gần đây, tại phòng thí nghiệm của trường Đại học Wisconsin-Madison, một nhà khoa học đã phát minh ra cách thức tạo ra điện mới vô cùng độc đáo.

Vật liệu công nghệ cao này hoàn toàn thân thuộc đối với chúng ta, đó chính là bột gỗ. Các nhà khoa học đã biến các bột gỗ phế phẩm từ quá trình cắt ván gỗ trở thành các sợi nano cellulose, sau đó ép thành những tấm ván gỗ lót sàn có khả năng phát ra điện khi chúng ta bước lên.

Sau khi xử lý hóa học bột gỗ, nhóm nghiên cứu do giáo sư khoa học vật liệu và kỹ thuật Xudong Wang dẫn đầu đã nhận ra sàn gỗ này có khả năng phát ra điện vì lực tác động khiến cho các sợi nano xenlulo ma sát vào nhau. Lượng điện phát ra thậm chí có thể đủ để cung cấp cho pin điện thoại và đèn điện trong nhà.

Phương pháp của giáo sư Wang đặc biệt ở chỗ nó tạo ra một hướng đi mới trong lĩnh vực tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế. Phát hiện này có chi phí rất rẻ cũng như kĩ thuật chế tạo hết sức đơn giản. Nếu như chúng ta có thể cải tiến công nghệ hơn nữa thì đây sẽ là một phương pháp đầy tiềm năng trong việc cung cấp nguồn năng lượng thay thế, thậm chí có thể vượt qua được cả nguồn năng lượng Mặt Trời.  

"Khác với điện Mặt Trời, điện năng có được từ các tấm sàn gỗ có tính ổn định hơn rất nhiều. Chúng ta có thể luôn có được điện bất kể thời tiết thay đổi như thế nào. Tuy nhiên, phương pháp này cần được áp dụng ở những nơi luôn có người sinh sống và hoạt động”, giáo sư Wang cho biết.

Chính vì thế, những tấm sàn gỗ này khi được lắp đặt ở những khu vực đông dân như sân vận động thể thao hoặc các trường Đại học sẽ giúp tạo ra một lượng lớn năng lượng. Ngoài ra, các tấm sàn gỗ này có thể được đặt chồng nhiều lớp lên nhau để giúp tăng thêm sản lượng điện.

"Thử nghiệm ban đầu của chúng tôi trong phòng thí nghiệm cho thấy rằng những tấm gỗ này có thể trải qua hàng triệu chu kỳ thu phát điện mà không nảy sinh bất kỳ vấn đề gì”, Wang nói thêm.

Cellulose đơn giản là sự kết hợp của các phân tử Glucose được liên kết với nhau tạo thành một chuỗi dài. Khi ta thu nhỏ chuỗi Cellulose này ở cấp độ nano, sau đó tái cấu trúc nó thành một chuỗi polyme dài hoặc đan chuỗi ấy tạo thành một mạng tinh thể, ta sẽ có được Nanocellulose – một loại vật liệu siêu bền, siêu nhẹ, dẫn điện. Chính những tính chất này đã tạo nên một siêu vật liệu với những tiềm năng to lớn có thể thay đổi thế giới của chúng ta.

Theo KHPT