Kế hoạch chuyển đổi số năm 2022 có tới 45 nhiệm vụ quan trọng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Kế hoạch chuyển đổi số năm 2022 với khoảng 45 nhiệm vụ quan trọng, trong đó 18 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá được phân công tới từng thành viên Ủy ban Quốc gia.
Đại diện Bộ TT&TT cho biết, kế hoạch chuyển đổi số năm 2022 có khoảng 45 nhiệm vụ quan trọng.
Đại diện Bộ TT&TT cho biết, kế hoạch chuyển đổi số năm 2022 có khoảng 45 nhiệm vụ quan trọng.

Nội dung này được đưa ra tại Diễn đàn trực tuyến Chuyển đổi số Việt Nam 2021 (Vietnam DX Summit 2021) lần thứ hai do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) phối hợp với Viện Công nghiệp Phần mềm và Nội dung số Việt Nam, Bộ TT&TT tổ chức.

Bước tiến nhanh…

Việt Nam là một trong những nước đầu tiên trên thế giới ban hành chiến lược về chuyển đổi số, nhằm hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có nhận thức về chuyển đổi số song hành cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để Việt Nam chủ động khai thác các cơ hội mà thời đại kỹ thuật công nghệ mới mang lại và bứt phá vươn tầm quốc tế.

Theo kết quả chỉ số xếp hạng “Sự trỗi dậy số” của các quốc gia năm 2021 do Trung tâm cạnh tranh số châu Âu thực hiện, đánh giá cho 3 năm từ 2018 đến năm 2020 của 137 quốc gia, Việt Nam được xếp hạng nhất về tốc độ tiến bộ trong nhóm Đông Á và Thái Bình Dương.

Theo một nghiên cứu của Microsoft và Trung tâm Dữ liệu Internet (IDC) thực hiện tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trước và sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, 74% lãnh đạo kinh doanh cho rằng cần phải đổi mới và khả năng đổi mới đóng vai trò quan trọng đối với hiệu suất và khả năng chống chịu của doanh nghiệp. 98% các doanh nghiệp tiên phong trong quá trình đổi mới tin rằng đổi mới là chìa khóa để nhanh chóng đáp ứng thách thức và cơ hội của thị trường.

Thực tế cho thấy họ là những doanh nghiệp đã trụ vững và phục hồi nhanh hơn các doanh nghiệp khác trước khủng hoảng.

Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam - ông Nguyễn Văn Khoa chia sẻ: “Chuyển đổi số đang tạo ra những sự thay đổi chưa từng có trong mọi lĩnh vực của sống kinh tế xã hội đất nước. Mỗi người dân và doanh nghiệp đang từng ngày cảm nhận được sự thay đổi sâu sắc đó".

Ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch VINASA

Ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch VINASA

"Năm chuyển đổi số Quốc gia 2020" đã đánh dấu sự khởi động đầy tích cực ở mọi cấp, mọi ngành, mọi lĩnh vực, mọi địa phương và toàn xã hội trong cuộc đua chuyển đổi số.

Tới nay, tiến trình chuyển đổi số tại Việt Nam đã nhanh chóng bước qua gia đoạn khởi động, chuẩn bị và giờ là bước sang một giai đoạn mới - giai đoạn triển khai cụ thể để tăng tốc, ông Khoa nhìn nhận. Trong đó, đa số các bộ, ngành, địa phương đều đã xây dựng và bắt đầu triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch về chuyển đổi số.

Khởi đầu cuộc hành trình

Hiện nay, nhận thức của xã hội về chuyển đổi số được lan tỏa rất nhanh chóng. Bên cạnh chất xúc tác đáng kể là đại dịch COVID-19, sự chuyển biến mạnh và tích cực này có được là nhờ rất nhiều chương trình xúc tiến, thúc đẩy của các cơ quan nhà nước từ cấp cao nhất, của các tổ chức chuyên môn, và nỗ lực không ngừng nghỉ của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ - lực lượng tiên phong của quá trình chuyển đổi số toàn diện quốc gia.

Nói rõ hơn, ông Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định, tại Việt Nam, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã được thành lập trên cơ sở kiện toàn Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, thể hiện ý chí và quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong thúc đẩy chuyển đổi số từ Trung ương đến cơ sở.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại Diễn đàn.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại Diễn đàn.

Bộ TT&TT cũng đã tham mưu Thủ tướng ban hành Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số và đã trình Chính phủ dự thảo Chiến lược phát triển Kinh tế số, xã hội số, dự kiến sẽ được phê duyệt trong tháng 12/2021.

“Chiến lược mang tính bao trùm, định hướng chuyển đổi số trong các lĩnh vực, đặc biệt là 8 lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số. Các Bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp sẽ căn cứ vào Chiến lược đã được ban hành để xây dựng Chiến lược, chương trình hành động của mình một cách phù hợp” - Thứ trưởng nói.

Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đang xem xét Kế hoạch chuyển đổi số năm 2021 với khoảng 45 nhiệm vụ quan trọng, trong đó 18 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá được phân công tới từng Thành viên Ủy ban Quốc gia. Kèm theo đó là hơn 50 tiêu chí định lượng, đo lường mức độ chuyển đổi số Quốc gia trong năm 2022.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham mưu Thủ tướng ban hành Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số và đã trình dự thảo Chiến lược phát triển Kinh tế số, xã hội số, dự kiến sẽ được phê duyệt trong tháng 12/2021. Chiến lược mang tính bao trùm, định hướng chuyển đổi số trong các lĩnh vực, đặc biệt là 08 lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số.

Các Bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp sẽ căn cứ vào Chiến lược đã được ban hành để xây dựng Chiến lược, chương trình hành động của mình một cách phù hợp.

Chuyển đổi số năm 2021 bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực. Rõ ràng nhất là nhận thức về chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và toàn dân đã được nâng cao. Công nghệ số đã từng bước thâm nhập vào hoạt động của Chính phủ, các ngành kinh tế và xã hội.

Đánh giá cao những kết quả đạt được nhưng cả ông Nguyễn Văn Khoa và Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đều cho rằng hành trình chuyển đổi số quốc gia để xây dựng kinh tế số, xã hội số mới đang ở giai đoạn khởi động cho một chặng đường dài với nhiều thách thức. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Đảng đã đề ra, đòi hỏi từng cấp, từng ngành, từng địa phương, từng doanh nghiệp, từng tổ chức, từng người dân trong xã hội phải nỗ lực vượt qua mọi thách thức, tăng tốc lộ trình và nâng cao hiệu quả hơn nữa công cuộc chuyển đổi số quốc gia.