Kế hoạch đánh thuế tài sản của 2 ứng viên Warren và Sanders thực sự có hiệu quả? Giới kinh tế học đã có câu trả lời

VietTimes -- Tính từ năm 1982 đến năm 2018, tài sản mà 400 người giàu nhất nước Mỹ nắm giữ đã tăng từ 1% lên 3,5% tổng tài sản của nước này, tương đương 3 nghìn tỷ USD.
Kế hoạch đánh thuế tài sản của bà Warren được giới chuyên gia kinh tế đánh giá là khả thi (Ảnh: Reuters)
Kế hoạch đánh thuế tài sản của bà Warren được giới chuyên gia kinh tế đánh giá là khả thi (Ảnh: Reuters)

Emmanuel Saez và Gabriel Zucman – 2 chuyên gia kinh tế thuộc ĐH Califronia đã đưa ra con số ước tính trên – điều này một phần là do những gia đình giàu có nhất nước Mỹ chỉ công bố một phần nhỏ thu nhập kinh tế hàng năm của họ, trong khi đem phần tài sản còn lại tiếp tục đầu tư vào chứng khoán và nhiều loại tài sản khác.

Ông Saez đã tham gia vào hàng loạt nghiên cứu chấn động về thu nhập, bất bình đẳng và chuyển dịch kinh tế ở nước Mỹ. Ông và Zucman đã hợp tác trong nhiều nghiên cứu về các chủ đề trên kể từ năm 2014 và mới đây cho ra ra mắt cuốn sách “Thắng lợi của sự bất công: Cách người giàu trốn thuế và làm thế nào để bắt họ trả thuế”.

“Sự bất công lớn nhất của hệ thống thuế nước Mỹ ngày nay chính là sự giảm dần của tiền thuế từ những người ở trên đỉnh: Những tỷ phú trong top 400 người giàu nhất lại đóng thuế ít hơn tầng lớp trung lưu (so với nguồn thu nhập thực tế của họ)” – hai nhà kinh tế học viết trong một bản nghiên cứu công bố hồi tháng 9.

Nghiên cứu của 2 kinh tế gia này chắc hẳn sẽ trở thành một đề tài đầy khiêu khích nếu như ý tưởng đánh thuế tài sản không được 2 ứng viên đang chạy đua giành vị trí đại diện đảng Dân chủ ra tranh cử Tổng thống Mỹ 2020 đưa ra từ trước đó. Ý tưởng đánh thuế tài sản không chỉ được đưa ra bởi thượng nghị sĩ Bernie Sanders hay thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, mà cả từ Saez và Zucman.

Đánh thuế nhằm vào tài sản, thay vì thu nhập, đã trở thành một đề tài nóng bỏng trong vòng tranh luận thứ tư của đảng Dân chủ tổ chức tại Ohio vào đêm ngày 15/10 vừa qua, trong đó một số trong 10 ứng viên tham gia bác bỏ đề xuất này vì cho rằng nó quá cực đoan.

Doanh nhân Andrew Yang – một trong số các ứng viên – nói rằng việc đánh thuế tài sản như vậy là không thực tế. Ứng viên Beto O’Rourke thì gọi biện pháp này là mang tính chất “trừng phạt”. Ứng viên Amy Klobuchar nói: “Khi tôi nhìn vào đề xuất này, tôi nghĩ tới ông Donald Trump”, ám chỉ rằng việc đánh thuế tài sản tệ hại đến mức nó sẽ giúp cho vị Tổng thống của đảng Cộng hòa tái đắc cử.

Tuy nhiên, bà Warren và ông Sanders lại xem việc đánh thuế tài sản như một giải pháp cho những vấn đề xã hội – kinh tế của nước Mỹ.

“Nên hiểu rằng việc đánh thuế thu nhập sẽ không thể đưa chúng ta đến đúng nơi mà đánh thuế tài sản có thể” – bà Warren nói trong vòng tranh luận mới đây, thêm rằng những tỷ phú giàu có nhất “đang kiếm tiền dựa trên số tài sản được tích lũy của họ, và chúng cứ thế tăng lên”.

Hai đề xuất của Warren và Sanders

Các đề xuất mà bà Warren và ông Sanders đưa ra chỉ khác biệt đôi chút, nhưng có cùng một mục đích: Tái cân bằng phân phối tài sản trong xã hội nước Mỹ để có nguồn vốn rót cho các chương trình xã hội như miễn học phí đại học mà họ từng hứa hẹn trước giới cử tri.

Bà Warren đề xuất áp mức thuế 2% đối với các hộ gia đình sở hữu tài sản trên 50 triệu USD, và 3% đối với khối tài sản trên 1 tỷ USD. Theo nghiên cứu mới đây nhất của Saez và Zucman, nếu áp dụng đề xuất của bà Warren, thì trong năm nay khối tài sản của người giàu bị đánh thuế sẽ lên tới 11 nghìn tỷ USD, thu về cho ngân sách khoản tiền thuế ít nhất là 220 tỷ USD.

Còn ông Sanders lại đưa ra một đề xuất áp thuế theo lũy tiến, bắt đầu bằng mức 1% đối với khối tài sản trên 32 triệu USD, tăng lên 2% đối với khối tài sản từ 50 triệu – 250 triệu USD và lên tới 8% đối với khối tài sản trên 10 tỷ USD. Theo ước tính của phía chiến dịch tranh cử của ông Sanders, nếu được áp dụng đối với các hộ gia đình giàu nhất nước Mỹ (chiếm 0,1% dân số), đề xuất này sẽ mang lại khoản tiền thuế lên tới 4,35 nghìn tỷ USD trong vòng 1 thập kỷ tới.

Bắt người giàu chi thêm tiền thuế

Theo Saez và Zucman, nghiên cứu của họ chỉ ra rằng thuế tài sản chính là biện pháp hữu hiệu để cân bằng khoản tiền thuế mà những người có khối tài sản khổng lồ như nhà đầu tư Warren Buffet hay ông chủ Amazon Jeff Bezos và tầng lớp trung lưu phải chi, và sau đó áp dụng cho toàn nền kinh tế.

Nếu như đề xuất của bà Warren được áp dụng từ năm 1982, thì khối tài sản của 400 người giàu nhất nước Mỹ vẫn tăng – nhưng chỉ ở mức 2%. Và việc áp dụng mức thuế 10% đối với khối tài sản trên 1 tỷ USD cũng sẽ giữ cho tỷ lệ tài sản mà nhóm này nắm giữ ổn định hơn.

Cụ thể hơn với mỗi cá nhân, nếu áp dụng mức thuế 3% đối với khối tài sản trên 1 tỷ USD, thì tài sản hiện nay của tỷ phú Jeff Bezos chỉ là 86 tỷ USD, chứ không phải 160 tỷ USD như trên thực tế. Và ông trùm casino Sheldon Adelson cũng chỉ có khối tài sản 18 tỷ USD, thay vì 35 tỷ USD như trên thực tế.

Có nhiều quốc gia châu Âu trước kia từng áp dụng thuế tài sản, nhưng phần lớn đều đã từ bỏ. Pháp – một trong số những nước như vậy – đã hủy bỏ thuế tài sản vào cuối năm 2017 sau khi hàng nghìn triệu phú ở nước này chuyển ra sinh sống ở những quốc gia có mức thuế thấp.

Nhưng ông Saez và Zucman cho rằng lịch sử của châu Âu về thuế tài sản không thể áp dụng cho nước Mỹ bởi các nước châu Âu đặt ra mức tài sản sàn để áp thuế quá thấp và bởi việc chuyển sang một nước khác sinh sống quá dễ dàng. Nhưng Mỹ lại khác, hệ thống thuế áp dụng với tất cả công dân, bất kể là họ đang sống ở đâu.

Theo Reuters