Kết thúc đấu giá Sabeco: “Cả nhà cùng vui“​

VietTimes -- Công ty TNHH Vietnam Beverage (“cánh tay nối dài” của đại gia đồ uống Thái Lan - ThaiBev) thực tế đã đăng ký mua tới 343.662.587 cổ phần, tức là toàn bộ số cổ phần Sabeco mà Bộ Công thương chào bán; Chứ không phải chỉ là  327.053.405 cổ phần Sabeco, như cập nhật trước đó của Ban tổ chức chào bán cạnh tranh.
Cả người bán lẫn người mua đều được hưởng niềm vui sau phiên đấu giá của Sabeco. (Ảnh: Internet)
Cả người bán lẫn người mua đều được hưởng niềm vui sau phiên đấu giá của Sabeco. (Ảnh: Internet)
Phiên đấu giá lịch sử và tốn nhiều giấy mực của Sabeco cuối cùng cũng đã kết thúc, với một kết quả thành công.

Toàn bộ 343.662.587 cổ phần Sabeco mà Bộ Công thương đem ra chào bán cạnh tranh lần này đã được mua hết. Cả người bán lẫn người mua đều được hưởng niềm vui.

Thông báo của Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. HCM (HoSE) – đơn vị tổ chức đấu giá – cho thấy, giá trúng cao nhất là 320.500 đồng/cổ phần. Tuy nhiên, giá trúng trung bình chỉ là 320.000 đồng/cổ phần – bằng giá trúng thấp nhất và cũng chính là giá khởi điểm.

Điều này có thể được lý giải do sự chênh lệch quá lớn trong quy mô đặt mua của hai nhà đầu tư tham dự phiên đấu giá.

Nhà đầu tư tổ chức - được xác định là Công ty TNHH Vietnam Beverage – thực tế đã đăng ký mua tới 343.662.587 cổ phần, tức là toàn bộ số cổ phần Sabeco mà Bộ Công thương chào bán; Chứ không phải chỉ là 327.053.405 cổ phần Sabeco, như cập nhật trước đó của Ban tổ chức chào bán cạnh tranh.

Ngược lại với quy mô đăng ký tối đa có thể của đối thủ, nhà đầu tư cá nhân duy nhất tham gia phiên đấu giá chỉ đăng ký mua 20.000 cổ phần – mức đăng ký mua tối thiểu được quy định trong quy chế chào bán cạnh tranh lần này.

Kết quả, cả hai nhà đầu tư đều trúng đấu giá, đều được toại nguyện.

Kết thúc đấu giá Sabeco: “Cả nhà cùng vui“​ ảnh 1Kết quả phiên đấu giá Sabeco vừa diễn ra. (Ảnh: MOIT)

Nhà đầu tư cá nhân chi ra 6.410.000.000 đồng để đổi lấy 20.000 cổ phần SAB – cũng là toàn bộ khối lượng mà người này đăng ký mua.

Công ty TNHH Vietnam Beverage (VietBev) chi ra 109.965.627.840.000 đồng để đổi lấy 343.642.587 cổ phần SAB – gần như ôm trọn quy mô chào bán của Bộ Công thương. Sau giao dịch, VietBev sẽ thay thế Bộ Công thương để trở thành cổ đông lớn nhất của Sabeco, với tỷ lệ sở hữu 53,59% vốn điều lệ. Sabeco, theo đó, cũng trở thành công ty con của VietBev – một pháp nhân vừa được thành lập cách đây 2 tháng, với vốn điều lệ chỉ 682 tỷ đồng.

VietBev hẳn không phải khó chịu gì khi phải chia sẻ 20.000 cổ phần Sabeco cho nhà đầu tư cá nhân người Việt – đối thủ của họ trong phiên đấu giá.

Thậm chí, VietBev và cả Bộ Công thương nữa, có lẽ còn phải nên cảm ơn nhà đầu tư này. Bởi lẽ, nếu không có sự xuất hiện vào phút cuối của anh ta, phiên đấu giá đã chẳng đủ điều kiện để tiến hành.

Khoản 9.2, Điều 9, Quy chế chào bán cạnh tranh cổ phần Sabeco lần này quy định: “Phiên chào bán cạnh tranh được tiến hành khi có ít nhất hai (02) Nhà đầu tư nộp phiếu tham dự cạnh tranh. Nếu không đủ điều kiện này thì không tổ chức chào bán cạnh tranh và việc chào bán sẽ áp dụng Khoản 14.1 Điều 14 Quy chế này”.

Sẽ có ý kiến cho rằng, việc sắp xếp cho một nhà đầu tư cá nhân vô danh tham dự phiên đấu giá này - với một quy mô đăng ký ở mức tối thiếu - chỉ là một động tác kỹ thuật, để phiên đấu giá đủ điều kiện diễn ra theo kế hoạch. Tuy nhiên, nhận định này có phần khiên cưỡng.

Nó cũng khiên cưỡng như nhận định, rằng với việc chỉ có 2 nhà đầu tư đăng ký tham dự đấu giá – trong đó một nhà đầu tư đăng ký mua trọn vẹn khối lượng chào bán, còn một nhà đầu tư chỉ đăng ký khối lượng tối thiểu – thì kết quả đấu giá vốn đã an bài trước giờ G.

Phiên đấu giá có thể không gay cấn, vì “tỷ lệ chọi” thấp. Nhưng hãy nhớ rằng, mức giá khởi điểm 320.000/cổ phần Sabeco – mà nhiều người từng cho là phi lý – vốn đã là một bộ lọc khốc liệt cho tất cả các ứng viên tiềm năng. Không có nhiều nhà đầu tư tham gia phiên đấu giá không có nghĩa rằng có ít nhà đầu tư quan tâm đến Sabeco.

Khách quan mà nói, Bộ Công thương đã có một thương vụ thành công!

53,59% cổ phần Sabeco vừa chào bán sẽ đem lại cho ngân sách 109.972.037.840.000 tỷ đồng – mức kỷ lục từ trước đến nay trong hoạt động thoái vốn nhà nước và gần bằng một nửa số tiền mà Việt Nam phải trả nợ nước ngoài cả gốc và lãi năm 2017.

Thương vụ này sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Chính phủ, trong việc thực hiện kế hoạch cân đối ngân sách mà Quốc hội đã đề ra cho năm 2017. Nên biết, lũy kế 11 tháng đầu năm 2017, thu từ thoái vốn, cổ phần hóa phải nộp về ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội là hơn 22.709 tỷ đồng, mới chỉ đạt 37,84% kế hoạch.

Nên biết, sau khi chuyển nhượng 53,59% cổ phần Sabeco cho VietBev, cổ đông Nhà nước sẽ vẫn chi phối 36% cổ phần Sabeco – mức vừa đủ để duy trì quyền phủ quyết tại doanh nghiệp./.