“Kẻ tội đồ” đã đẩy đế chế hơn 140 năm tuổi Toshiba tới bước đường cùng là ai?

Quyết định sai lầm khi bỏ ra mức giá đắt gấp đôi, tới 5,4 tỷ USD để mua lại nhà máy điện hạt nhân Westinghouse Electric đã khiến Toshiba phải trả giá đau đớn.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Toshiba đang trong cuộc khủng hoảng có thể nói là tồi tệ nhất trong lịch sử hơn 142 năm của tập đoàn này. Vậy tại sao tình hình lại trở nên tồi tệ tới vậy? Dưới đây là chi tiết những gì đã xảy ra với một trong những công ty từng được ngưỡng mộ nhất Nhật Bản dưới dạng hỏi đáp của tờ Nikkei.

Q: Tại sao Toshiba lại chuyển từ chiến lược tập trung vào thiết bị điện tử sang phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân?

A: Mảng điện tử gia đụng đã không còn mang lại nhiều lợi nhuận cho tập đoàn trong bối cảnh những đối thủ cạnh tranh tại Hàn Quốc, Trung Quốc hay Đài Lan bắt đầu sản xuất ti vi, tủ lạnh và máy tính – những sản phẩm vốn là kế sinh nhai chủ yếu của Toshiba.

Đến khi General Electric chuyển từ “B2C” sang “B2B”, Toshiba cũng thực hiện những bước tương tự và tập trung chủ yếu và năng lượng hạt nhân, chăm sóc sức khỏe, giao thông và chất bán dẫn. Tuy nhiên, trong khi GE thành công trong việc chuyển đổi mô hình kinh doanh của mình và hiện là công ty lớn thứ 11 thế giới về giá trị thị trường thì Toshiba lại đang trong bờ vực phá sản.

Q: Đằng sau quyết định mua lại nhà máy điện hạt nhân Westinghouse Electric là gì?

A: Trong năm 2006, Toshiba đã mua lại Westinghouse từ công ty năng lượng hạt nhân Anh với giá 5,4 tỷ USD – mức giá được cho là cao gấp đôi so với giá mà đối thủ cạnh tranh của họ là Mitsubishi Heavey Industries đưa ra. Toshiba nhận thấy nhu cầu tăng mạnh đối với nguồn năng lượng hạt nhân tại Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ khi những quốc gia này tìm kiếm nguồn năng lượng ít xả thải hơn.

Q: Tại sao đó lại biến thành một quyết định sai lầm?

A: Trở ngại đầu tiên tới sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008 khiến việc huy động vốn trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân trở nên rất đắt đỏ, trị giá từ 3 – 5 tỷ USD.

Sau đó, tới ngày 11/3/2011, trận động đất và sóng thần tại Nhật Bản diễn ra khiến ngân sách dành cho những nhà máy điện hạt nhân trở nên khắt khe hơn đáng kể, các khoản đầu tư tập trung vào việc chống động đất, sóng thần nhiều hơn. Việc xây dựng một nhà máy hạt nhân hiện giờ trị giá tới 10 tỷ USD.

Hơn nữa, việc giá dầu sụt giảm mạnh và sự xuất hiện của dầu từ đá phiến khiến đây trở thành nguồn năng lượng tiết kiệm hơn so với việc bỏ ra quá nhiều tiền để xây dựng một nhà máy điện hạt nhân. Ngày 29/3, hội đồng quản trị Toshiba đã thông qua kế hoạch đệ đơn xin phá sản nhà máy Westinghouse ở Mỹ.

Q: Toshiba vẫn duy trì mảng kinh doanh hạt nhân sau thảm họa Fukushima, tại sao?

A: Khi thủ tướng Đức Angela Merkel quyết định từ bỏ năng lượng hạt nhân và hướng tới một loại nhiên liệu có lượng carbon thấp hơn, đối thủ tại Đức của công ty là Siemens đã ngay lập tức từ bỏ ngành công nghiệp hạt nhân. Tuy nhiên, Toshiba vãn khăng khăng duy trì mảng kinh doanh này bởi họ cho rằng vẫn nhìn thấy nhu cầu tăng lên ở Trung Quốc và Ấn Độ và bởi nó vẫn có luồng doanh thu tốt.

Khi báo cáo kết quả kinh doanh của Toshiba được công bố vào năm 2015, công ty cho biết họ tập trung vào 2 mảng chính là năng lượng hạt nhân và chất bán dẫn. Tuy nhiên, thật không may là Toshiba đã thất bại trong việc dự đoán nhu cầu năng lượng toàn cầu. Trong khi đó, Berkshire Hathaway - công ty của tỷ phú Warren Buffett lại tỏ ra khôn ngoan hơn khi bắt đầu rút lui dần khỏi những khoản đầu tư vào năng lượng hạt nhân thời điểm này.

Q: Liệu việc tổng thống Trump đắc cử có ảnh hưởng gì tới tình huống này không?

A: Chính quyền ông Obama luôn kiên quyết theo đuổi năng lượng hạt nhân, cung cấp những khoản đầu tư khổng lồ cho dự án năng lượng hạt nhân ở bang Georgia và South Carolina (nơi đặt nhà máy Westinghouse). Nhưng ông Trump lại không tỏ ra thích thú với vấn đề này.

Kết quả là, tính tới cuối tháng 12 năm ngoái, Toshiba đã bị âm vốn chủ sở hữu tới 225,6 tỷ yen (2,1 tỷ USD). Hiện tại Toshiba gần như không còn khả năng trả nợ và bản thân phía công ty thì tuyên bố: Chúng tôi khó có thể tiếp tục sinh tồn!

Một tia hy vọng duy nhất vào lúc này đối với Toshiba và thương vụ bán lại mảng kinh doanh chip nhớ. Nếu việc rao bán thành công, Toshiba sẽ có một khoản tiền đáng kể để giải quyết "mớ hỗn độn" đang diễn ra.

Theo Trí thức trẻ

http://genk.vn/ke-toi-do-da-day-de-che-hon-140-nam-tuoi-toshiba-toi-buoc-duong-cung-la-ai-20170417162731921.chn