Iran ra đòn phá ván bài Mỹ tại Trung Đông

VietTimes -- Dù Iran có bị tổn thương bởi chiến lược chống Iran của Tổng thống Donald Trump thì cũng không thể che giấu sự thật sau cuộc xung đột Syria là dù là ở Li-băng, Syria hay Iraq thì đều không thể thiếu bàn tay của Iran. Kể cả Thổ Nhĩ Kỳ cũng không thể thực hiện chiến lược chống người Kurd nếu thiếu sự trợ giúp của Iran.
 Iran có tiềm lực quân sự hùng mạnh
Iran có tiềm lực quân sự hùng mạnh

Phi vụ thương lượng của Mỹ ở Trung Đông với thái tử Mohammad bin Salman (MbS) (Ả-rập Xê-út), Mohammad bin Zayed (MbZ) (Abu Dhabi), và Bibi Netanyahu (Israel) nhằm đạt được một “thỏa thuận thế kỷ” không những không đem lại thỏa thuận nào mà còn đẩy tình hình căng thẳng ở Vùng Vịnh lên cao đến mức gần như khủng hoảng. Các quốc gia Vùng Vịnh giờ đây rất dễ bị tổn thương.

Đội ngũ của ông Trump và một số lãnh đạo Châu Âu khác cho rằng có thể đưa ra một thỏa thuận mà Ả Rập Xê-út và Israel cùng nhau hành động để ngăn chặn Iran và các nước đồng minh, và đổi lại Israel sẽ bình thường hóa quan hệ với thế giới Sunni (đây chính là thỏa thuận thế kỷ).

Nhưng quyết định của ông Trump về Jerusalem đã chấm dứt ván bài này, thậm chí còn khiến ván bài đảo ngược. Nó tạo ra một “cực” thu hút những thành phần đối lập trong cuộc xung đột Syria tìm đến một ngọn cờ chung, đó là bảo vệ Jerusalem như một nền văn hóa chung, lịch sử chung và bản sắc của Hồi giáo và Thiên Chúa giáo. Ngọn cờ này có thể kết nối cả khu vực sau một giai đoạn dài chỉ toàn căng thẳng và xung đột.

Và các quốc gia Vùng Vịnh giờ đây nhận thấy sau khi bị thua ở Syria, giờ đây các nước này lại đang bị lôi kéo vào một cuộc tranh cãi căng thẳng khác trong khu vực. Dự án này chẳng mang lại lợi ích gì cả về thương mại lẫn chính trị, đó là chống lại Iran, một quốc gia 6000 năm tuổi với dân số khoảng 100 triệu.

Không đáng ngạc nhiên khi dự án gây tranh cãi này đẩy các quốc gia Vùng Vịnh ra xa nhau: Oman có quan hệ lâu đời với Iran thì không đời nào chấp nhận dự án này; Kô-oét có thành phần dân số theo dòng Shia quá đông và luôn cố gắng cùng chung sống với dòng Hồi giáo này. Dubai thì lo lắng về triển vọng kinh tế, còn Qatar thì đã thành lập một trục mới trong khu vực với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhưng hơn cả thế, thỏa thuận này còn là vì chủ nghĩa hoài nghi về kinh tế của Mỹ. Theo Chiến lược an ninh quốc gia, Mỹ đang phải hồi phục lại các lĩnh vực kinh tế mà Mỹ để mất vào tay kẻ khác vì “sự lơ lễnh của các chính quyền trước”. Hiện nay Mỹ đang phải đối mặt với thuế quan đối với Trung Quốc, các lệnh trừng phạt với Nga và cuộc chiến tranh kinh tế nhằm lật đổ chính phủ ở Iran. Liệu ông Trump có theo đuổi chính sách này để rồi sau đó sẽ phải hứng chịu sự trả đũa kinh tế từ Trung Quốc, Nga và Iran hay không? Thực tế khu vực đi theo hệ thống đô la xăng dầu đang thu hẹp dần và có lẽ sẽ ngày càng thu hẹp hơn (thậm chí Ả Rập Xê-út còn chấp nhận thanh toán bằng đồng nhân dân tệ trong mua bán dầu).

Gần đây Trung Quốc cũng đã cảnh báo Mỹ về kế hoạch chiến tranh thương mại của nước này bằng cách rò rỉ thông tin là Ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ ngừng mua trái phiếu của Mỹ hoặc rút trái phiếu. Và cơ quan xếp hạng tín dụng lớn của Trung Quốc, Dagong, đã hạ bậc tín nhiệm nợ chính phủ của Mỹ từ A- xuống BBB +, điều này cho thấy những trái phiếu mà các nước vùng Vịnh mua của Mỹ không phải là những tài sản “không mạo hiểm” và hoàn toàn có thể trở nên vô giá trị khi lãi suất tăng.

Giờ đây các nước Vùng Vịnh đang ở trong tình thế nguy hiểm và dễ bị tổn thương như vậy.

Hồi cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, Qatar và nhà cầm quyền Hamad bin Khalifa đã hành động vượt trên sức mạnh của quốc gia.

Qatar đã lập ra mạng lưới tin tức al- Jazeera, đây là một sự đổi mới gây sốc trong thế giới Ảrập vào thời đó, nhưng nó đã trở thành một công cụ thực sự hữu hiệu trong “mùa xuân Ả Rập". Trang tin này có đóng góp lớn trong việc lật đổ Tổng thống Ai Cập Mubarak và thiết lập khuôn khổ chính trị cho làn sóng biểu tình năm 2011. Có lẽ phần lớn các nước Ả Rập đều có thể bị lật đổ bằng cuộc chiến tranh thông tin của al-Jazeera và rơi vào tay lực lượng Anh em Hồi giáo mà Qatar đã nuôi dưỡng như một công cụ để cải cách thế giới Ả Rập Sunni.

Rõ ràng là Qatar đã thử thách Ả-rập Xê-út, không chỉ bằng biện pháp chính trị là tài trợ cho tổ chức Anh em Hồi giáo, nó đang thách thức học thuyết căn bản về nền tảng tôn giáo của Ả-rập Xê-út. Ả-rập Xê-út ghét cuộc khởi nghĩa cách mạng của Qatar vì nó đe dọa đến sự cai trị của họ. Trước đây cũng từng có những tranh chấp và bất bình giữa Abu Dhabi và Qatar. Cuối cùng Quốc vương Qatar cũng đã bị buộc phải rời khỏi ngai vàng và sống lưu vong vào năm 2013.

Theo lịch sử, Abu Dhabi luôn có một mối quan hệ khá mong manh dễ vỡ với Ả-rập Xê-út, vốn được coi là "tiểu vương quốc", nhưng với MbS, MbZ đã phát hiện ra cơ hội cho MbZ (và Abu Dhabi) trở thành  một nước “Qatar mới”, có khả năng hành động vượt trên cả sức mạnh của mình. Nhưng không giống như Qatar, không tìm cách đối đầu với Ả-rập Xê-út mà là dùng Ả-rập Xê-út để giành được sự chấp thuận và ủng hộ của Mỹ đối với hoạt động chống Anh em Hồi giáo của MbS và MbZ, chống chủ nghĩa thế tục, tân tự do và chống Iran.

Sự thành công của Abu Dhabi (sau cuộc chiến của Israel năm 2006 với Hezbollah) trong việc xây dựng quan hệ với Mỹ và tập trung vào mối đe dọa từ Iran. Việc sử dụng nỗi sợ bị tổ chức Anh em Hồi giáo thâm nhập để mở cửa cho sự mở rộng quyền kiểm soát thực tế của Abu Dhabi đối với Dubai ở cấp độ an ninh. Và việc vua Abu Dhabi sử dụng trợ cấp tài chính caho các tiểu vương quốc khác sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 là ví dụ điển hình trong việc loại bỏ những kẻ thù chính trị và giúp quyền lực không bị cản trở.

Binh sĩ Iran
Binh sĩ Iran

Con đường này đã giúp MbS trỗi dậy sau đó và nắm được quyền ở Ả-rập Xê-út dưới sự hướng dẫn của MbZ. Bộ đôi này muốn đảo ngược tiến trình của Trung Đông bằng cách ngăn chặn Iran và khôi phục lại ưu thế của Ả-rập Xê-út với sự trợ giúp của Mỹ và Israel.

Ông Trump chấp thuận MbS và MbZ. Nhưng hóa ra đây lại là một trường hợp khác của Vùng Vịnh: đó là MbZ không thể giúp mang lại Jerusalem cho Israel. Thủ tướng Israel Netanyahu không thể giải quyết vấn đề của người Palestine. Và trong bất kỳ sự kiện nào, thậm chí cả Abu Mazen (người Palestine) cũng không thể công nhận địa vị của Jerusalem.

Do đó việc ông Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel chỉ gây ra sự cô lập gần như hoàn toàn về ngoại giao của Mỹ. MbS, MbZ, Netanyahu và Jared Kushner (con rể của ông Trump) đều thất bại, bị suy yếu. Nhưng quan trọng hơn, tổng thống Trump hiện đang mắc kẹt trong quan hệ với Ả-rập Xê-út và với Iran.

Vẫn tiếp tục chương trình chống Iran, ông Trump giờ đây không có bất kỳ quân lính nào trên thực địa. Tổ chức hợp tác Vùng Vịnh đã tan rã, Ả-rập Xê-út đang trong tình trạng hỗn loạn, Ai Cập đang tìm đến Mátxcơva ( nước này đã mua các hệ thống S300 SAM của Nga với giá 1 tỷ USD, và 50 máy bay chiến đấu Mikoyan MiG-29 với giá 2 tỷ USD). Thổ Nhĩ Kỳ bị xa lánh và chơi cả Mỹ và Nga, nhưng lại chống lại phần còn lại; Iraq lại hợp tác với Damacus và Tehrn. Thậm chí cả Châu Âu cũng lên án chính sách của Mỹ đối với Iran.

Tất nhiên ông Trump có thể vẫn khiến Iran tổn thương mà không cần Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Ông Trump khiến người ta lo lắng không biết ông có rút khỏi JCPOA hay không, cộng với lời đe dọa tiếp tục áp dụng các biện pháp trừng phạt đã đủ để đe dọa các doanh nghiệp Châu Âu  không dám thực hiện các dự án thương mại với Iran.

Nhưng dù Iran có bị tổn thương thì cũng không thể che giấu sự thật sau cuộc xung đột Syria là dù là ở Li-băng, Syria hay Iraq thì đều không thể thiếu sự can thiệp của Iran. Kể cả Thổ Nhĩ Kỳ cũng không thể thực hiện chiến lược chống người Kurd nếu thiếu sự trợ giúp của Iran. Nga và Trung Quốc đều cần sự trợ giúp của Iran để đảm bảo sáng kiến “Vành đai, con đường” không bị trật bánh.

Đây là thực tế: Trong khi các lãnh đạo Mỹ và châu Âu nói chuyện không ngừng về kế hoạch ngăn chặn Iran, thì thực tế là Iran và các đồng minh khu vực ( gồm Syria, Li-băng, Iraq, và thậm chí là cả Thổ Nhĩ Kỳ) cũng đang ngăn chặn Mỹ và Israel. Và trọng tâm của sức hút kinh tế khu vực đang chuyển hướng, không còn là Vùng Vịnh nữa, mà là các dự án Á-Âu của Nga và Trung Quốc. Sức mạnh kinh tế của các nước Vùng Vịnh đang bước qua thời kỳ đỉnh cao.

Việc Mỹ triển khai một lực lượng chiếm đóng "nhỏ" ở đông bắc Syria không phải là mối đe dọa đối với Iran, mà là con tin giúp tăng sự gắn kết giữa Damacus và Tehran. Đó là sự thay đổi cân bằng quyền lực giữa các quốc gia trong khu vực.

Mỹ có thể sẽ hối hận. Còn Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục đau đầu về vấn đề người Kurd ở Syria.