IS tấn công khủng bố Paris để chứng minh Pháp vẫn sẽ là “mục tiêu hàng đầu“

Chiều 14-11, Tổng thống Pháp Francois Holland nói chính lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS đã thực hiện những vụ nổ chống lại nước Pháp. IS cũng tuyên bố các vụ tấn công này được tính toán và thực hiện để chứng minh cho Pháp thấy rằng nước này vẫn sẽ là "mục tiêu hàng đầu" của chúng...
Vụ tấn công khủng bố tại Paris khiến nước Pháp và cả thế giới chấn động
Vụ tấn công khủng bố tại Paris khiến nước Pháp và cả thế giới chấn động

Theo Reuters, trong tuyên bố chính thức vừa được tung lên mạng Internet, IS cho biết các tay súng của chúng được trang bị áo bom và súng máy thực hiện các vụ tấn công ở hàng loạt địa điểm tại trung tâm Paris. IS khẳng định tất cả các địa điểm này đều được nghiên cứu rất kỹ từ trước.

IS cũng tuyên bố các vụ tấn công này được tính toán và thực hiện để chứng minh cho Pháp thấy rằng nước này vẫn sẽ là "mục tiêu hàng đầu" của chúng nếu chính phủ Pháp tiếp tục các chính sách hiện nay (như không kích IS). 

Những hình ảnh kinh hoàng về sự kiện đẫm máu tại Paris:

Trước đó Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng khẳng định IS chính là hung thủ gây ra các vụ thảm sát đẫm máu khiến ít nhất 128 người thiệt mạng và 200 người khác bị thương. “Đây là hành vi gây chiến, do IS thực hiện chống lại Pháp, chống lại một đất nước tự do” - ông Hollande nhấn mạnh.

Tổng thống Pháp khẳng định: “Đối mặt với chiến tranh, đất nước chúng ta phải có hành động phù hợp”. Ông Hollande không giải thích rõ “hành động phù hợp” là gì. Mới đây Ngoại trưởng  Mỹ John Kerry mô tả bọn khủng bố là “phát xít”, muốn gieo rắc sự hỗn loạn.

Để đảm bảo an ninh, cảnh sát Pháp cho biết sẽ cấm các cuộc tuần hành từ giờ cho tới thứ năm tuần tới. Bỉ kêu gọi người dân nước này nên tránh đến Paris. Nga cũng cho biết có thể sẽ hạn chế các chuyến bay từ Matxcơva tới Paris.

Khủng bố lấy súng AK ở đâu?
Pháp cấm mua bán và sở hữu phần lớn các loại súng đạn. Vậy những kẻ khủng bố thực hiện các vụ tắm máu ở Paris đêm 13-11 lấy súng tiểu liên AK-47 từ đâu?

Những kẻ khủng bố tại Pháp rất chuộng súng tiểu liên AK-47 có sức công phá lớn - Ảnh: AFP
Những kẻ khủng bố tại Pháp rất chuộng súng tiểu liên AK-47 có sức công phá lớn - Ảnh: AFP

Các nhân chứng cho biết những kẻ khủng bố bắn giết ở nhà hát Bataclan và nhà hàng Petit Cambodge đều sử dụng súng tiểu liên AK-47. Hai kẻ cực đoan thực hiện cuộc thảm sát ở tòa soạn tạp chí biếm Charlie Hebdo hồi tháng 1 cũng sử dụng loại súng tương tự.

Pháp cấm mua bán và sở hữu súng đạn, do đó không thể mua các loại súng có sức mạnh lớn như Ak-47 một cách hợp pháp. Theo báo The Daily Beast, các chuyên gia cho biết bọn khủng bố tại Pháp chủ yếu mua súng đạn từ các nước Đông Âu. Tại Đông Âu, hoạt động buôn lậu vũ khí hạng nhẹ diễn ra cực kỳ rầm rộ.

Theo nguồn tin Al Jazeera, cảnh sát Pháp thu giữ hơn 1.500 khẩu súng bất hợp pháp vào năm 2009. Con số của năm 2010 là 2.700. Số súng bất hợp pháp ở Pháp liên tục tăng hàng chục phần trăm mỗi năm trong vài năm qua.

Cảnh sát châu Âu (Europol) cho biết tại một số khu vực ở Liên minh châu Âu (EU), bọn tội phạm có thể mua một khẩu AK-47 hoặc một khẩu súng phóng lựu với giá chỉ từ 300-700 euro.

“Các băng đảng tội phạm hoặc các nhóm khủng bố muốn thực hiện những vụ tấn công gây thương vong lớn rất dễ mua súng đạn” - Europol nhấn mạnh. Một lượng lớn súng đạn xuất phát từ Nga, đi qua vùng Balkan tới các nước châu Âu, trong đó có Pháp. Khi xung đột nổ ra ở Bosnia, Serbia và Kosovo, các nhóm vũ trang tại đây đều mua súng đạn từ Nga.

Dù các cuộc xung đột này chấm dứt, vẫn có ít nhất 6 triệu khẩu súng do Nga sản xuất đang lưu hành tại châu Âu, theo thống kê của tổ chức Nghiên cứu vũ khí hạng nhẹ (PDF).

Súng từ lâu cũng là mặt hàng xuất khẩu đáng kể của các nước Balkan và Tây Âu là thị trường chủ yếu. “Rất nhiều vũ khí được tuồn vào châu Âu đến từ miền tây Balkan” - Europol cho biết.

Trong một vụ hồi năm 2014, cảnh sát Slovakia chặn được một xe tải chở đầy súng và lựu đạn. Chiếc xe này xuất phát từ Bosnia & Herzegovia và điểm đến cuối cùng là Thụy Điển.

Ngày 6-3-2012, quốc hội Pháp xiết chặt luật quản lý súng đạn. Chỉ năm ngày sau tên cực đoan Mohamed Merah mở cuộc tấn công mở Toulouse, giết chết bảy người trước khi bị cảnh sát bắn chết.

Vũ khí của Merah bao gồm một khẩu AK-47, một khẩu Uzi, một súng máy Sten, một súng săn và vài súng ngắn, tất cả đều là hàng lậu. Tháng 10-2014, cảnh sát Pháp bố ráp nhiều điểm trên khắp cả nước, phá vỡ một băng đảng buôn súng trên mạng, bắt giữ 48 nghi can và thu giữ hàng trăm khẩu súng.

Nhưng cũng chỉ ba tháng sau, bọn khủng bố cầm súng AK-47 thực hiện cuộc thảm sát ở tòa soạn tạp chí biếm Charlie Hebdo tại Paris và các vụ liên quan khiến 17 người thiệt mạng. Vũ khí vẫn đang chảy vào nước Pháp bất chấp luật pháp chặt chẽ và rơi vào tay những kẻ cực đoan.

Sự thật cay đắng là để tấn công khủng bố ở nước Pháp, bọn cực đoan không hề thiếu súng. 

 Đại sứ Pháp tại Việt Nam: Pháp tiếp tục chống khủng bố
Tại cuộc họp báo tại sứ quán Pháp chiều 14-11, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean-Noël Poirier khẳng định nước Pháp sẽ “không gục ngã” trước chủ nghĩa khủng bố.

Đại sứ Jean-Noël Poirierchia sẻ nỗi đau của các nạn nhân vụ khủng bố chiều 14-11. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đại sứ Jean-Noël Poirierchia sẻ nỗi đau của các nạn nhân vụ khủng bố chiều 14-11. Ảnh: VIỆT DŨNG

Vụ khủng bố kinh hoàng nhất lịch sử

Đại sứ Jean-Noël Poirier cho biết vụ tấn công khủng bố đẫm máu đêm 13-11 ở Paris là vụ tấn công khủng bố kinh hoàng nhất mà nước Pháp đã trải qua trong lịch sử của mình. 

Đại sứ Jean-Noël Poirier chia sẻ nỗi đau của các nạn nhân trong các vụ tấn công khủng bố. Ông cho hay sau vụ khủng bố này, Tổng thống Pháp Francois Hollande quyết định tăng cường biện pháp an ninh. Cụ thể, Pháp quyết định công bố tình trạng khẩn cấp trên toàn bộ lãnh thổ nước này.

“Điều đó có nghĩa là các lực lượng an ninh của Pháp bây giờ có nhiều quyền hơn, nhiều phương tiện hơn để can thiệp, kiểm soát việc đi lại của người dân, kiểm soát giao thông, cũng như tiến hành khám xét các ngôi nhà với mục đích truy tìm những kẻ khủng bố, triệt phá các tổ chức khủng bố cũng như là tìm nơi cất giấu các thiết bị vũ khí.

Chúng tôi cũng sẽ tăng cường các biện pháp an ninh trên mạng, chống lại việc buôn bán vũ khí cũng như là hoạt động tuyên truyền của những lực lượng Hồi giáo cực đoan” - Đại sứ Jean-Noël Poirier nêu.

Trước đây theo quy định của khối Schengen, người dân và du khách đến các nước thành viên trong khối có thể tự do đi lại, gần như không bị kiểm soát gì. Nhưng sau vụ khủng bố tại Paris đêm 13-11, Đại sứ Jean-Noël Poirier cho biết nước Pháp sẽ kiểm soát một cách có hệ thống việc đi lại ở biên giới.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nước Pháp hoàn toàn đóng cửa với bên ngoài, chỉ đơn thuần là tăng cường kiểm soát.

“Cuộc chiến tranh của quốc tế chống lại lực lượng khủng bố Hồi giáo cực đoan vẫn sẽ tiếp tục và quyết liệt hơn nữa. Từ nhiều năm nay, lực lượng quân sự của Pháp đã đấu tranh chống tổ chức khủng bố ở Trung Đông, cách đây vài ngày nước Pháp có những hoạt động quân sự chống lại tổ chức nhà nước Hồi giáo IS.

Sau sự kiện này, nước Pháp sẽ tiếp tục cương quyết trong cuộc chiến này. Tôi nghĩ rằng với sự quyết tâm và kiên trì của nước Pháp và của cộng đồng quốc tế, chúng ta nhất định sẽ chiến thắng các tổ chức khủng bố cực đoan này” - Đại sứ Jean-Noël Poirier trả lời câu hỏi của phóng viên về quyết tâm chống khủng bố của Pháp. 

Nhân viên cứu hộ đang giúp một phụ nữ sau vụ xả súng ở nhà hát Bataclan, Paris đêm 13-11. Ảnh: Reuters.
Nhân viên cứu hộ đang giúp một phụ nữ sau vụ xả súng ở nhà hát Bataclan, Paris đêm 13-11. Ảnh: Reuters.
"Cảm ơn sự chia sẻ của nhân dân Việt Nam

Trả lời câu hỏi liệu có phải Tổ chức nhà nước Hồi giáo (IS) đứng đằng sau các vụ tấn công khủng bố đêm 13-11 tại Paris không sau khi Pháp phát động chiến dịch quân sự chống lại tổ chức này mới đây, Đại sứ Jean-Noël Poirier cho biết rằng sứ quán Pháp vẫn chưa nhận được thông báo chính thức về những nghi phạm khủng bố.

“Chúng tôi mới chỉ nghe lời từ những nhân chứng. Các nhân chứng kể rằng những kẻ khủng bố đã vào trong nhà hát, sau đó hô to thánh Allah vĩ đại. Nước Pháp trong suốt thời gian qua là mục tiêu tấn công của các tổ chức khủng bố.

Vào tháng 1 năm nay, lực lượng khủng bố cực đoan tấn công đẫm máu nhắm vào tòa soạn báo Charlie Hebdo khiến 12 người thiệt mạng. Những yếu tố này khiến chúng ta nghi ngờ rằng đây là hành động của các tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan" - Đại sứ Jean-Noël Poirier nói.

Đại sứ Jean-Noël Poirier chia sẻ với Tuổi Trẻ rằng cảm xúc cá nhân của ông ngay sau khi nhận được thông tin về cuộc tấn công khủng bố đêm qua là lo lắng cho người thân của mình.

“Cũng như nhiều người Pháp khác, tôi cảm thấy lo lắng về tình trạng của những người thân của tôi. Hầu như tất cả người Pháp đang sinh sống ở Việt Nam đều có người thân ở Paris.

Tôi có một người con gái, sống gần một tàu điện ngầm diễn ra vụ khủng bố. Sau khi trải qua cảm xúc đó, chúng tôi phải tìm những biện pháp và hành động đáp trả hành động dã man của những tổ chức khủng bố cực đoan này” - Đại sứ Jean-Noël Poirier quả quyết.

Đại sứ Jean-Noël Poirier gửi lời cảm ơn sâu sắc đến người dân cũng như chính quyền Việt Nam vì đã hỏi thăm và thể hiện tình đoàn kết với nước Pháp.

“Chúng tôi nhận những lời hỏi thăm, chia sẻ đoàn kết của người dân Việt Nam trong suốt buổi sáng ngày hôm nay. Tình đoàn kết của người dân Việt Nam đối với nước Pháp khiến chúng tôi rất xúc động,” Đại sứ Jean-Noël Poirier nói.

Người dân Việt Nam vẫn luôn được nước Pháp chào đón. Các cơ quan ngoại giao của chúng tôi ở Hà Nội và TP.HCM sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân Việt Nam sang Pháp, và mục tiêu của chúng tôi là trong vòng hai năm sẽ tăng gấp đôi số lượng thị thực cấp cho người Việt.  

Theo Tuổi trẻ