Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani (trái) và người đồng cấp Thụy Sĩ Ignazio Cassis tại Ascona, Thụy Sĩ, ngày 12/8 (Ảnh: AFP) |
Ngoại trưởng Italy và Thụy Sĩ đã nhất trí hợp tác cùng nhau để đặt nền móng cho “hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine” lần thứ hai, trong đó có sự tham gia của Nga, một tuyên bố chung được công bố trên trang web Bộ Ngoại giao của cả hai nước cho biết.
Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên do Thụy Sĩ tổ chức vào tháng 6 chủ yếu được xây dựng xoay quanh “công thức hòa bình” của Kiev, trong đó yêu cầu Nga rút lực lượng khỏi tất cả các vùng lãnh thổ mà Ukraine tuyên bố chủ quyền. Moscow bác bỏ kế hoạch này vì cho rằng nó “xa rời thực tế”.
Nhiều quốc gia không tham gia hội nghị, trong đó có Trung Quốc, cho rằng sự vắng mặt của Nga tại hội nghị khiến mọi cuộc thảo luận trở nên vô nghĩa.
Đầu tháng này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng mặc dù Nga không được mời tham dự hội nghị đầu tiên nhưng đa số các nước trên thế giới muốn Moscow có mặt tại bàn đàm phán vào tháng 11, tức hội nghị lần thứ hai đã được lên kế hoạch tổ chức.
Tuyên bố chung của Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani và người đồng cấp Thụy Sĩ Ignazio Cassis cho biết: “Để đạt được hòa bình, đòi hỏi có sự tham gia và đối thoại giữa tất cả các bên”.
Tuyên bố nêu rõ, các Bộ trưởng nhất trí duy trì liên lạc và hợp tác để tạo ra “những điều kiện tốt nhất có thể cho hội nghị thượng đỉnh hòa bình lần thứ hai với sự tham gia của tất cả các bên, bao gồm cả Nga và tất cả các chủ thể toàn cầu có liên quan”.
Giới chức hai nước nhắc lại các điểm từ hội nghị hòa bình diễn ra vào tháng 6, trong đó tất cả các bên liên quan đến cuộc xung đột được kêu gọi thả tất cả tù nhân chiến tranh và đảm bảo an toàn lương thực, an toàn hạt nhân.
Tổng thống Vladimir Putin đã nói rằng việc Ukraine xâm nhập gần đây vào Vùng Kursk của Nga là một nỗ lực của Kiev, “với sự giúp đỡ của các ông chủ phương Tây”, nhằm củng cố vị thế đàm phán của mình.
“Nhưng làm thế nào chúng ta có thể đàm phán với những kẻ tiến hành tấn công bừa bãi vào dân thường, cơ sở hạ tầng dân sự hoặc cố gắng đe dọa các cơ sở năng lượng hạt nhân?”, ông Putin nói trong cuộc họp cấp cao hôm đầu tuần này.
Kiev đã phát động một cuộc tấn công xuyên biên giới quy mô lớn vào khu vực của Nga vào tuần trước, đây là cuộc tấn công lớn nhất như vậy kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột. Hai cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine đã làm hư hại nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye, làm hư hại một trong những tháp làm mát, Rosatom đưa tin vào tối 11/8.
Ông Putin nói rằng cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga là một nỗ lực nhằm chuyển hướng sự chú ý khỏi Donbass, nơi lực lượng Ukraine đã mất nhiều lãnh thổ vào tay Nga trong nhiều tháng qua. Ông nói, bằng cách tấn công Vùng Kursk, Kiev đã cố gắng công kích tinh thần của người dân Nga và nói thêm rằng cuộc tấn công đã có tác dụng ngược, thúc đẩy việc tuyển dụng cho quân đội.