Iran cố gắng đẩy giá dầu lên cao, nhưng có hiệu quả?

VietTimes -- Trong khoảng thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng con tin Iran, cố lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ruhollah Khomenei từng có câu nói nổi tiếng: "Mỹ không thể làm gì chúng ta cả". Thế nhưng 40 năm sau, lúc mà căng thẳng giữa hai bên bùng phát trở lại, Iran tự nhận ra rằng các lựa chọn của họ lại rất hạn chế xét về thị trường dầu mỏ.
Một tàu chở dầu bốc cháy sau khi bị tấn công trên Vịnh Oman vào ngày 13/6 (Ảnh: AP)
Một tàu chở dầu bốc cháy sau khi bị tấn công trên Vịnh Oman vào ngày 13/6 (Ảnh: AP)

Tình hình căng thẳng giữa Mỹ và Iran gia tăng đột biến trong những tuần gần đây, đặc biệt là sau khi Tehran bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ và Tổng thống Donald Trump rút lệnh tấn công Iran vào phút chót... Tình hình bất ổn là rất rõ ràng.

Tuy nhiên, giới phân tích thị trường và chuyên gia về Iran cho rằng nước Cộng hòa Hồi giáo đang hành động trong tuyệt vọng - và rằng mọi nỗ lực của họ trong việc làm gián đoạn dòng chảy dầu khí có lẽ chỉ tạo tầm ảnh hưởng kéo dài trong vài ngày hay vài tuần.

Giá dầu thế giới đã tăng cao trong vài ngày gần đây, trong đó giá dầu Brent ở mức trên 65 USD/thùng. Nhưng mức giá này vẫn chưa vượt được mức giá cao điểm vào mùa xuân. Đó là tin tốt với ông Trump, bởi ông từng khẳng định đã nắm rõ về mối liên hệ lịch sử giữa tỷ lệ tín nhiệm của một Tổng thống và giá dầu. Nhưng cũng có tin xấu: Nguyên nhân khiến giá dầu tăng không phải do căng thẳng với Iran, mà là quan ngại về căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và viễn cảnh kinh tế thế giới suy yếu.

Một số sự kiện gần đây đã làm ảnh hưởng tới ngành dầu khí thế giới: Các vụ nổ khiến 6 tàu chở dầu thiệt hại, mà Mỹ cáo buộc Iran đứng đằng sau. Các vụ tấn công bằng tên lửa nhằm vào khu nhà ở của nhân viên Tập đoàn dầu khí ExxonMobil ở Iraq, khiến 3 người bị thương. Và hồi tháng trước, nhóm vũ trang Houthi do Iran hậu thuẫn tấn công nhằm vào một đường ống dẫn dầu lớn của Arab Saudi.

"Họ đang hành động liên tiếp" - Phil Flynn, chuyên gia phân tích thị trường thuộc Tổ chức Price Futures, nhận định - "Tôi nghĩ rằng họ đang tuyệt vọng, họ đang tức giận".

Tuy nhiên, hành động của Iran chỉ có thể dừng ở đó chứ không thể gây ra những vụ việc lớn hơn, như đóng cửa eo biển chiến lược Hormuz - eo biển chiếm tới 1/5 tổng lưu lượng dầu mà thế giới tiêu thụ - bởi điều đó có thể gây tác dụng ngược với Iran, tạo nên một mặt trận thống nhất toàn thế giới để chống lại họ.

"Họ chỉ đưa ra những hành động hạn chế bởi nó không gây ra thảm họa. Nó là tổn hại có thể sửa chữa được" - Eugene Gholz, Giáo sư khoa học chính trị tại Notre Dame, nhận định - "Đó là một cú đánh gây khó chịu, nhưng không gây ra thảm họa".

Việc khuấy động tình hình trên eo biển Hormuz, tung cú đòn tấn công lớn, hoặc đòn tấn công mạng, nhằm vào một cơ sở dầu khí chắc chắn sẽ làm gián đoạn nguồn cung ứng dầu quan trọng. Mỹ và nhiều nước khác có thể buộc phải chuyển hướng vận chuyển dầu ở Vùng Vịnh qua các đường ống khác, hoặc phải sử dụng tới nguồn dầu khí dự trữ chiến lược của Bộ Năng lượng để bù lấp lượng thiếu hụt.

Theo giới chuyên gia, thực tế thì cả Mỹ và Iran đều mong muốn giảm thang căng thẳng. Nhưng để có vị thế trên bàn đàm phán, Iran buộc phải tung ra những đòn tấn công giấu mặt kiểu này, bởi nền kinh tế của họ đang chịu tổn thất ghê gớm do chiến lược gây sức ép cực đại bằng các đòn trừng phạt của Washington.

"Họ đang cố gắng lấy lại vị thế trên bàn đàm phán, bởi họ đang bị tổn thất" - Frank Verrastro, Phó Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), nhận định.

Mục tiêu cuối cùng của Iran chính là tăng vị thế đàm phán, tiếp thêm sức mạnh cho người dân và chứng tỏ rằng Mỹ không thể đùa với lửa mà không bị bỏng. Iran cũng có thể đang cố gắng lấp những lỗ hổng ngân sách quốc gia vốn dựa vào dầu khí, bởi giá dầu khí đang giảm.

Quyết định mà ông Trump đưa ra hồi tháng trước chấm dứt chương trình hoãn trừng phạt với những nước nhập dầu của Iran, đã khiến cho lượng dầu xuất khẩu của Iran giảm gần 2 triệu thùng/ngày.

Gây thêm rắc rối tài chính với Iran ngay trong lúc mà họ cần bán dầu nhất đã khiến Tehran hết sức tức giận. "Nếu họ cảm thấy họ đang bị chơi đểu bởi không thể xuất khẩu dầu khí với sản lượng lớn nhất do các đòn trừng phạt, vậy chỉ có cách duy nhất để giải quyết là khiến giá dầu tăng" - Michael Rubin, học giả thuộc Viện Nghiên cứu Ameerican Enterprise, nhận định.

Một nguyên nhân khác khiến cho giá dầu không tăng đột biến, như ông Trump đã đề cập tới trong một cuộc phỏng vấn gần đây, là sự trỗi dậy của Mỹ như một nhà cung ứng dầu đá phiến lớn của thế giới.

"Chúng ta đã đạt bước tiến lớn trong lĩnh vực năng lượng trong 2 năm rưỡi qua, và khi các đường ống được xây dựng xong, chúng ta sẽ trở thành nước xuất khẩu năng lượng" - ông Trump nói với tạp chí Time hồi tuần trước - "Bởi vậy chúng ta không còn ở vị trí như trước kia nữa".

Năm ngoái, Mỹ đã vượt mặt Nga và Arab Saudi để trở thành nước sản xuất dầu thô số 1 của thế giới, và nước này dự kiến sẽ cung cấp hơn 8,5 triệu thùng dầu đá phiến mỗi ngày kể từ tháng tới.

Các đòn tấn công của Iran nhằm vào dòng chảy dầu khí đương nhiên vẫn gây ra ảnh hưởng nhất định, bởi chúng khiến cho chi phí vận chuyển dầu tăng. Nhưng trong thời điểm mà giá dầu vẫn được duy trì ở mức dưới 70 USD hay 80 USD/thùng, Iran khó có thể được coi là đủ sức làm gián đoạn thị trường dầu mỏ - Amy Myers Jaffe, Giám đốc chương trình an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu thuộc Hội đồng Đối ngoại Mỹ, nhận định.

"Nước Mỹ đang ở vị trí mạnh mẽ hơn. Có ít nước quan tâm tới điều đang xảy ra với ngành năng lượng Iran, không ai dựa vào khí đốt của họ. Iran về căn bản là đang bị cô lập" - bà Jaffe nhận định - "Chúng ta đã chứng minh được rằng, có lẽ Iran cũng không quá quan trọng như người ta nghĩ".

(Theo Politico)