Italy nổ "phát súng" đầu tiên trong việc cấm ChatGPT

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – ChatGPT đã khơi dậy làn sóng trí tuệ nhân tạo (AI) trên toàn thế giới. Tuy nhiên, Cục bảo vệ dữ liệu (DPA) của Italy ngày 31/3 đã nổ phát súng đầu tiên, thông báo cấm sử dụng ChatGPT.
Italy là quốc gia phương Tây đầu tiên cấm sử dụng ChatGPT (Ảnh: Yahoo).
Italy là quốc gia phương Tây đầu tiên cấm sử dụng ChatGPT (Ảnh: Yahoo).

Lý do DPA đưa ra quyết định cấm là nghi ngờ ChatGPT vi phạm quyền riêng tư và mở cuộc điều tra về cách xử lý dữ liệu người dùng của Công ty OpenAI. Với quyết định này, Italy đã trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên trên thế giới vô hiệu hóa ChatGPT.

Theo các hãng truyền thông CNN, BBC, Cục bảo vệ dữ liệu của Italy tuyên bố rằng Công ty OpenAI đã thu thập và lưu trữ một lượng lớn dữ liệu cá nhân để huấn luyện hành vi của chatbot, điều này không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào. Đồng thời, do OpenAI không xác minh độ tuổi của người dùng, trẻ em cũng có thể nhận được các câu trả lời không phù hợp với nhận thức lứa tuổi của chúng khi sử dụng. Các cơ quan chức năng sẽ điều tra để xác nhận liệu Công ty OpenAI và ChatGPT có tuân thủ luật về quyền riêng tư và các quy định bảo vệ dữ liệu kỹ thuật số theo yêu cầu của Liên minh Châu Âu hay không.

Ngoài ra, Cục bảo vệ dữ liệu cũng đề cập đến sự cố rò rỉ dữ liệu của ChatGPT vào ngày 20/3, bao gồm rò rỉ hồ sơ hội thoại của người dùng và thông tin thanh toán giao dịch. Sự cố này kéo dài suốt 9 giờ và theo email do OpenAI gửi cho những người dùng bị ảnh hưởng, cho thấy tên người dùng, địa chỉ thanh toán, số thẻ tín dụng, chủng loại thẻ và ngày hết hạn đã bị rò rỉ.

Do đó, Cục bảo vệ dữ liệu Italy đã tuyên bố, Công ty OpenAI trong vòng 20 ngày phải cải thiện và thực hiện các biện pháp theo yêu cầu của DPA cho đến khi OpenAI tuân thủ các quy định về quyền riêng tư của địa phương, nếu không sẽ bị phạt tới 20 triệu euro hoặc phạt 4% doanh thu toàn cầu hàng năm của công ty.

Cách đây không lâu, nhiều giám đốc điều hành của các công ty công nghệ, bao gồm CEO Tesla Elon Musk, đồng sáng lập Apple Steve Wozniak, người sáng lập Stability AI Emad Mostaque và các nhà nghiên cứu AI hàng đầu, đã kêu gọi tạm dừng phát triển quá nhanh các công cụ AI mới trong 6 tháng hoặc hơn . Những người này cho biết việc tạm dừng sẽ giúp ngành có thời gian đề ra các tiêu chuẩn an toàn trong thiết kế AI, giúp ngăn ngừa nguy hại tiềm ẩn từ một số công nghệ AI có nguy cơ cao nhất.

ChatGPT đã nhanh chóng tạo nên cơn sốt trên toàn thế giới (Ảnh: UDN).

ChatGPT đã nhanh chóng tạo nên cơn sốt trên toàn thế giới (Ảnh: UDN).

Trước đây, Elon Musk đã nhiều lần bày tỏ mối quan ngại của ông về AI, ông cho rằng AI nguy hiểm hơn nhiều so với tai nạn xe hơi, tai nạn máy bay, cơn lũ ma túy, v.v., và thậm chí còn nguy hiểm hơn nhiều so với vũ khí hạt nhân. Đồng thời, các nhà phát triển AI phải làm việc với các nhà hoạch định chính sách để thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các hệ thống quản trị AI, bao gồm các cơ quan quản lý mới về AI, theo dõi giám sát các hệ thống AI tiên tiến, giúp phân biệt dữ liệu thực với dữ liệu do AI tạo ra và truy tìm nguồn rò rỉ, v.v.

Do nghi ngờ về các vấn đề quyền riêng tư, an ninh mạng và thông tin sai lệch của ChatGPT, ngày càng có nhiều lời kêu gọi đình chỉ phát hành phiên bản mới của ChatGPT và điều tra về robot AI; trong đó Tổ chức cảnh sát hình sự châu Âu (Europol) hôm 27/3 đã bày tỏ lo ngại về đạo đức và pháp luật đối với các AI tiên tiến như ChatGPT, cảnh báo rằng bọn tội phạm có thể sử dụng AI để phạm tội, bao gồm các cuộc tấn công mạng lừa đảo và lan truyền thông tin sai lệch.

Theo AP, vào cuối ngày 31/3, Công ty OpenAI cho biết họ đã đưa ChatGPT vào chế độ ngoại tuyến ở Italy. OpenAI trả lời rằng công việc của họ là "giảm dữ liệu cá nhân khi huấn luyện các hệ thống AI như ChatGPT, vì chúng tôi muốn AI của mình hiểu thế giới chứ không phải các cá nhân". Công ty bày tỏ sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Cục bảo vệ dữ liệu cá nhân của Italy.