Kế hoạch xử lý 15.000 tỷ đồng nợ xấu của Sacombank trong năm 2020

VietTimes -- VCSC kỳ vọng kế hoạch xử lý 12.000 - 15.000 tỷ đồng nợ tồn đọng (nợ xấu) của Sacombank trong năm 2020 sẽ được “xác thực” tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) dự kiến tổ chức vào sáng 24/4. Việc xử lý nợ tồn đọng, đặc biệt là nợ xấu, từ lâu đã là mối quan tâm hàng đầu của các cổ đông ở Sacombank dưới “triều đại” của ông Dương Công Minh.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Kể từ khi ông Dương Công Minh được bầu vào “ghế” Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - Mã CK: STB), nhà đầu tư dần quen với các báo cáo quản trị dài “lê thê” của nhà băng này với dày đặc các nghị quyết của HĐQT về việc xử lý nợ.

Các báo cáo này cũng là minh chứng cụ thể cho thấy những “Nỗ lực xử lý cơ bản nợ xấu trong vòng 3-5 năm” của người đứng đầu Sacombank, bên cạnh các con số trên báo cáo tài chính.

Cụ thể, báo cáo tình hình quản trị công ty giai đoạn năm 2019 của Sacombank cho thấy HĐQT đã ra nhiều nghị quyết phê duyệt phương án xử lý nợ, xử lý khoản vay của nhiều cá nhân, doanh nghiệp.

Trong đó có thể kể tới một số cái tên như: CTCP Khu du lịch Làng Chài; Công ty TNHH Thắng Lợi; Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Thế Giới Xanh hay việc xử lý số tiền thanh lý tài sản bảo đảm các khoản vay của ông Trầm Bê và những người có liên quan.

Ở chuyên mục “thanh lý tài sản”, Sacombank cũng rao bán nhiều bất động sản có giá trị lớn tại Tp. HCM, Hà Nội và nhiều địa phương khác.

Riêng tại Tp.HCM, Sacombank đang rao bán một số bất động sản đáng chú ý như: các lô đất có tổng diện tích 20.803,2 m2 thuộc dự án Khu dân cư Bảo Hưng (Phường 6, Quận 8) và 2 quyền sử dụng đất khác cách đó 300 m (12.669 m2) có giá khởi điểm 711 tỷ đồng; một số thửa đất có tổng diện tích 76.246 m2 ở xã Phong Phú, huyện Bình Chánh được rao bán khởi điểm 798 tỷ đồng (trước đó là 931 tỷ đồng); khu đất 6.327 m2 ở số 245/61B Hòa Bình (Phường Hiệp Tân, quận Tân Phú) có giá 355 tỷ đồng; khu đất 6.382 m2 tại số 36/70 đường D2 (Phường 25, Quận Bình Thạnh) có giá 400,35 tỷ đồng.

Ông Dương Công Minh để lại nhiều dấu ấn tại Sacombank (Ảnh: Tri thức trẻ)
Ông Dương Công Minh để lại nhiều dấu ấn tại Sacombank (Ảnh: Tri thức trẻ)

Bên cạnh đó, nhà băng này đã thanh lý được nhiều bất động sản như: 37 quyền sử dụng đất diện tích 7,2 ha tọa lạc tại ấp Phước Yên, xã Phú Quới, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long thuộc dự án KDC – DV Phước Yên; khu đất 602.225,8 m2 thuộc dự án KDC phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, Tp. Cần Thơ.

Riêng tại Tp. HCM, Sacombank đã thanh lý được các bất động sản tại 61-63A Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Phường Bến Thành, Quận 1), số 391-393-395-397 Trần Hưng Đạo (Phường 10, Quận 5), số 41-43C Hải Thượng Lãn Ông (Phường 10, Quận 5), số 333 Điện Biên Phủ (Phường 4, Quận 3), số 28 - 30 Nguyễn Biểu (Phường 1, Quận 5);

Trước đó, Sacombank đã thanh lý được nhiều bất động sản có giá trị lớn, trong đó phải kể tới ba tài sản là quyền sử dụng đất tại Khu công nghiệp Đức Hòa III Long An.

Một ví dụ về xử lý nợ xấu
Ban đầu, khối tài sản này được Sacombank chào giá 9.988 tỷ đồng nhưng sau 2 lần “ế” khách, nhà băng này đã hạ giá khởi điểm xuống chỉ còn 9.089 tỷ đồng và bán thành công cho các đối tác.

Thương vụ vẫn còn đó một số điểm băn khoăn, đặc biệt là khi bên nhận chuyển nhượng chỉ phải chuyển trước 920 tỷ đồng, trong khi số tiền còn lại được thanh toán trả chậm trong vòng 7 năm kể từ ngày ký hợp đồng, ân hạn 2 năm đầu, phí chả chậm 7,5%/năm.

Trên báo cáo tài chính, Sacombank cũng cho thấy nhà băng này tích cực trích lập và xử lý các khoản nợ tại VAMC.

Số dư mệnh giá trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành đầu năm 2019 là 40.233,215 tỷ đồng thì đến giữa năm giảm xuống còn 38.567,775 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2019, giá trị khoản mục chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành (chủ yếu là trái phiếu VAMC) giảm xuống chỉ còn 33.647,189 tỷ đồng.

Như vậy, có thể thấy trong năm 2019, Sacombank đã xử lý được hơn 6.586 tỷ đồng trái phiếu VAMC, chưa kể các khoản dự phòng với giá trị ghi nhận cuối kỳ đạt hơn 3.936 tỷ đồng.

Các tài sản có khác được Sacombank ghi nhận trên báo cáo tài chính cũng giảm hơn 5.000 tỷ đồng so với đầu năm, xuống mức 42.652,956 tỷ đồng (chiếm 9,4% tổng tài sản).

Mặt khác, tỷ lệ nợ xấu của Sacombank tính đến cuối năm 2019 giảm từ mức 2,2% hồi đầu năm xuống chỉ còn 1,9%. Song, có một chi tiết cần lưu ý, các khoản nợ nhóm 4 và nhóm 5 của nhà băng này tăng lần lượt là 32% và 1,3% so với đầu năm 2019.

Năm 2020, việc xử lý các khoản nợ tồn đọng ở Sacombank được kỳ vọng nhiều hơn.

Trong báo cáo công bố gần đây, CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết kế hoạch trước đại hội của Sacombank là sẽ xử lý 12.000-15.000 tỷ đồng nợ tồn đọng trong năm 2020, không tính việc thanh lý quỹ đất Phong Phú.

VCSC kỳ vọng các thông tin chi tiết hơn về xử lý các khoản nợ lớn như thanh lý quỹ đất tại Phong Phú và thu hồi nợ gốc ở Cần Đước sẽ được công bố trong phần hỏi đáp ở phiên họp ĐHĐCĐ thường niên của Sacombank sắp tới.

Công ty phân tích giữ nguyên giả định quỹ đất tại Phong Phú sẽ sớm được thanh lý trong năm 2020, các khoản nợ gốc ở Cần Đước sẽ được thu hồi trong năm 2021 và Sacombank sẽ “sạch” nợ tại VAMC vào cuối năm 2022./.