Iraq chi 2,5 tỷ USD mua hệ thống phòng không FD-2000 từ Trung Quốc

VietTimes -- Hệ thống tên lửa này có ưu thế về giá, nhưng chưa trải qua chiến đấu thực tế, đã biên chế cho lục quân và hải quân Trung Quốc, công nghệ radar có nguồn gốc từ hệ thống S-300 của Nga.
Tên lửa phòng không thế hệ mới FD-2000 Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã
Tên lửa phòng không thế hệ mới FD-2000 Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã

Tờ Strategy Page Mỹ ngày 25/12 cho rằng Iraq rõ ràng đã đồng ý chi 2,5 tỷ USD mua một lô hệ thống phòng không FD-2000 do Trung Quốc sản xuất. Trung Quốc sẽ cung cấp tín dụng, Iraq có thể trả tiền sau một khoảng thời gian, có thể chi trả trong vài năm.

Trước đây, Iraq từng mua vũ khí của Trung Quốc. Năm 2015, Iraq mua máy bay không người lái CH-4 do Trung Quốc sản xuất. Hệ thống máy bay không người lái này rất giống máy bay không người lái Predator của Mỹ.

FD-2000 là phiên bản xuất khẩu của hệ thống tên lửa phòng không Hồng Kỳ-9 (HQ-9). HQ-9 từng bắn rơi thành công một quả tên lửa đạn đạo vào năm 2010, có ưu thế về giá so với hệ thống phòng không Patriot của Mỹ và S-300 của Nga.

Điều này rất quan trọng đối với các khách hàng vũ khí tiềm năng. Trung Quốc đã tích cực quảng cáo với khách hàng về hệ thống phòng không này. HQ-9 cơ bản tương đương với hệ thống phòng không Patriot của Mỹ.

Hiện nay, hệ thống phòng không tầm xa của Quân đội Trung Quốc chủ yếu là HQ-9, nhưng nước này còn có khoảng 1/4 hệ thống phòng không là hệ thống S-300 do Nga sản xuất.

Năm 2003, Trung Quốc bắt đầu bàn giao hệ thống HQ-9 cho lục quân và hải quân nước này. Ban đầu, sức chiến đấu của hệ thống này thấp hơn nhiều. Rất nhiều công nghệ của radar sử dụng cho HQ-9 rõ ràng có nguồn gốc từ công nghệ của hệ thống S-300 Nga.

Tên lửa phòng không thế hệ mới FD-2000 Trung Quốc (ảnh tư liệu)
Tên lửa phòng không thế hệ mới FD-2000 Trung Quốc (ảnh tư liệu)

Bản thân tên lửa của hệ thống HQ-9 cũng rất giống tên lửa Patriot của Mỹ. Tên lửa của hệ thống HQ-9 có tầm bắn lớn nhất khoảng 100 km, tên lửa nặng 1,3 tấn, bên trong có đầu dẫn đường bị động.

Tên lửa Patriot Mỹ có tầm bắn 70 km, nặng 1 tấn, trọng lượng của tên lửa Patriot phiên bản phòng thủ tên lửa chuyên dụng tầm bắn 20 km chỉ bằng 1/3 loại trước. Trong khi đó, tên lửa hệ thống S-300 Nga nặng 1,8 tấn, tầm bắn 200 km.

Được biết, hệ thống FD-2000 đã bỏ đi một số thiết bị sao chép hệ thống phòng không của Mỹ và Nga, làm cho sức chiến đấu của nó giảm đi, nhưng lại có thể đối phó với các vụ kiện tụng đánh cắp bản quyền công nghệ.

Hệ thống HQ-9 có khả năng cơ động. Hệ thống radar Type 120 bố trí trên một xe tải hạng nặng. Loại radar này có thể bước vào trạng thái làm việc trong thời gian 15 phút, đồng thời còn có thể dừng hoạt động và cơ động lại trên đường bộ trong vòng 10 phút.

Phạm vi dò tìm lớn nhất của radar Type 120 là 300 km. Trung Quốc đã lần lượt bán hệ thống HQ-9 và radar Type 120 cho các khách hàng. Năm 2013, quân nổi dậy Syria từng thu được một bộ radar Type 120.

Hệ thống HQ-9 do Quân đội Trung Quốc sử dụng phần lớn có khả năng cơ động. Lữ đoàn HQ-9 của lục quân có một trụ sở (trang bị 1 xe chỉ huy và 4 xe tải thông tin, bảo dưỡng), 6 tiểu đoàn (mỗi tiểu đoàn có 1 xe điều khiển tên lửa, 1 xe radar khóa mục tiêu, 1 xe radar tìm kiếm và 8 xe phóng tên lửa, mỗi xe phóng tên lửa có 4 quả tên lửa tra sẵn trong nòng).

Hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 của Quân đội Trung Quốc (ảnh tư liệu)
Hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 của Quân đội Trung Quố. Ảnh: Chinanews

Theo bài báo, hệ thống S-300 và HQ-9 đều chưa từng tiến hành kiểm nghiệm trong chiến đấu thực tế. Điều này rất quan trọng, bởi vì hệ thống phòng không do Nga thiết kế thường có biểu hiện kém trong chiến đấu thực tế.

Điều mà người Nga và người Trung Quốc đều nhấn mạnh đến là giá rẻ, sách hướng dẫn kỹ thuật gây ấn tượng sâu sắc, kết quả thử nghiệm và tiềm năng.