Kết thúc hoạt động của các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ

VietTimes – Thông tin này được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6, khóa 12 sáng 11/10.
Trung ương thống nhất kết thúc hoạt động của các ban chỉ đạo Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Bắc. Ảnh: VGP
Trung ương thống nhất kết thúc hoạt động của các ban chỉ đạo Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Bắc. Ảnh: VGP

Theo Tổng bí thư, việc kết thúc hoạt động của các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ là một phần của nỗ lực thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương về định hướng tinh gọn bộ máy, đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập, công tác dân số và chăm sóc sức khỏe người dân...

Theo đó, Trung ương Đảng đã thống nhất việc xây dựng cơ chế cạnh tranh trong tuyển dụng, đề bạt cán bộ; tinh gọn đầu mối bên trong của các tổ chức thuộc hệ thống chính trị theo nguyên tắc một tổ chức có thể đảm nhiệm nhiều việc; một việc chỉ do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính...

Ba Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ là các cơ quan được thành lập trong giai đoạn từ 2002 – 2004 theo quyết định của Bộ Chính trị và do Bộ Chính trị trực tiếp quản lý, giám sát.

Nhiệm vụ của các Ban Chỉ đạo là giúp Bộ Chính trị chỉ đạo, hướng dẫn và giám sát thực hiện các Nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh tại các vùng, các tỉnh mà Ban Chỉ đạo được giao phụ trách.

Trung ương chỉ rõ: Tập trung ưu tiên triển khai ngay những việc đã rõ, đã chín và được nhất trí cao; còn đối với những việc chưa đủ rõ, quá phức tạp, ý kiến còn khác nhau nhiều thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, quyết định sau, làm từng bước, chắc chắn. Ví dụ như: Kết thúc hoạt động của các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ; tổ chức lại Đảng bộ Ngoài nước và Đảng bộ Bộ Ngoại giao.

Với khoảng 58.000 đơn vị sự nghiệp công lập và 2,5 triệu biên chế đang làm việc tại đây, Trung ương yêu cầu phải khẩn trương sắp xếp, đổi mới tổ chức và hoạt động sao cho phù hợp với đặc điểm tình hình của từng ngành, lĩnh vực và địa bàn, gắn với đẩy mạnh xã hội hóa, nhưng không thương mại hóa.

Trong việc đổi mới hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, phương hướng là giảm mạnh sự can thiệp hành chính của cơ quan chủ quản vào hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của đơn vị; từng bước tiến tới xóa bỏ "chủ quản" theo cơ chế cũ.